11:36 16/06/2008

Werner von Siemens, người khai sinh tập đoàn Siemens

Mạnh Tuấn

Có rất ít người mà phát minh của họ đã làm thay đổi cả thế giới, và Werner von Siemens là một trong số ít đó

Ông còn là tác giả của máy phát điện đầu tiên trên thế giới - một trong những phát minh “tuyệt vời nhất” của con người.
Ông còn là tác giả của máy phát điện đầu tiên trên thế giới - một trong những phát minh “tuyệt vời nhất” của con người.
Có rất ít người mà phát minh của họ đã làm thay đổi cả thế giới. Và Werner von Siemens - người sáng lập Tập đoàn Siemens - là một trong số ít đó. Ông là nhà phát minh vĩ đại của thế giới ở thế kỷ 19 với trên 20.000 phát minh và sáng chế, trong đó có đến hàng chục phát minh mang tính đột phá, làm thay đổi cuộc sống con người.

Cái tên Siemens đã gắn với phát minh ra kỹ thuật in bản kẽm và chế tạo bản in kẽm đầu tiên mà ngày nay vẫn còn được ứng dụng, phát minh ra máy in điện tín tự động, chế tạo thuốc nổ, sáng chế dùng cao su thiên nhiên để bọc dây điện và giải quyết được cáp ngầm dưới lòng đất.

Ông còn là tác giả của máy phát điện đầu tiên trên thế giới - một trong những phát minh “tuyệt vời nhất” của con người. Cũng chính ông là người đã chế tạo thành công chiếc xe điện đầu tiên, phát minh máy vô tuyến truyền tin và truyền ảnh, giúp cho ngành báo ảnh phát triển... Và chính ông đã đốt lên ngọn lửa sáng tạo cháy mãi trong tập đoàn hơn 160 năm tuổi này...

Không chỉ là một nhà phát minh thiên tài, W.V.Siemens còn là một nhà tổ chức, kinh doanh kiệt xuất. Là người thành lập công ty từ một phân xưởng nhỏ tại Đức năm 1847, ông đã nhanh chóng đưa nó thành một trong những tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện và điện tử. Sống trong thời kỳ cả châu Âu đang chuyển mình từ nền sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, W.V.Siemens đã có đóng góp to lớn vào tiến trình lịch sử này bằng những sáng chế làm thay đổi cuộc sống của cả nhân loại.

Rèn luyện bản lĩnh ngay từ tuổi ấu thơ

W.V. Siemens sinh năm 1816, trong một gia đình nghèo khó gồm nhiều anh chị em ở một vùng nông thôn của Vương quốc Phổ (CHLB Đức ngày nay). Mười ba nhân khẩu trong gia đình trông chờ vào mớ nông sản èo uột của cha mẹ. Cùng với chị cả, ngay từ nhỏ, Siemens phải nai lưng ra làm lao động với gia đình. Nhưng chính hoàn cảnh nghèo khó cùng với áp lực nặng nề của tinh thần đã tôi rèn ông thành một người không sợ khó khăn, luôn sẵn sàng đương đầu với mọi bất trắc.

Người ta kể rằng năm Siemens lên 5 tuổi, người chị cả mới lên 8 đã phải đi học thêu để kiếm tiền. Trên đường đi, cô thường bị một con ngỗng đực ở nhà một giáo sĩ tấn công. Người chị muốn bỏ học nhưng Siemens cầm chắc cây gậy và nói: “Em sẽ đưa chị đi”. Cậu bé Siemens 5 tuổi không hề sợ hãi, dùng gậy đánh con ngỗng bảo vệ chị mình. Câu chuyện đó sau này đã trở thành gợi mở rất lớn đối với cuộc đời ông mỗi khi phải đối diện với khó khăn thử thách.

Khi còn niên thiếu, đối với Siemens, việc học hỏi là tất cả. Dù nhà cách trường học hàng giờ đi bộ, mặc trời mưa gió, mặc cho mùa đông khắc nghiệt của nước Đức, ông vẫn thức khuya dậy sớm theo đuổi chương trình. Không những vậy, sau khi tốt nghiệp tiểu học, ông đã quyết định nhảy lớp lên thẳng cấp ba trung học. Ông rất say mê các môn khoa học tự nhiên với ý định vào trường kiến trúc. Nhưng hoàn cảnh gia đình đã khiến ông phải xin đăng lính. Ông thi đậu với thành tích giỏi vào công binh Vương quốc Phổ. Năm 16 tuổi, ông bước chân vào trường kỹ thuật công trình.

Năm 1842, khi Siemens 26 tuổi, đang theo học trường kỹ thuật Artilley and Engineering ở Berlin thì cả cha và mẹ qua đời, để lại một bầy em nhỏ và một gia sản nghèo khó. Rất thương yêu cha mẹ nhưng Siemens không thể về chịu tang, bởi theo Siemens, nếu vì chuyện hiếu mà phải bỏ dở sự nghiệp, cha mẹ nơi suối vàng chắc gì đã hài lòng. Siemens đã ở lại học với quyết tâm cao và nhận bằng tốt nghiệp loại xuất sắc.

