16:15 06/02/2007

WB hỗ trợ 4 tỷ USD ưu đãi cho Việt Nam

Thành Nam

Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố hỗ trợ khoản tín dụng không lãi suất dài hạn trị giá 4 tỷ USD cho Việt Nam trong 5 năm tới

Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố hỗ trợ khoản tín dụng không lãi suất dài hạn trị giá 4 tỷ USD cho Việt Nam trong 5 năm tới.

Quyết định của WB dựa trên những thành tựu mà Việt Nam đã đạt trong 15 năm qua. Như vậy, sổng số tiền tín dụng ưu đãi trong giai đoạn 2007 - 2011 sẽ là hơn 800 triệu USD/năm trong vòng năm năm tới.

Theo WB, khoản hỗ trợ trên tập trung vào các lĩnh vực quan trọng để giúp Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới nhằm giảm nghèo và đưa đất nước tiến lên thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010.

Cụ thể, khoản ưu đãi dự kiến sẽ tham gia hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực: cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy hòa nhập xã hội, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường tốt hơn, và cải thiện quản lý và điều hành.

Tại lễ công bố khoản tín dụng, diễn ra tại Hà Nội ngày 6/2, đại diện của WB cho hay, việc cải thiện môi trường kinh doanh như cải cách hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nằm trong khoản tín dụng này sẽ có ý nghĩa gián tiếp hỗ cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Ngoài ra, WB cũng đã công bố "Chiến lược Đối tác Quốc gia" cho Việt Nam thay cho "Chiến lược Hỗ trợ Quốc gia" trước đây. “Chiến lược mới nhằm nhấn mạnh đến mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ mà ở đó mỗi bên đều bình đẳng”, ông James Adam, vị Phó chủ tịch mới của Ngân hàng Thế giới, phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói.

Ông này cũng cho biết thêm, Việt Nam là một ví dụ về mô hình phát triển với hàng triệu người đã thoát khỏi đói nghèo, trong khi đó lợi ích của nền kinh tế thị trường được phân bổ tương đối đồng đều cho mọi tầng lớp xã hội.

Lễ công bố "Chiến lược Đối tác Quốc gia" cho Việt Nam được tổ chức trùng vào thời điểm Hội nghị bàn tròn quốc tế về quản lý hướng tới kết quả phát triển, cũng được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 400 chuyên gia và quan chức chính phủ từ hơn 40 nước, 33 tổ chức và quốc gia tài trợ.