00:03 11/05/2007

Vốn ngoại vào chứng khoán: Đâu là con số thực?

Minh Đức

Lượng vốn ngoại đổ vào chứng khoán là một cơ sở quan trọng để đánh giá thị trường. Nhưng đâu là con số thực?

Dù ít hay nhiều, dòng vốn ngoại vào chứng khoán đang đặt ra nhiều vấn đề đối với cơ quan quản lý.
Dù ít hay nhiều, dòng vốn ngoại vào chứng khoán đang đặt ra nhiều vấn đề đối với cơ quan quản lý.
Lượng vốn ngoại đổ vào chứng khoán là một cơ sở quan trọng để đánh giá thị trường. Nhưng đâu là con số thực?

Câu hỏi trên một lần nữa được đặt ra và không chỉ có hai đáp án 4 tỷ USD và 1 tỷ USD.

“Nhiễu số”

Giữa tuần này, Ngân hàng Nhà nước tổ chức một hội thảo liên quan đến thị trường chứng khoán; trong đó, lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thời gian qua được nhiều diễn giả đề cập tới.

Trong tham luận của mình, ông Phạm Huy Hùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank), đưa ra con số 1 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2006.

Ngay tham luận sau đó, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), lại đưa ra con số đáng chú ý: “Đến tháng 2/2007, ước tính vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 4 tỷ USD và có thể tăng thêm 1,5 tỷ USD trong vòng 6 tháng tới”.

Trong tài liệu cung cấp tại hội thảo, con số mà một chuyên gia của Vụ Tài chính Tiền tệ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, ước tính trong 3-4 tháng qua của riêng các nhà đầu tư nước ngoài nhỏ lẻ đầu tư qua các ngân hàng đầu tư là khoảng 1 tỷ USD.

Theo con số của ông Phí Đăng Minh, Phó vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước, dẫn thống kê của Ủy ban Chứng khoán, lượng vốn giao dịch trên thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư nước ngoài (chưa kể thị trường OTC) ước khoảng 3,5 - 4,2 tỷ USD.

Và những con số khá chi tiết của bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) nói đến là: Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Ủy ban Chứng khoán, báo cáo của các doanh nghiệp và ước tính của Ngân hàng Nhà nước, nguồn vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài được phản ánh trên cán cân thanh toán có xu hướng ngày càng gia tăng: đến quý I/2006 khoảng 189 triệu USD, quý II khoảng 283 triệu USD, quý III khoảng 202 triệu USD và quý IV khoảng 626 triệu USD. Và con số cả năm được đề cập là khoảng 1,3 tỷ USD.

Trước những con số này, ông Nguyễn Đại Lai, Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng không thể xác định cảm tính, chung chung, mà phải là một sự chính xác tương đối và phải giải thích rõ đó là số vốn gốc hay là số vốn sinh sôi sau đầu tư.

Và đâu là con số cuối cùng? Có lẽ Ủy ban Chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước cần ngồi lại với nhau để thống nhất, tránh “nhiễu số” trong thông tin đến thị trường.

Biết để định hướng

Về ý nghĩa của con số này, chỉ riêng sự xuất hiện với mật độ dày trong tài liệu phục vụ hội thảo cũng cho thấy một phần quan trọng của nó đối với nhà quản lý.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, đây là một tham số quan trọng liên quan đến công tác quản lý, định hướng điều chỉnh chính sách liên quan. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là sẽ theo dõi sát, chặt chẽ con số này để có sự quản lý phù hợp.

Còn theo một số diễn giả khác, đó là một minh chứng cụ thể cho sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Và cũng có thể là một thước đo rủi ro nếu lượng vốn đó bị rút ra khỏi thị trường.

Con số 1 tỷ USD hay 4 tỷ USD, thậm chí có thể lên tới 5,5 tỷ USD đều mang lại những ý nghĩa và mức độ ảnh hưởng khác nhau. Và dù ít hay nhiều, dòng vốn đó đang đặt ra nhiều vấn đề đối với cơ quan quản lý.

Ông Bảo lo ngại rằng thị trường chứng khoán mở của, vốn ngoại vào nhiều khiến thị trường dễ bị nhà đầu tư nước ngoài thao túng, gây rủi ro cho hệ thống tài chính. Vốn ngoại càng nhiều, sức ép lên đồng nội tệ càng lớn; và khi đồng nội tệ lên giá, tính cạnh tranh của nền kinh tế càng kém đi…

Ngoài ra, cũng như những lo ngại mà một số chuyên gia đã cảnh báo, lượng vốn ngoại vào nhiều sẽ tạo một thách thức lớn đối với công tác quản lý ngoại hối. “Nếu nhà đầu tư nước ngoài đồng loạt bán tháo cổ phiếu để rút vốn, ngoài tác động đến thị trường chứng khoán, lượng vốn rút ra sẽ lớn hơn nhiều so với lượng vốn đổ vào, gây áp lực lớn lên dự trữ ngoại hối”, ông Bảo nói. Đó là chưa tính đến nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu, trả nợ nước ngoài…

Trước những vấn đề đó, nắm được con số cụ thể, cập nhật, tính toán chính xác là yêu cầu để định hướng những áp lực và định hướng khả năng phòng ngừa. Nhưng nếu “nhiễu số”, khả năng định hướng đó sẽ đến đâu?