10:19 11/12/2009

Xóa bỏ “bình ngưng ngoại tệ”

Nguyễn Hoài

Lãi suất ngoại tệ ở mức thấp mà thì tỷ giá lại cứ “dập dình” trong xu hướng tăng thì nhiều mà giảm thì ít

Nếu điều chỉnh Quyết định 09 cho phép doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu, ngân hàng mà còn giảm áp lực lên mặt bằng tỷ giá - Ảnh: Reuters.
Nếu điều chỉnh Quyết định 09 cho phép doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu, ngân hàng mà còn giảm áp lực lên mặt bằng tỷ giá - Ảnh: Reuters.
Sau những động thái của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ gần đây, thị trường tỷ giá dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, để căn cơ hơn, Ngân hàng Nhà nước nên xóa bỏ bất cập tại “Quyết định 09”.

Trên thị trường ngoại tệ hiện nay, đang tồn tại một đặc điểm đáng lưu ý: trong khi lãi suất ngoại tệ ở mức thấp (chỉ 2% - 3%/năm) thì tỷ giá lại cứ “dập dình” thất thường nhưng trong xu hướng tăng thì nhiều mà giảm thì ít.

Bất lực với “bình ngưng ngoại tệ”?

Sở dĩ như vậy là bởi, cơ cấu ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng thương mại gồm có nguồn huy động và nguồn mua, hay còn gọi là nguồn ngoại tệ kinh doanh. Trong khi nguồn huy động dư thừa hàng tỷ USD từ đầu 2009 đến nay (theo kiến nghị sửa đổi Quyết định 09/2008/QĐ - NHNN của một ngân hàng thương mại nhà nước mới đây) kéo tụt lãi suất xuống thấp thì nguồn ngoại tệ kinh doanh lại khan hiếm, dẫn tới hiện tượng “bình ngưng ngoại tệ” vẫn chưa được giải quyết.

Gần đây Ngân hàng Nhà nước tung ra các biện pháp khá quyết liệt như nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng kèm theo điều chỉnh biên độ giao dịch từ +/- 5% xuống +/- 3%; tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo doanh nghiệp nhà nước ngành dầu khí và than bán lại ngoại tệ với một tỷ lệ thích hợp cho ngân hàng thương mại. Sau những động thái đó, thị trường tỷ giá đã ổn định trở lại nhưng đó có phải giải pháp căn cơ hay không thì lại là chuyện khác.

Thứ nhất, đối với việc chỉ đạo bán lại ngoại tệ cho ngân hàng từ các doanh nghiệp nói trên, bà Phan Thị Chinh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: “Số lượng ngoại tệ mà các đơn vị nói trên bán cho BIDV chẳng đáng là bao!”

Liên quan đến vấn đề này, hỏi lãnh đạo một ngân hàng thương mại khác, ông này thừa nhận: “Có thay đổi gì mấy đâu!”. Theo ông, vấn đề là phải tạo ra cung (nguồn ngoại tệ kinh doanh chứ không phải nguồn huy động - PV) bởi nhu cầu đối với nguồn này rất lớn.

Lâu nay, để có được nguồn này, ngân hàng thương mại chỉ dựa vào việc mua lại từ kiều hối và mua lại từ hoạt động xuất khẩu nhưng trong bối cảnh sự ổn định tỷ giá chưa thực sự bền vững thì rất khó tránh khỏi hiện tượng găm giữ.

Thứ hai là bất cập tại “Quyết định 09”. Ngày 10/4/2008, Ngân hàng Nhà nước ban hành “Quyết định 09”, trong đó quy định tổ chức tín dụng chỉ được cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp nhập khẩu và thanh toán nợ đến đến hạn, đồng thời không cho phép cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo bà Chinh, trong điều kiện thị trường ngoại tệ hoạt động bình thường thì việc quy định như vậy sẽ đưa dòng vốn ngoại tệ “đi đúng nơi, về đúng chốn”, góp phần tạo thêm nhiều hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, trong khi thị trường ngoại tệ vẫn còn bất ổn thì chính quy định này lại là một bất cập cần sửa đổi theo hướng ngược lại.

