13:00 02/11/2008

Vốn ngân hàng cố thủ?

Minh Đức

Vốn khả dụng dư thừa lớn nhưng có dấu hiệu cho thấy các ngân hàng đang cố thủ thay vì đẩy mạnh giải ngân

Một số nhận định cho rằng các ngân hàng vừa trải qua kỳ khó khăn về vốn và thanh khoản nên có tâm lý cố thủ nguồn vốn ở thời điểm này - Ảnh: Việt Tuấn.
Một số nhận định cho rằng các ngân hàng vừa trải qua kỳ khó khăn về vốn và thanh khoản nên có tâm lý cố thủ nguồn vốn ở thời điểm này - Ảnh: Việt Tuấn.
Vốn khả dụng dư thừa lớn nhưng có dấu hiệu cho thấy các ngân hàng đang cố thủ thay vì đẩy mạnh giải ngân.

Con số khoảng 50.000 tỷ đồng vốn khả dụng đang dư thừa của hệ thống, 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc được giải phóng trước hạn, lãi suất cho vay trên thị trường đồng loạt giảm… có thể xem là những tín hiệu vui cho các doanh nghiệp cần vay vốn.

Nhưng doanh nghiệp tiếp cận được hay không, ngân hàng có thực sự đẩy mạnh cho vay ra hay không mới là thực tế được chờ đợi.

Chờ nới…

“Qua một đêm, ngân hàng bội thực vốn”, đó là câu nói vui của tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần về loạt chính sách hỗ trợ vừa qua của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng cũng chính ông thừa nhận rằng các doanh nghiệp nghiệp vẫn rất khó khăn trong tiếp cận vốn vay, do lãi suất vẫn quá cao.

Tại một hội thảo mới đây, ông Hoàng Việt Trung, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, cũng nhận định rằng lãi suất cho vay vừa có những điều chỉnh, nhưng cơ hội tiếp cận vốn vẫn khó khăn. Ngoài lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp hiện nay không đáp ứng được các điều kiện cho vay của ngân hàng.

Tại địa bàn Hà Nội, theo số liệu từ ông Trung, đến cuối tháng 10 tổng nguồn vốn huy động ước đạt 400.000 tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ ước khoảng chỉ 250.000 tỷ đồng. Dữ liệu này cũng cho thấy khả năng hấp thụ vốn đang hạn chế.

Một trong những hạn chế theo phân tích của ông Trung là các ngân hàng siết chặt hơn các điều kiện vay vốn, một trong những biện pháp đề phòng gánh nặng nợ xấu có thể tăng lên trong năm nay.

Còn theo cách nói hình ảnh của ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), “các ngân hàng hiện nay đang nhìn doanh nghiệp với cặp mắt đầy nghi ngờ thì làm sao có thể mở hầu bao cho doanh nghiệp vay”.

Trở lại với những “tín hiệu vui” nói trên, ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội, đặt vấn đề rằng chính sách tiền tệ đã có nới lỏng, vậy thì các ngân hàng cũng cần nới dần các điều kiện vay vốn, nới rộng tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp.

GS. TS. Cao Cự Bội, Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng cho rằng trong thời gian trước mắt, các ngân hàng không thể hạ thấp đột ngột lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, nhưng cần “linh hoạt và nương tay trong khống chế và kiểm soát dư nợ tín dụng”, tất nhiên là vẫn phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, phòng ngừa rủi ro.

“Doanh nghiệp đang khát vốn mà ngân hàng lại quy định dư nợ cho vay không được vượt quá 30% so với năm trước. Thực tế còn nghiệt ngã hơn, quy định đã vậy nhưng ngân hàng không thể cho vay ra được nên đến cuối tháng 8/2008 cũng chỉ ở mức 19%”, GS. Bội nói.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng nhận định năm nay tăng trưởng tín dụng “cùng lắm là 25%”, theo đó không nên giữ hạn chế ở trần 30% đã đặt ra. Bên cạnh đó, các ngân hàng nên nới rộng tín dụng, giảm lãi suất cho vay, tăng thanh khoản của nền kinh tế; Ngân hàng Nhà nước cũng cần xem xét lại khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp hiện nay như thế nào.

Thực tế… ngược?

