17:55 29/03/2010

WTO dự báo khả quan về thương mại toàn cầu

Mai Phương

Thương mại toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 9,5% trong năm nay, sau khi đã sụt giảm 12,2% trong năm ngoái

Xe tải Isuzu xếp hàng chờ xuất khẩu ở cảng Yokohama ở Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: AP/Daylife.
Xe tải Isuzu xếp hàng chờ xuất khẩu ở cảng Yokohama ở Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: AP/Daylife.
Với đầu tàu là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ, thương mại toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 9,5% trong năm nay, sau khi đã sụt giảm 12,2% trong năm ngoái. Năm 2009 là năm mà thương mại toàn cầu co cụm mạnh nhất từ sau Chiến tranh Thế giới 2 tới nay.

Theo tờ New York Times, dự báo khả quan trên được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố cuối tuần trước. “Chúng ta đã nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Thương mại hứa hẹn sẽ là một phần quan trọng của sự phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, chung ta cần tránh việc áp dụng chủ nghĩa bảo hộ vì điều này có thể làm trệch hướng tiến trình phục hồi”, Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy phát biểu.

Năm ngoái, dưới ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế, xuất khẩu đã sụt giảm mạnh hơn cả ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới, với mức giảm 13,9% ở Mỹ, 14,8% ở Liên minh châu Âu (EU), và 24,9% ở Nhật Bản. Xuất khẩu của Trung Quốc cũng giảm tới 10,5% trong năm 2009.

WTO cũng vừa khẳng định thông tin Trung Quốc đã vượt Đức để trở thành nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới trong năm qua, chiếm khoảng 10% xuất khẩu toàn cầu. Về phương diện nhập khẩu, Trung Quốc hiện đứng thứ hai trên thế giới, chiếm 8% nhập khẩu toàn cầu, sau nước Mỹ với tỷ lệ 13%.

WTO dự báo, xuất khẩu của các nền kinh tế phát triển sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm nay, so với mức tăng 11% được dự báo cho nhóm nước còn lại. Tổ chức này cho hay, trong thời gian khủng hoảng và suy thoái, các quốc gia thành viên đã tránh áp dụng các hàng rào thương mại. Tuy nhiên, WTO cũng bày tỏ sự lo ngại rằng tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài có thể gia tăng áp lực phải áp dụng các biện pháp bảo hộ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thành lập chương trình mang tên Sáng kiến xuất khẩu quốc gia, với mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ trong vòng 5 năm. Theo các nhà phân tích, đây là một mục tiêu không dễ thực hiện.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc hiện đang ở mức khổng lồ và được xem là một trong những nguyên nhân dẫn tới căng thẳng trong quan hệ kinh tế giữa hai nước thời gian gần đây, trong đó có vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ.

Năm ngoái là một năm hiếm hoi trong vài chục năm trở lại đây chứng kiến sự đi xuống của thương mại toàn cầu. Thêm vào đó, mức giảm 12,2% của thương mại thế giới năm 2009 lớn hơn rất nhiều so với mức giảm 0,2% vào năm 2001, 2% vào năm 1982, và 7% vào năm 1975.

Nếu tính theo kim ngạch bằng đồng USD, thay vì tính bằng khối lượng hàng hóa, mức sụt giảm của thương mại thế giới năm 2009 còn lên tới 23%, còn 12.150 tỷ USD. Đóng góp phần lớn vào sự đi xuống này là sự sụt giảm của giá dầu thô và các loại hàng hóa cơ bản khác.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, sự suy giảm của thương mại toàn cầu trong năm ngoái có thể đã bị thổi phồng do sự trải rộng của chuỗi phân phố toàn cầu, trong đó hàng hóa được vận chuyển qua biên giới nhiều lần trong quá trình gia công và được tính là hàng xuất khẩu không chỉ một lần trước khi đi đến đích cuối cùng.