Sáng tạo ngay trong lúc khó khăn

Sau khi tốt nghiệp trường công trình, ông tiếp tục dấn sâu vào việc nghiên cứu khoa học. Nhưng khi đó, vì giúp một người bạn thân quyết đấu súng nên ông bị xử tù 5 năm. Thế nhưng, đằng sau song sắt nhà tù, ông đã nhờ bạn bè mua rất nhiều dụng cụ nghiên cứu khoa học, biến khám đường thành phòng thí nghiệm. Chính trong thời gian ở tù, ông đã nghiên cứu thành công phương pháp mạ vàng, bạc lên kim loại và bán thành quả đó được 40 đồng Louis vàng vào năm 1842. Khi chuyện lộ ra, nhà vua đuổi ông ra khỏi tù dù ông đã hết sức xin được ở trong tù.

Nếu không kể “sáng tạo trong tù” thì công trình đầu tiên của Siemens là việc chế tạo ra pháo hoa mừng sinh nhật Hoàng hậu nước Nga. Loại pháo hoa đủ màu sắc trong ngày sinh nhật Hoàng hậu là một sự kiện gây chấn động thời bấy giờ. Siemens được Sa hoàng hết lời ca ngợi, được Hoàng gia chiếu cố và cuộc sống của ông bắt đầu thay đổi từ đó. Với số tiền 40 đồng vàng do bán công trình mà có, Siemens đã hợp tác để mở xưởng mạ vàng bạc.

Lần đầu tiên, thành quả nghiên cứu của Siemens được đem ra kinh doanh và như mọi người đều biết, kiểu mạ vàng Siemens đã tồn tại cho đến tận ngày nay. Những vòng vàng sáng chói mà nhiều quý bà ngày nay hay đeo trên tay được gọi là “vòng ximen” chính là kết quả sáng tạo công nghệ này của ông.

Người ta đã tính được rằng trong cuộc đời của mình, W.V.Siemens đã có trên 20.000 phát minh, sáng chế trong đó có đến vài chục phát minh mang tính đột phá, làm thay đổi thế giới. Siemens đã phát minh ra kỹ thuật in bản kẽm và chế tạo bản in kẽm đầu tiên mà ngày nay vẫn ứng dụng, phát minh ra máy in điện tín tự động nhận bản. Siemens cũng chế tạo ra loại thuốc nổ cực mạnh (hơn hẳn TNT của A.Nobel).

Siemens là người đầu tiên dùng cao su thiên nhiên để bọc dây điện và giải quyết được cáp ngầm dưới lòng đất, ứng dụng ngay tại Đức. Siemens còn là tác giả của công trình đường điện tín ngầm xuyên qua Đại Tây Dương và nối nước Anh với ấn Độ. Ông cũng là người phát minh ra loại tụ điện mới làm xuất hiện loại điện tín viết bằng cảm ứng. Công ty của Siemens đã phát minh ra thuỷ lôi điện, nghiên cứu thành công máy thăm dò dưới biển.

Hai máy phát điện đầu tiên trên thế giới của Siemens, một triển lãm ở Paris, một phát điện chiếu sáng ở Berlin, làm chấn động dư luận thế giới thời đó và được coi đó là phát minh “tuyệt vời nhất”. Siemens cũng chế tạo thành công chiếc xe điện đầu tiên, phát minh máy vô tuyến truyền tin và truyền ảnh, giúp cho ngành báo ảnh phát triển.

Ngay cả dụng cụ đo độ cồn trở thành chuẩn của các quốc gia châu Âu cũng do Siemens phát kiến ra. Lúc này nhà vua và Chính phủ nước Phổ mới nhận thấy Siemens là một người có ảnh hưởng lớn đến xã hội và dự định phong tước cho Siemens, nhưng ông đã từ chối để theo đuổi sự nghiệp phát minh của mình.

Nhà tổ chức kinh doanh kiệt xuất

Không chỉ là một nhà phát minh thiên tài, W.V.Siemens còn là một nhà tổ chức, kinh doanh kiệt xuất. Trước hết, Siemens có ý thức quy tụ những tài năng, những chuyên gia giỏi đến với mình. Không đố kỵ với những người giỏi, nhưng ông đồng thời kiên quyết ngay cả với những người thân trong gia đình nếu không có tài năng thì nhất quyết không sử dụng. Siemens quy định con cháu nhà Siemens cần phải là những chuyên gia kỹ thuật giỏi hoặc là chuyên gia tổ chức, quản lý kinh doanh giỏi.

Giới lãnh đạo cao nhất của công ty Siemens bao gồm những công trình sư, chuyên gia và thương nhân có tài năng thực sự thuộc nhiều lĩnh vực. Dưới sự lãnh đạo của Siemens, những vị trí quan trọng đều do những người này nắm giữ. Người ta kể rằng Hals, một kỹ sư có tài năng đặc biệt, là người được Siemens giao cho những trọng trách và bao giờ kỹ sư Hals cũng hiểu rõ ý đồ, mục đích của những quyết định của Siemens và ngược lại, những ý kiến của Hals bao giờ cũng chính xác, xuất phát từ thực tiễn chứ không “theo đuôi” ông chủ.

