08:41 17/09/2008

Xoá bỏ “cát cứ” thông tin lao động

Dũng Hiếu - An Khuê

Hỏi chuyện Cục trưởng Cục Việc làm về vai trò của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực Quốc gia mới thành lập

"Còn thiếu sự kết nối, thiếu thông tin giữa cơ quan hoạch định chính sách, nhà đào tạo, người sử dụng lao động và chính người lao động".
"Còn thiếu sự kết nối, thiếu thông tin giữa cơ quan hoạch định chính sách, nhà đào tạo, người sử dụng lao động và chính người lao động".
Hỏi chuyện ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), về vai trò của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực Quốc gia mới thành lập.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực Quốc gia đã được Chính phủ quyết định thành lập. Theo ông, hệ thống thông tin thị trường lao động quá yếu kém hiện nay sẽ thay đổi như thế nào sau khi trung tâm này đi vào hoạt động?

Trên thực tế, hệ thống thông tin thị trường lao động nước ta hiện nay hầu như chưa có gì. Bởi vậy tình trạng cát cứ thông tin thị trường lao động tại các vùng, các tỉnh mới diễn ra trong một thời gian quá dài như vậy. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cung - cầu lao động từ lâu ít gặp nhau.

Nhà đào tạo thì đào tạo theo năng lực hiện có của mình. Người lao động là sản phẩm của đào tạo thì không đáp ứng được nhu cầu của chủ sử dụng. Nguyên nhân chính là thiếu sự kết nối, thiếu thông tin giữa cơ quan hoạch định chính sách, nhà đào tạo, người sử dụng lao động và chính người lao động.

Liệu Trung tâm sẽ khâu nối được các đầu mối đó?

Những đầu mối không gặp nhau khiến cho việc lập kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trở nên rất khó khăn. Nếu khâu nối được các đầu mối đó, cơ quan hoạch định chính sách sẽ có được thông tin chính xác từ các nhà sử dụng lao động và được hỗ trợ từ một hệ thống kỹ thuật.

Chúng tôi đang nỗ lực thiết lập một hệ thống thông tin, ở đó các nhà hoạch định chính sách, nhà đào tạo, người sử dụng lao động và người lao động có thể chia sẻ với nhau về nhu cầu thực sự của mình.

Dự kiến Trung tâm sẽ dự báo cung - cầu lao động theo định kỳ hoặc ở các thời điểm nhất định, tiến tới cung cấp cho thị trường lao động thông tin chi tiết theo từng vùng để người lao động và chủ sử dụng có thể thoả thuận với nhau trên mặt bằng chung.

Mức độ dự báo sẽ chi tiết như thế nào về nhu cầu từng ngành nghề để đưa cung- cầu lao động gần nhau thêm?

Cung- cầu lao động chưa gặp nhau một phần vì kỹ năng nghề được đào tạo của người lao động đang có sự khác biệt với các kỹ năng nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp. Bởi vậy chúng tôi cũng sẽ phối hợp xây dựng một chương trình đào tạo để đưa các kỹ năng nghề trong các trường tới gần với nhu cầu sử dụng hơn.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ triển khai một số bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho một số nghề cụ thể, trên cơ sở đó ứng dụng cho những nghề còn lại.

Trong thực tế đã có những dự án với sự hỗ trợ từ nước ngoài nhằm xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, nhưng cho tới nay việc đó vẫn chỉ là mục tiêu, thưa ông?

Vấn đề ở chỗ chúng ta đang xây dựng trên một nền móng hầu như chưa có gì. Hiện tại chúng tôi cùng với đối tác là Uỷ ban châu Âu (EC) và tổ chức lao động quốc tế (ILO) thực hiện một Dự án trọng tâm là xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động. Với nguồn lực từ Dự án này, chúng tôi hình thành một đầu mối Trung ương đặt tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đầu mối này sẽ được kết nối tới 15 tỉnh, thành phố với những dữ liệu được cập nhật thường xuyên phục vụ cho công tác dự báo và cung cấp các thông tin cần thiết tới các chủ thể tham gia thị trường lao động. Đây là những tỉnh, thành phố có thị trường lao động khá sôi động hiện nay.

Tất nhiên hệ thống này là chưa đầy đủ. Tới năm 2010 sẽ tiến tới kết nối 40 tỉnh, thành phố và sau đó thông tin thị trường lao động sẽ được kết nối toàn quốc ở cả 63 tỉnh, thành phố phục vụ cho nhu cầu đào tạo, tìm kiếm việc làm và tuyển dụng, xóa bỏ sự cát cứ thông tin về lao động giữa các tỉnh, các vùng.

Theo ông, thách thức lớn nhất trong việc làm cho cung - cầu lao động gần nhau hơn hiện nay là gì?

Tôi cho rằng nước ta đang phải đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng của cơ cấu sản xuất kinh tế do tác động của quá trình toàn cầu hoá. Số lượng lao động khu vực nông thôn đang dư thừa, nhưng nhiều doanh nghiệp lại không tuyển dụng được số lao động này vào làm việc do tay nghề thấp.

Để cung - cầu lao động gặp nhau, nỗ lực kết nối thông tin là chưa đủ. Quan trọng hơn cả là từ những thông tin thị trường ấy, các trường đào tạo thay đổi chính họ như thế nào để phù hợp hơn.