Xây dựng lộ trình chuyển giao thanh toán chứng khoán về Ngân hàng Nhà nước
Theo Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành, Ngân hàng Nhà nước chỉ cung ứng dịch vụ thanh toán cho các ngân hàng
Có ý kiến cho rằng cần xem xét quy định chỉ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được thực hiện cung cấp dịch vụ thanh toán cho các giao dịch chứng khoán trên sở giao dịch chứng khoán để bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết như trên khi trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) tại phiên họp chiều 12/8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Ba dồn một
Theo báo cáo, trong những vấn đề còn có ý kiến khác nhau có quy định về ngân hàng thanh toán.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, hiện nay, việc thanh toán tiền cho các giao dịch chứng khoán được thực hiện tại 3 ngân hàng (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam đối với giao dịch chứng khoán, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam đối với giao dịch chứng khoán phái sinh; Ngân hàng Nhà nước đối với giao dịch trái phiếu Chính phủ).
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói, theo thông lệ quốc tế, việc thanh toán tiền được thực hiện qua ngân hàng trung ương bởi mức độ tín nhiệm cao và rủi ro tín dụng ít khả năng xảy ra hơn so với ngân hàng thương mại. Điều này cũng phù hợp với Bộ các nguyên tắc hoạt động của Cơ sở thị trường tài chính (CPSS-IOSCO), bảo đảm tính thống nhất một đầu mối, giảm thiểu rủi ro hệ thống trong trường hợp ngân hàng thương mại có thể lâm vào tình trạng khó khăn hoặc phá sản, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, theo Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành, Ngân hàng Nhà nước chỉ cung ứng dịch vụ thanh toán cho các ngân hàng (không có các đối tượng khác như công ty chứng khoán, tổ chức, cá nhân khác).
Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xem xét xây dựng lộ trình đối với việc chuyển giao các chức năng thanh toán chứng khoán từ ngân hàng thương mại tập trung về Ngân hàng Nhà nước và xem xét nội dung này khi đề xuất sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.
Đồng ý với quan điểm của Uỷ ban Kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, các nước thì giao các chức năng thanh toán chứng khoán cho ngân hàng Trung ương để giảm thiểu rủi ro. Việt Nam cần có lộ trình từng bước chuyển về Ngân hàng Nhà nước.
Vẫn thuộc Bộ Tài chính
Nội dung khác được quan tâm thảo luận là quy định về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế đưa ra ba phương án. Một là như Chính phủ trình: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính.
Phương án 2 được Uỷ ban Kinh tế chọn: Ủy ban Chứng khoán nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng cần tăng thêm tính độc lập, thẩm quyền. Trong đó có quy định Uỷ ban Chứng khoán nhà nước thay Bộ Tài chính thực hiện chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với sở giao dịch chứng khoán và tổng công ty lưu ký.
Phương án ba, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước độc lập, trực thuộc Chính phủ.
Đồng tình với phương án 1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý là cần tăng thẩm quyền để hội nhập được với thế giới, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán "ngang hàng được với người ta mà làm việc".
Nói chọn phương án 2 để tương thích quốc tế thì Việt Nam chưa có nhiều cái tương thích, ví dụ các nước có ngân hàng Trung ương còn mình Ngân hàng Nhà nước vẫn đi khắp thế giới họp hành có sao đâu, còn để phương án ba trái với tinh thần nghị quyết Trung ương, Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Báo cáo thêm về phương án 1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết lần sửa đổi này đã thêm nhiệm vụ quyền hạn cho Uỷ ban Chứng khoán, tăng quyền cho Uỷ ban, bao gồm xây dựng văn bản pháp luật, chiến lược phát triển để trình cấp có thẩm quyền ban hành; trực tiếp quản lý giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán; giám sát các tổ chức xã hội nghề nghiệp về chứng khoán….
Ngoài ra bổ sung thêm 3 nội dung nữa, là tổ chức phát triển thị trường chứng khoán, bổ sung thêm chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nghiệp vụ chứng khoán của sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký chứng khoán và công ty con; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thị trường chứng khoán…
Về chức năng đại diện chủ sở hữu, như đề nghị của Uỷ ban Kinh tế, Bộ trưởng Dũng cho rằng không phù hợp với Luật Quản lý, đầu tư, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Tổ chức Chính phủ…
Tinh thần chung là bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ nhưng phải phù hợp với pháp luật hiện hành, phù hợp tinh thần cải cách, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.