04:56 18/08/2010

Vốn ngân hàng: Phòng thủ chồng chéo

Việc phải trích dự phòng chung 0,75% trên tổng dư nợ là mấu chốt của câu chuyện vì sao không thể hạ lãi suất cho vay được

Một tính toán cho thấy, tổng dư nợ của ngân hàng hiện khoảng 1,99 triệu tỉ đồng. 0,75% trích dự phòng chung của dư nợ nói trên là gần 15.000 tỉ đồng - một số vốn không nhỏ để đưa vào sản xuất - kinh doanh - Ảnh: Reuters.
Một tính toán cho thấy, tổng dư nợ của ngân hàng hiện khoảng 1,99 triệu tỉ đồng. 0,75% trích dự phòng chung của dư nợ nói trên là gần 15.000 tỉ đồng - một số vốn không nhỏ để đưa vào sản xuất - kinh doanh - Ảnh: Reuters.
Chính phủ chủ trương và chỉ đạo quyết liệt việc hạ mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cả thị trường tài chính lẫn doanh nghiệp đều chờ đợi một mức lãi suất hợp lý: huy động 10%/năm, cho vay 12%/năm, thậm chí thấp hơn.

Các ngân hàng thương mại nỗ lực, kể cả dưới sức ép của một số biện pháp hành chính, giảm lãi suất tiết kiệm và cho vay, nhưng lãi suất vẫn chưa về mức kỳ vọng.

Nguyên nhân chính là hàng loạt biện pháp phòng thủ trong trích lập dự phòng rủi ro mà Ngân hàng Nhà nước dựng lên nhằm bảo vệ sự an toàn của các tổ chức tín dụng từ nhiều năm nay đang khiến chi phí giá thành huy động vốn của ngân hàng tăng cao và lãi suất đầu ra không thể nào giảm được.

Năm năm đã quá 86 ngày

Một phần ba biên chế nhân lực của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh, thành là cán bộ bộ phận thanh tra, giám sát. Hoạt động thanh tra rải đều hàng tháng, hàng quí tại các ngân hàng trên địa bàn.

Một trong những vấn đề được thanh tra Ngân hàng Nhà nước xem xét kỹ nhất trong các cuộc kiểm tra là tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro. Điều này là xác đáng vì hiện nay tín dụng vẫn là hoạt động chủ lực của các ngân hàng. Các khoản cho vay, cho dù có tài sản thế chấp, vẫn phải phân loại theo từng nhóm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và trích lập dự phòng cụ thể tương ứng cho từng khoản vay đó.

Theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 quy định phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng, nợ cho vay của ngân hàng được phân ra làm năm nhóm với mức trích lập cụ thể từ 0-100% tùy mức độ rủi ro.

Ngoài các mức trích cụ thể này, điều 9 của Quyết định 493 còn quy định rõ: “Các tổ chức tín dụng phải trích lập và duy trì dự phòng chung bằng 0,75% tổng giá trị của các khoản nợ. Trong thời hạn tối đa năm năm kể từ khi quyết định này có hiệu lực, tổ chức tín dụng phải trích lập đầy đủ số tiền dự phòng chung”.

Quyết định 493 được đăng công báo ngày 30/4/2005 và có hiệu lực từ 15/5/2005. Tính đến nay thời hạn tối đa năm năm quy định tại điều 9 nói trên đã là năm năm cộng thêm 86 ngày. Nghĩa là tất cả các tổ chức tín dụng đã phải trích thêm một khoản dự phòng chung 0,75% tổng giá trị các khoản nợ.

Thí dụ nếu tổng dư nợ của một ngân hàng là 20.000 tỉ đồng, ngân hàng đó phải trích dự phòng chung 150 tỉ đồng. Nếu gọi các khoản dự phòng cụ thể cho từng khoản vay là phòng thủ cấp một, thì dự phòng chung 0,75% là phòng thủ cấp hai mà không ngân hàng nào không phải thực hiện.

