10:26 03/10/2007

WB và sáng kiến thu hồi tài sản tham nhũng

Trung Việt

Theo ước tính, tổng số tiền nhận hối lộ hàng năm có thể tương đương với 20 - 40% tổng viện trợ phát triển chính thức (ODA)

Nạn tham nhũng trở thành quốc nạn ở hầu hết các nước nghèo, các nước đang phát triển, song các nước này lại thiếu các cơ quan chuyên trách và hệ thống chính sách, pháp luật để ngăn chặn tham nhũng.
Nạn tham nhũng trở thành quốc nạn ở hầu hết các nước nghèo, các nước đang phát triển, song các nước này lại thiếu các cơ quan chuyên trách và hệ thống chính sách, pháp luật để ngăn chặn tham nhũng.
Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) vừa công bố bảng xếp hạng mới về tham nhũng thế giới, gồm 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, cho thấy nạn tham nhũng tại các nước nghèo, nước đang phát triển vẫn trầm trọng.

Mức độ tham nhũng của các nước được TI đánh giá theo thang điểm từ 0 đến 10. Bảng xếp hạng của TI dựa trên đánh giá về tham nhũng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và được nhiều chính phủ, tổ chức, cá nhân tham khảo.

Nạn tham nhũng vẫn trầm trọng

Theo tài liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng số tiền đánh cắp, tham nhũng, trốn thuế được chuyển qua biên giới giữa các quốc gia hiện vào khoảng từ 1.000 đến 1.600 tỷ USD mỗi năm. 25% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của các nước châu Phi, tức là khoảng 148 tỷ USD mỗi năm, đang bị mất do tham nhũng.

Theo đánh giá khiêm tốn nhất, tổng số tiền hối lộ mà các quan chức ở các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi đã nhận vào khoảng từ 20 đến 40 tỷ USD mỗi năm, tức là tương đương với 20 - 40% tổng viện trợ phát triển chính thức (ODA).

Nạn tham nhũng trở thành quốc nạn ở hầu hết các nước nghèo, các nước đang phát triển, song các nước này lại thiếu các cơ quan chuyên trách và hệ thống chính sách, pháp luật để ngăn chặn tham nhũng.

Giám đốc Cục Chống tham nhũng quốc gia Trung Quốc (NBCP), bà Ma Wen cho rằng, nước này hiện thiếu chính sách ngăn chặn và chống tham nhũng nhằm vào các công ty tư nhân, tổ chức phi chính phủ. Chưa có bộ phận nào chịu trách nhiệm đưa ra chính sách ngăn chặn và kiểm soát việc thực thi pháp luật của họ tới khi NBCP được thành lập.

Theo Bộ Giám sát Trung Quốc, cơ quan hữu quan đã điều tra 24.879 trường hợp hối lộ thương nghiệp với giá trị khoảng 6,16 tỉ NDT (819,15 triệu USD) vào tháng 6 năm nay. Trong khi đó, tờ Thương báo Hồng Kông ngày 30/9 cho biết, trong thời gian từ tháng 8/2005 đến tháng 8/2006, Tiểu ban chống thương nhân hối lộ lãnh đạo Trung ương Trung Quốc đã xử lý hơn 31 nghìn vụ hối lộ với số tiền gần 1 tỷ USD.

Hợp tác để thu hồi tài sản bị đánh cắp

Ngân hàng Thế giới (WB) và Văn phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hiệp quốc (UNODC) vừa chính thức phát động "Sáng kiến thu hồi tài sản bị đánh cắp" (STAR), nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển thu hồi những tài sản bị các nhà lãnh đạo và quan chức tham nhũng đánh cắp.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon nêu rõ, sáng kiến này đòi hỏi sự hợp tác giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, để bảo đảm rằng những tài sản bị đánh cắp được trả về cho chủ nhân chân chính của nó.

Chủ tịch WB Robert Zoellick tuyên bố: "Không có nơi nương náu an toàn cho những kẻ ăn cắp của người nghèo. Hỗ trợ các nước đang phát triển thu hồi tài sản bị đánh cắp sẽ giúp tăng đầu tư cho các chương trình xã hội và cảnh báo các nhà lãnh đạo tham nhũng rằng họ sẽ không trốn tránh được sự trừng phạt của luật pháp".

Giám đốc điều hành của UNODC A. Maria Costa mô tả sáng kiến STAR là "Một bước ngoặt trong cuộc chiến chống tham nhũng toàn cầu. Nó làm cho các quan chức khó ăn cắp tiền của công hơn và việc thu hồi tiền bị đánh cắp dễ dàng hơn”.

UNODC cho rằng chỉ cần thu hồi được một phần số tiền hàng tỷ USD bị bọn tham nhũng đánh cắp, cũng có thể thực hiện nhiều chương trình xã hội. Ví dụ, mỗi 100 triệu USD thu hồi được đủ để mua thuốc chữa trị cho từ 50 đến 100 triệu bệnh nhân sốt rét, hoặc xây dựng được đường ống dẫn nước tới 250.000 hộ gia đình.

Để có thể giải quyết vấn đề tài sản bị đánh cắp, các nước đang phát triển cần cải thiện khả năng quản trị và nâng cao trách nhiệm, trong khi các nước phát triển không hỗ trợ cho việc che giấu tài sản đánh cắp. Sáng kiến của UNODC kêu gọi tất cả các nước phê chuẩn Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc (UNCAC).

Trong số những biện pháp cụ thể của STAR có việc tăng cường thể chế ở các nước đang phát triển, tăng cường sự thống nhất của thị trường tài chính, hỗ trợ các nước đang phát triển thu hồi tài sản bị đánh cắp và giám sát việc sử dụng khoản tiền thu hồi.

Cũng theo tài liệu trên, sau 18 năm đấu tranh, kết thúc vào tháng 1/2004, Philippines đã thu hồi được 624 triệu USD từ tài khoản của cựu Tổng thống Ferdinand Marcos. Từ tháng 8/2001 đến 2004, Peru cũng đã thu hồi được hơn 180 triệu USD của gia đình Vladimiro Montesino. Nigeria cũng đã thu hồi được 505 triệu USD từ tài khoản của gia đình Sani Abacha ở các ngân hàng Thuỵ Sỹ...