11:34 19/07/2013

Xem lại quyền “sếp nhỏ” nhà băng?

Minh Đức

Một ứng xử với môi trường rủi ro gia tăng trong hoạt động của các ngân hàng thương mại

Muốn cải thiện tín dụng để giảm bớt áp lực lợi nhuận, thậm chí tránh lỗ,
 ngân hàng có thể xem xét nới thêm ở phân quyền chi nhánh?
Muốn cải thiện tín dụng để giảm bớt áp lực lợi nhuận, thậm chí tránh lỗ, ngân hàng có thể xem xét nới thêm ở phân quyền chi nhánh?
Tuần rồi, các ngân hàng lần lượt họp sơ kết 6 tháng đầu năm và định hướng kế hoạch nửa cuối 2013. Tín dụng vẫn là nút thắt tại nhiều thành viên, và có một “mâu thuẫn” với những quan điểm khác nhau.

Từ Nam ra Bắc tham dự cuộc họp toàn hệ thống, giám đốc một chi nhánh nọ trò chuyện với VnEconomy.

Ông cho biết, đầu năm ngân hàng mình mở gói tín dụng 2.000 tỷ đồng với những chính sách ưu đãi để kích cầu từ khối khách hàng doanh nghiệp. Nhưng, đã 6 tháng qua, lượng giải ngân mới chỉ vẻn vẹn khoảng 200 tỷ đồng, tức chỉ được 10%.

“Không được phép nêu số liệu, nhưng tình hình chung tăng trưởng tín dụng 6 tháng qua vẫn rất thấp, dù một số ngân hàng khác đã có đà tăng mạnh. May mà việc xử lý và thu hồi nợ có tiến triển”, ông cho biết.

Một điểm mà ông tiết lộ ở cuộc họp tổng kết 6 tháng là tập trung thảo luận về “mâu thuẫn” giữa yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng với xu hướng bớt quyền ở cấp chi nhánh.

Bản thân vị giám đốc trên, tại chi nhánh phụ trách, trước đây ông được trao quyền phê duyệt các khoản vay lớn, tối đa tới 10 tỷ đồng. Nhưng hơn một năm trở lại đây, hạn mức phê duyệt bị rút hẳn xuống còn tối đa 1 tỷ đồng - chủ yếu là các món vay nhỏ lẻ, các món lớn trên 1 tỷ đồng đều phải chuyển về hội sở phê duyệt.

Khoảng một năm trước, khi môi trường bộc lộ nhiều rủi ro mà nổi lên là xu hướng gia tăng nợ xấu, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã tiến hành bớt quyền của các “sếp nhỏ” cấp chi nhánh. Các hạn mức phê duyệt từ 7 - 10 tỷ đồng hiện đã rút xuống phổ biến còn 1 - 3 tỷ đồng/món. Đến nay, tín dụng tăng trưởng quá thấp, ý kiến nội bộ tại một số thành đề nghị xem xét lại việc phần quyền trên.

Một hướng nhìn nhận là, khi bớt hẳn quyền ở cấp chi nhánh, hoạt động giải ngân bị chậm lại, quy trình trở nên chặt hơn cả ở chất lượng và số lượng. Tín dụng theo đó bị hạn chế. Đúng hơn, tín dụng không còn thoáng ở cấp chi nhánh như trước để tạo tốc độ tăng trưởng mạnh. Nay, muốn cải thiện tín dụng để giảm bớt áp lực lợi nhuận, thậm chí tránh lỗ, ngân hàng có thể xem xét nới thêm ở phân quyền chi nhánh?

Tuy nhiên, một người trong cuộc lại cho ứng xử trên của các ngân hàng là cần thiết.

Ông nói: “Trước đây, qua một đêm giá vàng bùng lên, người ta vay vài ba tỷ đổ vào ngay; hay chuyện bốc thăm được quyền mua cái nhà dự án nào đó là hốt luôn vốn ngân hàng. Tín dụng không bùng nổ mới lạ. Bây giờ phải chia nhỏ, phải gom từng món vay lẻ, cực lắm. Bạn để ý mà xem, hiện nay các ngân hàng đều tập trung tìm kiếm các món vay rất nhỏ, cỡ vài ba trăm triệu đồng, may mà thị trường nhà đất giá cũng đã giảm mạnh để kích thích nhu cầu vay. Nhưng gọn mà lành hơn”.

Người trong cuộc này thừa nhận, trước đây giao quyền phê duyệt hạn mức lớn cho giám đốc các chi nhánh, nhiều rủi ro cũng đã bộc lộ. Ở đây không chỉ vấn đề nợ xấu, mà còn là rủi ro đạo đức nghề nghiệp, hay ít nhiều cũng có ảnh hưởng yếu tố cá nhân ở các khoản vay… Nay, những món lớn chuyển hẳn lên hội sở, qua hội đồng thẩm định và phê duyệt tập trung, quy trình sẽ chuyên nghiệp và chặt chẽ hơn. Đây cũng là xu hướng chung đang thể hiện.

Tuy nhiên, khi tham vấn quan điểm thành viên hội đồng quản trị một ngân hàng nọ, ông cười: “Nếu bạn đặt vấn đề bớt quyền giám đốc chi nhánh, chuyển các món vay lớn lên hội sở, qua hội đồng cấp cao hơn hoặc hội đồng tập trung phê duyệt để chặt chẽ và an toàn hơn, thì cũng không hoàn toàn đúng đâu nhé. Tôi hỏi lại bạn, những khoản vay rất lớn như Vinashin, Vinalines rõ ràng là phải cấp rất cao, hội đồng thẩm định và phê duyệt rất chặt chẽ, thậm chí không chỉ ở cấp ngân hàng, nhưng vì sao nó vẫn bung bét ra?”.

Vậy nên, vị lãnh đạo cấp quản trị này cho rằng, thành lập một hội đồng thẩm định và phê duyệt, tập trung kiểm soát các khoản cho vay với những chuyên gia thực sự là cần thiết, là một xu hướng chuyên nghiệp, hay đúng hơn là yêu cầu nâng cao công tác quản trị rủi ro. Tuy nhiên, rủi ro ở đây còn liên quan đến nhiều yếu tố khác ngoài ngân hàng.

Giám đốc chi nhánh ngân hàng ở phía Nam nói trên cũng cùng quan điểm đó. Ông nhìn nhận việc phân quyền hay bớt quyền, tập trung hay phân cấp, chỉ là một cấu phần trong yêu cầu nâng cao chất lượng tín dụng, tăng cường quản trị rủi ro. Còn tín dụng có tăng được mạnh hay không, rủi ro có thực sự giảm bớt không còn phụ thuộc nhiều vào phía khách hàng.

“Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng, sau những thảo luận thì chốt lại là vẫn ưu tiên hàng đầu vào xử lý và thu hồi nợ thôi. Còn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng không hoàn toàn theo mong muốn chủ quan của mình được. Nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đình trệ thì doanh nghiệp đâu muốn hoặc dám vay, dù lãi suất cho vay giờ đã xuống rất thấp. Tại ngân hàng tôi, lãi suất chào doanh nghiệp giờ phổ biến có 8,9%/năm, là đương nhiên chứ không phải ưu đãi”, vị giám đốc chi nhánh trên nói.