Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Giao thông phải kết nối liên vùng
Hiện nay tất cả các đường cao tốc, đường vành đai của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kể cả của Tp.HCM, vẫn chưa làm được so với quy hoạch các cấp đề ra
Phát triển giao thông, kết nối liên vùng là một trong những yếu tố giúp cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giữ vững được vị thế và tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, vùng này đang có nguy cơ suy giảm vì tình trạng tắc nghẽn giao thông và thiếu tiền.
Giao thông phải kết nối liên vùng
Giao thông và liên kết là nhận định mà các chuyên gia đã chia sẻ và kiến nghị tại Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, diễn ra tại Đồng Nai ngày 6/5.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đã thẳng thắn nêu ý kiến rằng, giao thông kết nối vùng quan trọng là để triển khai quy hoạch phát triển vùng. Nếu chỉ nhìn ở phạm vi hành chính thì khó phát triển vùng. Câu hỏi đặt ra là, làm sao khai thác vùng động lực này? Nếu vùng này mất đi vai trò thì bầu sữa của cả nước sẽ khó khăn, ông Lịch đã nhấn mạnh. Bởi, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang chiếm 45% GDP của cả nước, đóng góp trên 42% tổng thu ngân sách của cả nước.
Tới đây, Chính phủ triển khai luật Quy hoạch mới và kế hoạch phát triển vùng. Như vậy, điều đầu tiên để đột phá trong vùng là trong các chính sách Luật phải lồng ghép các chính sách đặc biệt, các nội dung cần phải liên kết vùng. Còn nếu không chúng ta không giải quyết được vấn đề.
Theo ông Lịch, hiện nay tất cả các đường cao tốc, đường vành đai của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kể cả của Tp.HCM, vẫn chưa làm được so với quy hoạch các cấp đề ra. Theo quy hoạch là đường vành đai, trong đó đường vành đai 2 dài 64km, nhưng hiện vẫn đang là đường vành khuyên, chưa khép kín; vành đai 3 dài 89km đang làm gian dở chưa triển khai; đường vành đai 4 dài 197km còn nguyên xi trên giấy. Ngoài ra, tất cả các cao tốc chưa có.
Theo ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Đinh Quốc Thái, cần ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng, đặc biệt là các tuyến cao tốc, hệ thống đường vành đai Tp.HCM, hệ thống cảng - Logistics.
Về đầu tư hạ tầng, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Hội đồng vùng phải ngồi lại sắp xếp danh mục các dự án ưu tiên, mang tính liên kết vùng. Trên cơ sở danh mục này, Chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ bố trí vốn dự phòng của đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và bổ sung nguồn trong giai đoạn đầu tư công sắp tới để đầu tư. Còn như hiện nay, "theo khảo sát ở các địa phương, đang có các ý kiến trái ngược nhau. Nếu như tỉnh Đồng Nai "sốt ruột" muốn đầu tư kết nối hạ tầng với Tp.HCM nhưng Tp.HCM lại thấy bình thường. Hay tỉnh Bình Dương lại sốt ruột muốn kết nối với Đồng Nai nhưng Đồng Nai thấy chưa quan trọng".
Vai trò của giao thông rất lớn. Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, giao thông là tiền đề để giải quyết hai vấn đề: Liên kết phát triển kinh tế và phát triển chuỗi vùng đô thị, một động lực của tăng trưởng. Phát triển đô thị mà không có giao thông kết nối thì thất bại! Thế nên, cần tập trung và phải quyết tâm về mặt chính trị để hệ thống giao thông vùng kết nối.
Ông Lịch đề xuất rằng nên chia ra, phần nào là giao thông quốc gia thì Bộ Giao thông Vận tải có lộ trình làm, còn phần nào của vùng thì các tỉnh của vùng ngồi lại tính toán phương án một cách cụ thể, không nói chung chung nữa. Khi có mục tiêu, phương thức và bước đi rồi phải tính toán mọi nguồn lực để thực hiện. Còn nếu đầu tư kiểu "liệu cơm, gắp mắm" như hiện nay thì không bao giờ làm được.
Bên cạnh đó, về điều phối vùng như hiện nay thì không làm được. Cần lập tổ tư vấn hay bộ phận giúp việc chuyên trách ngồi nghiên cứu tại chỗ về phát triển vùng. Nói nôm na là những lãnh đạo vùng. Nếu không có các "đầu bếp" thì ai sẽ lập và kiến nghị Thủ tướng? Nếu để Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiêm nhiệm rồi bị chi phối tư duy nhiệm kỳ thì sẽ không bao giờ làm được mục tiêu phát triển.
Cũng với tâm tư lo cho số phận của vùng, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM - Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về vùng kinh tế động lực, giúp cho hoạt động vùng ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, để duy trì và nâng cao hiệu quả của việc liên kết, phải tạo ra một "tài sản chung" của các địa phương. Theo đó, Chính phủ cho phép thành lập Quỹ Hội đồng vùng được hình thành từ một phần kinh phí do Trung ương cấp, một phần từ đóng góp của các địa phương và những nguồn khác.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng phải có quỹ và bộ phận đảm trách mới giải quyết được các vấn đề của vùng và tổng thể.
Mặt khác, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên còn cho rằng, với tổ tư vấn phát triển vùng cần phải ý chí mạnh mẽ hơn nữa, đó là ý kiến của tổ này có thể đề xuất lên Chính phủ, Bộ. Đồng thời, tạo ra vai trò kết nối doanh nghiệp liên kết trong vùng. Quan trọng nhất của tăng trưởng vùng là chủ thể tăng trưởng. Chủ thể ở đây là tỉnh, thành.
Tạo cơ chế cho vùng phát triển
Cũng theo ông Thiên, nếu không có thể chế phát triển thì không thể phát triển. Do vậy, về dài hạn, cần có thể chế phát triển vùng, không thể để các tỉnh ngồi lại bàn luận với vai trò như anh em, như vậy không tạo ra động lực. Trong những năm tới, phải đề xuất Quốc hội để có được thể chế vùng, làm động lực cho các vùng hoạt động. Hiện tại, trong giai đoạn thể chế vùng chưa hình thành cần có các giải pháp, gồm phân cấp, phân quyền, và nguồn lực phải mạnh. Cấp phải đi với quyền và nguồn lực, khi đó mới làm được việc.
Ngay tại Hội nghị này, Thủ tướng đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng bảo đảm chất lượng theo hướng tích hợp các quy định tại Luật Quy hoạch. Với Bộ Tài chính, cần xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại cho các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cần nghiên cứu tỷ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách địa phương, bảo đảm tương ứng với vai trò đóng góp của ngân sách của từng tỉnh, thành phố, tạo nguồn lực cho các địa phương trong vùng tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sau năm 2020, Chính phủ sẽ tính toán lại tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương cho phù hợp hơn với các địa phương thu ngân sách trọng điểm, trong đó có nhiều tỉnh trong vùng kinh tế phía Nam.
Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính xem xét, quyết định việc cho các địa phương sử dụng ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi để giải phóng mặt bằng xây dựng các khu đô thị ven biển theo đúng quy định pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Bộ Giao thông Vận tải tập trung nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, đồng bộ hóa hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng. Đồng thời, phối hợp với các địa phương kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đầu tư theo hình thức PPP, tranh thủ nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển kết cấu hạ tầng.
Khi đã giải quyết được các vấn đề căn cơ mà vùng vẫn không phát triển thì mới có thể nói đến năng lực của vùng đã cạn kiệt.