Werner von Siemens luôn theo đuổi không ngừng nghỉ mục đích mở rộng công ty của mình. Công ty ban đầu của ông thành lập dưới cái tên “Công ty Telgraphen-Bauanstalt von Siemens & Halske”chỉ gồm 10 thành viên. Phán đoán có nhiều cơ hội đang chờ đợi ở nước ngoài, Siemens & Halske nhanh chóng phát triển thị trường ra quốc tế. Năm 1855, chi nhánh đầu tiên được thiết lập tại Nga, tiếp theo là tại Anh năm 1858.

Công việc kinh doanh tại Anh thành công đến mức năm 1863, công ty đã quyết định xây dựng một nhà máy sản xuất cáp tại đó. Trong những thập kỷ tiếp theo, Siemens & Halske trở nên nổi tiếng trên thế giới vì những thành công trong việc thực hiện các dự án phức tạp đòi hỏi về tài chính như công trình xây dựng đường điện tín nối liền Ấn Độ và châu Âu, công trình đường cáp tín hiệu trực tiếp đầu tiên xuyên biển Đại Tây Dương.

Sự sáng tạo không chỉ được thể hiện trong công nghệ, mà còn được áp dụng vào trong chiến lược kinh doanh. Chiến lược phát triển của Siemens là luôn đổi mới sáng tạo. “Một năm không có những thay đổi trong kinh doanh thì không thể tồn tại và phát triển bền vững”, đó là quan điểm kinh doanh của Werner von Siemens. Và kể từ khi ông thành lập công ty, ông luôn cố gắng truyền lại cho những người kế nhiệm phương châm kinh doanh này.

Di sản lớn nhất để lại đến đời nay

W.V.Siemens qua đời năm 1892, khi Công ty Siemens đã có một vị trí vững chắc ở châu Âu và thế giới. Tiếp tục tư tưởng “vì lợi ích xã hội” của W.V. Siemens, những thế hệ kế tục ông đã làm cho Siemens ngày càng lớn mạnh. Một người cháu của dòng họ Siemens là Peter Siemens khi lãnh đạo công ty đã tuyên bố: “Bỏ rơi vị trí dẫn đầu về kỹ thuật có nghĩa là đầu hàng tương lai”.

Truyền thống này ngày nay đã trở thành “kim chỉ nam” trong hoạt động của toàn Tập đoàn Siemens. Nói tới Siemens đồng nghĩa nói tới các phát minh, cải tiến sáng tạo. Cứ qua 10 năm thì Siemens có đến 80% mặt hàng là mới. Một trong những khẩu hiệu của Tập đoàn Siemens là “Sức mạnh sáng tạo toàn cầu”. Thuật ngữ này bao hàm gồm nhiều lĩnh vực như đổi mới chiến lược kinh doanh, sản xuất, tổ chức và công nghệ, trong đó vấn đề công nghệ kỹ thuật, đặc biệt trong các khâu công nghệ then chốt, là điều kiện tiên quyết để tiếp tục cạnh tranh và duy trì vị trí tiên phong.

Có thể nói di sản lớn nhất mà W.V.Siemens để lại chính là tập đoàn đa quốc gia mang tên ông – Tập đoàn Siemens. Cho tới nay, Siemens đã trở thành “người khổng lồ” không có đối thủ trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và y tế trên toàn thế giới, hiện diện tại hơn 190 nước với hơn 600 nhà máy, tổ chức nghiên cứu và văn phòng đại diện cùng hơn 400.000 nhân viên có trình độ chuyên môn cao.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Siemens là thương hiệu số 1 trong ngành tự động hoá và điều khiển. Trong lĩnh vực năng lượng, các nhà máy điện của Siemens hiện đang cung cấp 1/5 sản lượng điện toàn thế giới. Trong lĩnh vực y tế, Siemens nổi tiếng thế giới với các giải pháp chuẩn đoán tích hợp, cung cấp cho khách hàng giải pháp y tế toàn diện và đồng bộ, từ các thiết bị cao cấp chuẩn đoán hình ảnh và xét nghiêm đến các giải pháp công nghệ thông tin ứng dụng...

Ngày nay, những sản phẩm của Siemens đang có mặt trong đời sống của hàng tỷ người trên thế giới.

Khi còn sống, Werner von Siemens luôn tâm niệm rằng: “Mục tiêu của chúng ta cần phải lớn hơn sức mạnh vốn có của mình, vì chỉ khi đó chúng ta mới có thể nỗ lực hết sức”. Chính tinh thần và những định hướng đầy tham vọng này của ông đã được các thế hệ hậu duệ quán triệt và kiên định thực hiện, đưa Siemens đến với vị trí của một tập đoàn hàng đầu thế giới như bây giờ.