09:44 19/08/2008

Xóa bỏ cơ chế “chủ quản”?

Hoàng Linh

Các cơ quan chủ quản vẫn chưa tách bạch được chức năng quản lý nhà nước của mình

Nhiều giám đốc doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần được hỏi đã tỏ ra rất bức xúc với cách mà các cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào công việc kinh doanh của họ.
Nhiều giám đốc doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần được hỏi đã tỏ ra rất bức xúc với cách mà các cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào công việc kinh doanh của họ.
Cách đây hơn hai năm, khi những vòng đàm phán về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) gần đi đến hồi kết, các nhà hoạch định chính sách đã phải đối diện với một vấn đề then chốt là làm thế nào tách biệt được cơ chế quản lý hành chính của nhà nước khỏi quản lý kinh doanh của doanh nghiệp.

Với tinh thần cải cách này, trước đó, khi các nhà làm luật tiến hành sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2005, họ đã đưa vào một nội dung quan trọng trong vấn đề quản lý doanh nghiệp nhà nước. Đó là quy định Nhà nước chỉ thực hiện quyền chủ sở hữu vốn với vai trò là người đầu tư vốn trên nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn; tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu đối với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp; và tôn trọng quyền kinh doanh của doanh nghiệp.

Cơ quan quản lý ra mệnh lệnh kinh doanh

Mặc dù bộ luật sửa đổi đó đã đi vào cuộc sống gần 3 năm nhưng trên thực tế vẫn còn những vướng mắc. Các cơ quan chủ quản vẫn chưa tách bạch được chức năng quản lý nhà nước của mình. Vẫn còn tình trạng các cơ quan quản lý “không nắm vững tay lái và cũng không buông lỏng tay chèo”, hoặc vừa lái, vừa chèo, thậm chí “muốn chèo nhiều hơn cầm lái”...

Một nghiên cứu công bố đầu tháng 7 của Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương (CIEM) đã cho thấy điều đó. Khoảng 200 giám đốc doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần được hỏi đã tỏ ra rất bức xúc với cách mà các cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào công việc kinh doanh của họ.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp được điều tra này, Nhà nước - thông qua chức năng chủ sở hữu - vẫn đang sử dụng các công cụ hành chính nhà nước như văn bản pháp luật, công văn hành chính can thiệp trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cổ phần vẫn nhận được các quyết định áp đặt về chiến lược kinh doanh từ cơ quan quản lý nhà nước khi họ tiến hành đại hội cổ đông.

Thống kê của chuyên gia kinh tế viện CIEM cũng cho thấy, mỗi tuần có ít nhất 6 văn bản chỉ đạo mang tính mệnh lệnh hành chính của các cơ quan nhà nước được đưa ra. “Trong khi đó, để thực hiện những văn bản này ngân sách Nhà nước cần phải chi thêm hàng tỷ đồng một năm”, một quan chức khác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Hơn nữa, nhiều vị giám đốc ở các doanh nghiệp nhà nước cho biết, họ vẫn nhận được các quyết định kinh doanh, như các dự án đầu tư, các hợp đồng kinh tế, các hợp đồng mua bán tài sản,... từ cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn tiếp tục chi phối việc mua bán, giá cả và khối lượng của một số sản phẩm, dịch vụ mà thể hiện rõ nhất là giá bán than cho ngành điện và xi măng. Một ví dụ nữa, là Nhà nước đã trực tiếp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không tăng giá thời gian vừa qua với nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Hiệu quả kinh doanh kém do cơ chế

Trên thực tế, cam kết trong WTO về doanh nghiệp nhà nước ghi rõ: Chính phủ Việt Nam không tác động trực tiếp hay gián tiếp tới các quyết định thương mại của doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước kiểm soát, hay doanh nghiệp được hưởng độc quyền.

Theo ông Trần Tiến Cường, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp của CIEM, vấn đề đặt ra cho Nhà nước là phải đảm bảo quyết định thương mại của doanh nghiệp nhà nước được hình thành từ nhu cầu của doanh nghiệp, của khách hàng, và thị trường.

Cho đến gần đây, quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước được thực hiện bởi các bộ, các ủy ban tỉnh, và hội đồng quản trị các tổng công ty. Cơ chế này, theo ông Nguyễn Chí Thành, Phó trưởng ban chiến lược của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh nhà nước (SCIC) đã dẫn đến tình trạng các quyết định đầu tư vốn ở doanh nghiệp do nhiều cấp thực hiện (bộ, ngành, địa phương, tổng công ty) theo kiểu phong trào.

“Việc giao vốn, cấp vốn trực tiếp từ ngân sách hoặc cho vay ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước mang tính hành chính, bao cấp nên hiệu quả đầu tư chưa cao”, ông Thành nói.

Quan chức này nhận xét thêm, việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp còn rất “lỏng lẻo” vì trách nhiệm của cơ quan quản lý và doanh nghiệp được nhà nước đầu tư vốn không rõ ràng. “Nếu đầu tư không hiệu quả, dẫn đến mất vốn thì Nhà nước là người phải gánh hậu quả nặng nề”, ông Thành nói.

“Cơ chế chủ quản” đối với các doanh nghiệp như hiện nay là không phù hợp với yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và Luật doanh nghiệp đòi hỏi. Do đó phải có biện pháp kiên quyết xoá bỏ sự can thiệp trực tiếp của cơ chế này nhằm nâng cao hiệu quả tạo môi trường, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở thị trường trong nước và quốc tế.

Cổ phần hóa là một phương cách hữu hiệu được các chuyên gia đề xuất để xóa bỏ cơ chế chủ quản. Đối với các công ty còn thuộc các cơ quan chủ quản mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối, Nhà nước cần chấp nhận cổ phần hoá toàn bộ. Từ đó giải quyết căn bản các vấn đề liên quan “chủ quản” mà việc bổ nhiệm nhân sự và can thiệp vào kinh doanh là đáng phàn nàn nhất.

Với số vốn chiếm tới 97,6% trong tổng vốn của gần 4.000 doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa, rõ ràng Nhà nước vẫn có thể can thiệp vào kế hoạch kinh doanh của các công ty này. Tuy nhiên, một quan chức của Bộ Công Thương tin tưởng rằng đầu năm sau, khi kinh tế bắt đầu phục hồi, các mệnh lệnh hành chính sẽ ít đi.