Tiền “chết”

Dự phòng chung, theo định nghĩa tại khoản 2, điều 2, Quyết định 493 là “khoản tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất chưa xác định trong quá trình phân loại nợ và trích lập dự phòng cụ thể và trong các trường hợp khó khăn về tài chính của tổ chức tín dụng khi chất lượng các khoản nợ suy giảm”. Điều 17 nói rõ: “Dự phòng chung và dự phòng cụ thể được hạch toán vào chi phí hoạt động của ngân hàng (đưa vào tài khoản “dự phòng rủi ro”)”.

Như vậy, một khi được tính vào chi phí hoạt động, các khoản dự phòng chung và cụ thể là có lợi cho ngân hàng, bảo vệ ngân hàng khỏi bị rủi ro tối đa. Song cũng chính vì được phòng thủ chặt chẽ như thế, ngân hàng đâm ra bị bó tay. Thứ nhất, khi huy động vốn, ngân hàng phải trích một tỷ lệ nhất định đảm bảo dự trữ bắt buộc.

Thứ hai khi cho vay phải trích dự phòng cụ thể từng khoản, nay thêm dự phòng chung là chồng chéo. Chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra của ngân hàng hiện đang rút ngắn dần, chỉ còn 1-2%/năm. Theo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM, lãi suất cho vay tiền đồng bình quân của các ngân hàng trên địa bàn tháng 7/2010 là 13,91%/năm. Nay phải trích dự phòng chung 0,75% trên tổng dư nợ - đây chính là mấu chốt của câu chuyện vì sao ngân hàng không thể hạ lãi suất cho vay được!

Ở một khía cạnh khác, thử tính số tiền trích lập dự phòng chung nằm bất động là bao nhiêu. Cuối năm 2009, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng, theo nhiều số liệu tính toán, ước tính 1,76 triệu tỉ đồng. Tăng trưởng tín dụng bảy tháng đầu năm nay, theo Ngân hàng Nhà nước là 12,97%, như vậy tổng dư nợ của ngân hàng hiện khoảng 1,99 triệu tỉ đồng. 0,75% trích dự phòng chung của dư nợ nói trên là gần 15.000 tỉ đồng - một số vốn không nhỏ để đưa vào sản xuất - kinh doanh.

Từ tháng 5/2010 trở về trước, các ngân hàng thường không trích đủ dự phòng rủi ro chung, lấy lý do là chưa đến hạn và họ đưa ra lộ trình trích lập. Chẳng hạn có ngân hàng đầu năm nay đã trích 0,5%. Một số ngân hàng trích ít hơn 0,3-0,4%. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng châm chước vì chưa đến hạn.

Nhưng kể từ giữa tháng 5/2010, việc châm chước không còn nữa. Điều 20 của Quyết định 493 liệt kê rõ các hình thức xử lý nếu ngân hàng nào vi phạm, không trích lập đầy đủ dự phòng chung, trong đó có tăng trích lập dự phòng tương ứng với mức độ rủi ro của các khoản nợ và hạn chế tín dụng, mở rộng mạng lưới, nội dung hoạt động…

Khi hoạt động tín dụng mang lại quá ít lợi nhuận, ngân hàng đã chuyển sang tăng cường giao dịch trái phiếu. Thực tế kinh doanh trái phiếu giờ đây cũng không mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng vẫn còn thuận lợi hơn tín dụng.

Thời điểm thực hiện Thông tư 13/2010/TT-Ngân hàng Nhà nước ngày 20/5/2010 về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng đang ngày một gần, từ ngày 1/10/2010. Các khoản cho vay chứng khoán và kinh doanh bất động sản chuẩn bị phải tính hệ số rủi ro tới 250% thay vì 100% như trước. Thông tư 13 sẽ là một hàng phòng thủ thứ ba cho sự an toàn của các ngân hàng. Hơn nữa, sự an toàn của các ngân hàng cần phải được nhìn nhận như thế nào một khi dòng vốn chảy từ đây vào nền kinh tế không suôn sẻ?

Quyết định 493 ra đời đã hơn năm năm và trong thời gian đó đã xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, khiến những khái niệm an toàn tài chính cũng thay đổi. Đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại cơ chế phòng thủ cho các tổ chức tín dụng, lược bớt sự chồng chéo để mặt bằng lãi suất có thể vận động theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như đòi hỏi của nền kinh tế.

Hải Lý/TBKTSG