16:03 09/05/2019

Vụ Bitexco đòi bồi thường chi phí cơ hội 104 tỷ: Bộ Giao thông nói chưa có quy định

Bạch Huệ

Bộ Giao thông cho biết do pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc xác định chi phí cơ hội cho nhà đầu tư

Bộ Giao thông cho biết do pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc xác định chi phí cơ hội cho nhà đầu tư trong trường hợp dừng thực hiện dự án.
Bộ Giao thông cho biết do pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc xác định chi phí cơ hội cho nhà đầu tư trong trường hợp dừng thực hiện dự án.

Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây theo Nghị quyết số 20/NQ-CP.

Tại văn bản, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng giao bộ này tổ chức phê duyệt và chịu trách nhiệm về chi phí chuẩn bị dự án, thanh toán cho Công ty TNHH Tập đoàn (Bitexco) bằng vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt theo chỉ đạo của Nghị quyết 20 của Chính phủ.

Dù vậy, về chi phí cơ hội, Bộ Giao thông cho biết do pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc xác định chi phí cơ hội cho nhà đầu tư trong trường hợp dừng thực hiện dự án bởi chủ trương thay đổi từ Nhà nước như dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. 

Vận dụng quy định tại Bộ luật Dân sự, theo ý kiến của Bộ Tư pháp trường hợp xác định chi phí cơ hội là một thiệt hại thì nhà đầu tư có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015. Việc xác định chi phí bồi thường thiệt hại tương tự như lợi ích mà lẽ ra nhà đầu tư được hưởng, là chi phí vốn của phần vốn nhà đầu tư đã bỏ ra.

"Đề nghị Thủ tướng xem xét quyết định việc xác định chi phí cơ hội này, trong quá trình triển khai kiểm toán giá trị thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định hiện hành", Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị.

Trước đó, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức xác định chi phí chuẩn bị dự án và chi phí cơ hội cho Bitexco, Bộ Giao thông cho biết đã đàm phán với Bitexco đồng ý phương án 1.

Phương án 1 từng được đưa ra trước đó là Tập đoàn Bitexco không tiếp tục tham gia đầu tư dự án, Nhà nước sẽ sử dụng vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho dự án để thanh toán chi phí chuẩn bị dự án và khoản chi phí cơ hội cho Bitexco ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.

"Như vậy, có thể xem Bitexco và nhà nước đã thỏa thuận theo phương án nhà nước thanh toán chi phí chuẩn bị dự án và chi phí cơ hội cho Bitexco để thay cho phương án Nhà nước bồi thường", Bộ Giao thông Vận tải nêu tại văn bản.

Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định việc Thủ tướng quyết định dừng triển khai dự án thí điểm và chấm dứt việc Bitexco là nhà đầu tư thứ nhất thực hiện dự án "là yếu tố khách quan, do thay đổi về chủ trương đầu tư của nhà nước".

Theo Bộ Giao thông Vận tải, Bitexco đã chi tổng cộng 84,1 tỷ đồng cho dự án, bao gồm chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí quản lý và chi phí dich vụ tư vấn - dịch vụ.

Bên cạnh đó, Bitexco cho rằng công ty phải được tính thêm chi phí cơ hội. Cụ thể, theo báo cáo của doanh nghiệp này, trong trường hợp tiếp tục triển khai dự án, doanh nghiệp dự án (trong đó có Bitexco) sẽ được hưởng tỷ suất lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu là 19%/năm.

Đánh giá về đề xuất tính chi phí cơ hội của Bitexco, Bộ Giao thông Vận tải cho biết pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể đối với khoản chi phí này. Tuy nhiên Nghị quyết 20 của Chính phủ đã thống nhất thanh toán chi phí cơ hội cho Bitexco. Các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự cũng quy định việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp và quy định về bồi thường khi có tranh chấp.

Dù vậy, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng mức chi phí cơ hội bằng tỷ suất lợi nhuận 11,77%/năm là phù hợp với thực tế hiện nay và đảm bảo phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư 120/2018 của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, Bộ cũng nhấn mạnh sẽ không chấp nhận khoản chi phí cơ hội cho phần vốn chuẩn bị sẵn như trước đây Bitexco đề xuất vì đây là khoản cho phí Bitexco chưa sử dụng cho dự án nên không có cơ sở để xem xét. Khi đó, chi phí cơ hội được xác định khoảng 79,5 tỷ đồng.

Dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Tập đoàn Bitexco được Chính phủ giao lập đề xuất dự án năm 2007 và lập dự án đầu tư năm 2008.

Năm 2009, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt "đề xuất dự án" và sau đó là "Báo cáo nghiên cứu khả thi" - lần 1 (năm 2011).

Đến tháng 10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1597 chỉ định Bitexco làm nhà đầu tư thứ nhất giữ 60% cổ phần doanh nghiệp dự án.

Tuy nhiên, do những vướng mắc về pháp luật hiện hành nên cấu trúc dự án chưa được Chính phủ thông qua. Bộ Giao thông Vận tải đã hủy kết quả sơ tuyển.

Tháng 3/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 20, trong đó nêu rõ Thủ tướng quyết định dừng triển khai quyết định 1597 về việc ban hành cơ chế quản lý, thực hiện dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết theo hình thức PPP và chấm dứt việc chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco là nhà đầu tư thực hiện dự án.