19:20 08/04/2011

Xem xét tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ, “nắn” dòng vốn?

Minh Đức

Trao đổi với VnEconomy, một số bạn đọc đề cập đến khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét tăng tỷ lệ dự trữ ngoại tệ

Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất những giải pháp nhằm giảm Đô la hóa trong nền kinh tế.
Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất những giải pháp nhằm giảm Đô la hóa trong nền kinh tế.
Cuối chiều 8/4, trao đổi với VnEconomy, một số bạn đọc đề cập đến khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét tăng tỷ lệ dự trữ ngoại tệ trong thời gian tới.

Những trao đổi trên dự tính, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ theo hướng tăng có lộ trình và tránh gây “sốc” đối với các cân đối vốn của hệ thống.

Khả năng này cũng đã được một thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia đề cập đến trong thời gian gần đây, như một trong những bước đi cụ thể của Ngân hàng Nhà nước nhằm triển khai Nghị quyết số 11 của Chính phủ.

Tại nghị quyết sau phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ mới đây, Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất những giải pháp nhằm giảm Đô la hóa trong nền kinh tế, chuyển dần quan hệ tín dụng bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán.

Nếu tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, chi phí huy động vốn ngoại tệ của các ngân hàng sẽ tăng lên, lãi suất cho vay theo đó sẽ tăng theo để cân đối, từ đó có thể hạn chế cầu tín dụng ngoại tệ (sau khi tín dụng ngoại tệ đã tăng mạnh trong năm 2010 và trong quý 1/2011).

Mặt khác, một giả thiết khác là Ngân hàng Nhà nước có thể cũng xem xét cơ chế để định hướng hạ lãi suất huy động USD, góp phần giảm bớt tâm lý găm giữ USD trong dân cư, cũng như tạo sự “đối lưu” với giải pháp tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (nếu triển khai).

Phía sau những giả thiết trên, có thể là một bước đi mới trong việc “nắn” dòng vốn trên thị trường theo định hướng chuyển dần quan hệ tín dụng bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán như yêu cầu mà Chính phủ đề ra. Và trước đó, một chính sách đã được triển khai là áp trần lãi suất tiền gửi USD của các tổ chức tối đa là 1%/năm vào đầu năm 2010.

Tuy nhiên, những điều chỉnh trên có được triển khai hay không, sẽ còn phụ thuộc vào quyết định và tính toán của Ngân hàng Nhà nước.

Vào tháng 2/2010, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với loại tiền gửi USD, giảm từ 7% xuống 4% đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 12 tháng, từ 3% xuống 2% đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên và áp dụng cho đến nay.