09:09 25/12/2007

Xây dựng chiến lược: Càng phức tạp, càng cần đơn giản

Tại sao có không ít chiến lược được xây dựng rất chi tiết với nhiều công sức nhưng lại không mấy hữu dụng?

Chiến lược quá chi tiết, phức tạp thường khiến người thực hiện gặp khó khăn, lúng túng khi gặp thực tế không đúng như đã định.
Chiến lược quá chi tiết, phức tạp thường khiến người thực hiện gặp khó khăn, lúng túng khi gặp thực tế không đúng như đã định.
Làm thế nào để xây dựng được một chiến lược hữu dụng? Dưới đây là một số ví dụ mà nhà hoạch định chiến lược có thể tham khảo.

Tại sao có không ít chiến lược được xây dựng rất chi tiết với nhiều công sức nhưng lại không mấy hữu dụng và có khi trở thành rào cản cho sự phát triển của chính nơi lập ra? Ví dụ điển hình là các chiến lược quy hoạch phát triển đô thị hay chiến lược phát triển và thành lập tập đoàn trong các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam thường không theo kịp đòi hỏi của thực tế.

Trong hoàn cảnh môi trường đơn giản và ổn định, doanh nghiệp có thể hoạch định tương lai bằng các chiến lược phức tạp rồi cứ theo đó mà làm. Ngược lại, trong bối cảnh mọi thứ luôn thay đổi nhanh chóng và phức tạp như hiện nay, doanh nghiệp cần có những chiến lược đôi khi thật đơn giản.

Chiến lược quá chi tiết, phức tạp thường khiến người thực hiện gặp khó khăn, lúng túng khi gặp thực tế không đúng như đã định, muốn “xoay xở” lại sợ vi phạm vào những điều đã được đề ra, rồi phải chấp nhận cho chậm lại để chờ xin ý kiến cấp trên. Kinh nghiệm thành công của nhiều doanh nghiệp trên thế giới là nên có chiến lược kinh doanh và phát triển dưới dạng những tiêu chí đơn giản nhưng rõ ràng.

Tiêu chí chiến lược cần đưa ra những hướng đi chung để dẫn đến mục tiêu chứ không phải là những lộ trình cụ thể, phải đi qua những con đường nào. Tiêu chí chiến lược cho phép người thực hiện chọn đường để đi và khi cần có thể kịp thời đổi ngay đường khác, miễn là vẫn tôn trọng hướng đi chung. Tiêu chí chiến lược có nhiều dạng và nhiều cách để lập ra. Ta hãy xem thử một vài gợi ý từ thực tế dưới đây.

Dạng phổ biến nhất của tiêu chí chiến lược là những nguyên tắc chung để hành động. Chẳng hạn như Yahoo! có nguyên tắc chung là tất cả các dịch vụ cơ bản phải miễn phí và giao diện các trang web phải luôn có thiết kế đặc thù.

Nhân viên thực hiện có thể tự do phát triển các sản phẩm và quan hệ đối tác miễn là bảo đảm những tiêu chí đó. Kết quả là Yahoo! thường xuyên có những sản phẩm mới, đa dạng và đáp ứng nhanh nhu cầu luôn thay đổi của hàng tỉ người truy cập khắp nơi trên thế giới.

Tỉ phú chứng khoán Warren Buffet cũng cho biết ông không có chiến lược gì phức tạp mà chỉ theo một tiêu chí đơn giản là luôn tìm cách cân bằng một giao dịch nhiều rủi ro với một giao dịch khác chắc ăn hơn và gần như hàng ngày ông đều tổng kết lời lỗ. Nguyên tắc “không bỏ hết trứng vào một giỏ” đã định hướng mọi hoạt động đầu tư và giúp ông thành công.

Tiêu chí chiến lược cũng có thể ở dưới dạng các giới hạn chung để hành động. Giới hạn này có thể liên quan đến khách hàng, phạm vi địa lý hay công nghệ. Ví dụ Cisco đã gặt hái nhiều thành công nhờ chiến lược mua lại các công ty nhỏ trong lĩnh vực công nghệ mạng với tiêu chí chung là chỉ mua những công ty có tối đa 75 nhân viên và có ít nhất 75% nhân lực là kỹ sư. Tiêu chí đơn giản này giúp Cisco phát hiện dễ dàng và chính xác được đối tượng cần thâu tóm, đồng thời có thể quyết định nhanh trong các thương vụ.

Hay Công ty Lego đưa ra định hướng là phát triển sản phẩm trên mọi lĩnh vực, từ đồ chơi đến đồ dùng và quần áo cho trẻ em. Ở đâu có cơ hội là Lego nhảy vào ngay nhưng luôn trong giới hạn là sản phẩm phải kích thích tính sáng tạo của trẻ em, không phát triển những vật dụng thông thường. Tiêu chí giới hạn đó giúp các nhà thiết kế và kinh doanh sản phẩm biết được mình phải làm gì và giúp Lego trở thành thương hiệu biểu tượng cho sự sáng tạo hàng đầu thế giới.

Trong nhiều trường hợp khác, chiến lược có thể đơn giản ở dưới dạng tiêu chí rút lui. Nhiều công ty sản xuất phần mềm trò chơi giao cho nhân viên gần như toàn quyền sáng tạo và kinh doanh sản phẩm nhưng phải tuân thủ nguyên tắc nếu không đạt doanh số tối thiểu nào đó trong vòng hai năm thì phải ngưng lại để phát triển sản phẩm khác. Tiêu chí rút lui có thể rất thích hợp với những thị trường có nhiều yếu tố mới lạ và bất ổn.

Ngoài ra, tiêu chí chiến lược còn có thể là những nguyên tắc theo thời gian. Ví dụ Intel luôn theo tiêu chí tăng gấp đôi tốc độ sản phẩm trong vòng 18 tháng, cà phê Starbucks thì muốn mỗi năm mở thêm 300 cửa tiệm mới trên toàn thế giới.

Đương nhiên doanh nghiệp có thể sử dụng kết hợp nhiều loại tiêu chí chiến lược nêu trên. Chiến lược cần đơn giản nhưng không nên mơ hồ theo kiểu “chúng ta cần hướng đến sự năng động và sáng tạo”, “hướng đến chất lượng”... Nhà hoạch định chiến lược cần làm rõ các tiêu chí để soi sáng cho những hướng đi đó.

Và cũng cần lưu ý là đừng nên đưa ra quá nhiều tiêu chí, điều này sẽ làm chiến lược trở thành phức tạp. Kinh nghiệm chung là một doanh nghiệp nên có từ hai đến bảy tiêu chí chiến lược chung để dẫn đường cho các hoạt động rồi cho phép nhân viên được tự chủ trong việc thực hiện.

Nhà hoạch định chiến lược nên thường xuyên cập nhật các tiêu chí cho phù hợp với tình hình mới của doanh nghiệp và thị trường. Khi hoàn cảnh môi trường càng phức tạp, bất ổn thì càng cần những chiến lược thật đơn giản để giúp ta luôn năng động và tự chủ nhưng vẫn luôn đi đúng hướng.