19:28 07/12/2023

Vốn tài trợ và đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á năm 2023 đạt hơn 18 tỷ USD

Ngô Huyền

Trong vài năm qua, nhờ nguồn vốn mạo hiểm (VC), các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á đã có mức tăng trưởng ấn tượng, trở thành tâm điểm trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu…

Theo Statista Research, năm 2023, tổng số vốn đầu tư mà các công ty Đông Nam Á huy động được sẽ đạt khoảng 18,2 tỷ USD. Trong đó, nguồn VC tập trung chủ yếu ở giai đoạn đầu và ước đạt 9,8 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, nhìn chung, số tiền huy động được sẽ thấp hơn so với năm 2022 (18,7 tỷ USD) và 2021 (21,2 tỷ USD).

NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐẦU TƯ MẠO HIỂM TẠI ĐÔNG NAM Á 

Việc nguồn vốn tài trợ suy giảm chủ yếu là do nền kinh tế toàn cầu đang xấu đi và tác động nghiêm trọng mà những thách thức tài chính này đang gây ra cho các nhà đầu tư. Các lý do khác có thể là do sự thay đổi trong chiến thuật của công ty VC, thiếu các công ty khởi nghiệp có tiềm năng, những khó khăn trong các quy định và các công ty khởi nghiệp thiếu kinh nghiệm trong việc xác định và đảm bảo hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp của họ.

DealStreetAsia báo cáo, ASEAN đang phải vật lộn để điều chỉnh theo những cơn gió ngược của nền kinh tế, với nửa đầu năm 2023 (H1), việc gây quỹ được ghi nhận chỉ đạt  44% so với cùng kỳ năm trước. Trong nửa đầu năm, các công ty khởi nghiệp đã tích lũy được 4,2 tỷ USD trong nửa đầu năm, con số này giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Số tiền này có nghĩa việc gây quỹ nửa đầu năm 2023 sẽ thấp hơn tổng số tiền huy động được trong quý đầu tiên (Q1) năm 2022.

THẾ MẠNH CỦA ASEAN GIÚP THU HÚT CÁC NHÀ ĐẦU TƯ 

Dù vậy, Đông Nam Á vẫn được các chuyên gia đánh giá là nơi đáng đầu tư do có nhiều lợi thế so với các khu vực khác. Đầu tiên là lợi thế về dân số trẻ, thành thị hóa cao và am hiểu công nghệ. Họ tò mò, sẵn sàng thử những cải tiến mới và thoải mái hoạt động trong một thế giới định hướng kỹ thuật số. Hơn nữa, họ là một phần của tầng lớp trung lưu đang lên trong khu vực, có nghĩa là họ sẽ cung cấp một thị trường rộng lớn cho các công ty khởi nghiệp công nghệ trong nhiều năm.

Chuyển đổi số được các chính phủ ASEAN đặt làm trọng tâm phát triển, có nghĩa là một số lượng đáng kể công dân, hơn 400 triệu người, là người sử dụng Internet. Số lượng người tiếp cận với điện thoại thông minh ngày càng tăng, đảm bảo mức độ thâm nhập của thiết bị di động là rất cao. 

Hơn nữa, công nghệ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng ở ASEAN với việc triển khai cơ sở hạ tầng 5G đã được thực hiện trong toàn khu vực. Ngoài ra, sử dụng blockchain một cách sáng tạo kết hợp cùng trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động đến nhiều ngành công nghiệp và hợp lý hóa các hoạt động trong nhiều ngành nghệ.

Một trong những cái tên nổi bật đã phát triển nhanh chóng từ nguồn vốn VC là công ty dịch vụ tích hợp Grab. Kỳ lân này đã nhận được sự hỗ trợ từ Vertex Ventures—một công ty con của Temasek Holdings—cũng như các nhà đầu tư khác để phát triển và trở thành một siêu ứng dụng. Hiện tại, công ty này cung cấp các giải pháp như gọi xe, thanh toán kỹ thuật số, giao đồ ăn, v.v.

Những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Grab và Sea Group đều chọn Singapore làm trụ sở. Không chỉ vậy, sức hấp dẫn của quốc gia này còn mở rộng đến các công ty khởi nghiệp Ấn Độ, nhiều công ty đã chọn đặt trụ sở chính tại Singapore do môi trường thân thiện với doanh nghiệp và vị trí chiến lược trong các thị trường phát triển mạnh của khu vực. Hiện nay, Singapore có gần 4.800 công ty khởi nghiệp công nghệ, cùng với 252 vườn ươm được hỗ trợ bởi 529 nhà đầu tư. 

NHỮNG THÁCH THỨC CỦA ASEAN

Công ty đầu tư mạo hiểm (VC) Jungle Ventures dự đoán giá trị của các startup khu vực sẽ tăng vọt từ 340 tỷ USD hiện tại lên 1 nghìn tỷ USD vào năm 2025.  
Công ty đầu tư mạo hiểm (VC) Jungle Ventures dự đoán giá trị của các startup khu vực sẽ tăng vọt từ 340 tỷ USD hiện tại lên 1 nghìn tỷ USD vào năm 2025.  

Theo công ty VC East Ventures, suy thoái kinh tế toàn cầu không chỉ ảnh hưởng đến ngành công nghệ mà còn cản trở việc giải ngân vốn. 

Chính vì vậy, các công ty đầu tư mạo hiểm đang cẩn trọng tìm kiếm những cơ hội phù hợp, họ đặc biệt quan tâm đến các công ty có chính sách ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) và hồ sơ tài chính rõ ràng. Hơn nữa, các công ty khởi nghiệp công nghệ phải có tính đột phá, đổi mới và có tiềm năng phát triển lâu dài. Rõ ràng, Đông Nam Á vẫn còn rất nhiều thách thức phải vượt qua.

ASEAN sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những cơn gió ngược kinh tế toàn cầu, xung đột địa chính trị gia tăng trong khu vực, khủng hoảng nhân tài và chi phí tuyển dụng, cơ sở hạ tầng kém, chi phí năng lượng và sản xuất cũng như các quy định hạn chế của chính phủ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ hội hưởng lợi để các nhà đầu tư cân nhắc đầu tư vào khu vực. Thứ nhất, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ đang trưởng thành và tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện cho các công ty mới. Thứ hai, sự tăng trưởng của các lĩnh vực như công nghệ khí hậu và công nghệ y tế có nghĩa là người lao động ở ASEAN sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn. Ngoài ra, khi cơ sở hạ tầng được cải thiện, công nghệ sẽ thâm nhập vào khu vực nông thôn, từ đó mở rộng thị trường ngành công nghệ.