Chính sách cần mạnh tay hơn

Để hạn chế việc găm giữ ngoại tệ, một số ý kiến cho rằng cần quay về với giải pháp kết hối. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, mặc dù kết hối không vi phạm các cam kết WTO và được phép hành động theo Pháp lệnh ngoại hối nhưng để thực hiện được vấn đề này, phải giải quyết hàng loạt thách thức: chấp nhận rủi ro tỷ giá, đảm bảo quyền lợi cho phía bị kết hối, chưa kể năng lực dự trữ ngoại hối của quốc gia cũng là yếu tố phải tính kỹ.

Tuy nhiên, trong khi kết hối “chưa thông”, chủ trương “doanh nghiệp nhà nước bán lại ngoại tệ cho ngân hàng” mới chỉ dừng ở hô hào thì có một cách khác, góp phần giải tỏa “bình ngưng ngoại tệ” đó là sửa đổi “Quyết định 09”, cho phép cho vay đối với doanh nghiệp xuất khẩu lại chưa được Ngân hàng Nhà nước tính đến.

Bà Chinh phân tích: xét về nguyên tắc đơn thuần thì doanh nghiệp xuất khẩu luôn có nguồn ngoại tệ và chỉ nên vay VND để thu mua hàng hóa sản xuất trong nước phục vụ cho xuất khẩu.

Nhờ đó, ngân hàng thương mại có thêm lượng ngoại tệ dành cho doanh nghiệp nhập khẩu mua hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, thanh toán các khoản nợ đến hạn. Như vậy, quy định không cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu là cần thiết và phù hợp.

Tuy nhiên, nếu điều chỉnh Quyết định 09 cho phép doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu, ngân hàng mà còn giảm áp lực lên mặt bằng tỷ giá.

Chẳng hạn: ngân hàng thương mại lấy nguồn huy động cho vay doanh nghiệp xuất khẩu 10 triệu USD nhưng vì doanh nghiệp xuất khẩu có nhu cầu VND để thu mua hàng hóa trong nước nên bên vay sẽ bán lại lượng USD nói trên cho ngân hàng để nhận lại VND bằng một hợp đồng kinh tế đơn giản, dễ thực hiện bởi doanh nghiệp xuất khẩu rất sẵn ngoại tệ.

Làm như vậy, từ chỗ nguồn ngoại tệ là huy động đã trở thành nguồn ngoại tệ kinh doanh. Sự khác biệt này mang lại lợi ích đối với ngân hàng thương mại là có thêm nguồn phục vụ nhu cầu mua thiết yếu, Ngân hàng Nhà nước đỡ phải can thiệp hỗ trợ cho ngân hàng thương mại, do đó, áp lực tỷ giá sẽ giảm đi đáng kể.

Mặt khác, chính sách này cũng “né” được nguyên tắc khắt khe “vốn huy động ngoại tệ không được bán” để phòng tránh rủi ro thiếu khả năng chi trả cho phía gửi của Ngân hàng Nhà nước một cách hợp lý.

Vậy còn doanh nghiệp được lợi gì? Hiện tại, lãi suất ngoại tệ khá thấp (2% - 3%/năm), đặc biệt, nếu đàm phán với ngân hàng vay với lãi suất Libor (lãi suất liên ngân hàng London) hoặc lãi suất Sibor (lãi suất liên ngân hàng Singapore) còn thấp hơn.

Và khi bán lại cho ngân hàng, doanh nghiệp sẽ được hưởng mức tỷ giá tốt nhất trong thời điểm hiện nay. Hơn nữa, khi nhận ngoại tệ từ xuất khẩu, doanh nghiệp cũng phòng chống được “rủi ro tỷ giá” trong trường hợp tỷ giá xuống mức thấp hơn thời điểm họ vay rồi bán lại cho ngân hàng.   

Như vậy, cùng với các nguồn ngoại tệ mua từ Ngân hàng Nhà nước và các nguồn khác, cộng với nguồn mua nhờ sửa đổi Quyết định 09, sẽ tăng thêm lượng ngoại tệ mà các ngân hàng thương mại được sở hữu để bán lại cho các nhu cầu thiết yếu, góp phần lớn vào việc xóa bỏ “bình ngưng ngoại tệ” và bình ổn thị trường.