Vốn khả dụng đang dư thừa lớn, nhưng thời gian gần đây có những nhận định cho rằng các ngân hàng đang cố thủ thay vì đẩy mạnh giải ngân hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Lê Xuân Nghĩa cho biết Ngân hàng Nhà nước đã cung thêm vốn cho các ngân hàng thương mại thông qua một số chính sách tiền tệ, nhưng ngân hàng thương mại lại không cung ứng tiền cho doanh nghiệp bao nhiêu mà chủ yếu đầu tư trái phiếu và có bệnh “cố thủ”.

Trên thực tế, từ cuối tháng 9 đến nay, một số nguồn tin cho biết lượng vốn của các ngân hàng thương mại đầu tư vào trái phiếu có dấu hiệu tăng mạnh. Trong bối cảnh khó khăn, hoạt động cho vay tiềm ẩn nhiều rủi ro, thì dòng vốn đầu tư nói trên được xem là an toàn hơn; mặt khác, lợi suất trái phiếu từ 16% - 16,8% vừa qua cũng là một yếu tố hấp dẫn.

Và với lượng vốn khả dụng sung túc hiện nay, tín dụng tăng trưởng thận trọng thì trái phiếu được xem là một lối thoát cho nguồn vốn của các ngân hàng.

“No dồn, đói góp”, sau hơn nửa năm đầu khó khăn nguồn vốn và thanh khoản, thời điểm này được một số chuyên gia cho rằng hoạt động cho vay của các ngân hàng đang ở bước chuyển từ thiếu sang thừa, theo đó chưa thể lập tức đẩy mạnh giải ngân, dù dư địa theo hạn mức tăng trưởng tín dụng trong hai tháng còn lại của năm khá lớn (khoảng 12%).

“Khoảng thiếu và khó khăn, thậm chí nguy hiểm, trước đó đang tạo một tâm lý đề phòng trong việc sử dụng vốn hiện nay của nhiều ngân hàng. Họ đầu tư vào trái phiếu với lợi suất tương đối cao, an toàn cao, hoặc đầu tư ngắn hạn trên thị trường tiền tệ, liên ngân hàng thay vì đẩy mạnh cho vay các doanh nghiệp. Bởi có thể khó khăn lại đến, thiếu tiền lại lo thanh khoản, và mùa đáo hạn các hợp đồng tiền gửi cuối năm cũng là một áp lực”, một chuyên gia nhận định.

Ông cũng cho rằng ngân hàng có lý do để thận trọng trong kế hoạch giải ngân thời điểm này, vì kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động, khả năng trả nợ của các doanh nghiệp vay vốn, trong khi nợ xấu đang là một vấn đề phải đối mặt.

Để cho vay ra thuận lợi hơn, giảm bớt áp lực lãi suất đối với người trả nợ, lãi suất huy động theo chuyên gia này cũng cần được điều chỉnh. “Nhưng, lãi suất huy động cũng khó giảm mạnh ngay vì liên quan đến lợi ích người gửi tiền, đến cạnh tranh kéo khách hàng, nhất là khi Việt Nam có quá nhiều ngân hàng, mà vẫn đang chủ yếu cạnh tranh về giá.

Tôi nghĩ sắp tới các ngân hàng cần xem xét có lộ trình giảm tiếp lãi suất huy động, như thế ngân hàng mới an toàn hơn, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay thì đối tượng vay vốn cũng an toàn hơn, nền kinh tế an toàn hơn. Theo đó, hoạt động giải ngân cũng dần được đẩy mạnh thay vì phòng thủ như hiện nay”, ông nói thêm.

Trong khi đó, động thái mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo về hoạt động cho vay và quan hệ tín dụng với các doanh nghiệp. Yều cầu này được đưa ra đầu tuần qua, khi có một thực tế ngược là lãi suất đã giảm đáng kể, nguồn tiền đã được cung thêm nhưng nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất vẫn không tiếp cận được nguồn vốn, hoặc rất khó khăn.

Ngày 30/10, các báo cáo trên gửi về Ngân hàng Nhà nước. Trên cơ sở tổng hợp, đánh giá lại thực tế, liệu nhà điều hành chính sách tiền tệ sắp tới sẽ có những biện pháp mới chăng?