09:51 23/07/2009

Xóa rào cản trong thương mại điện tử

Hồng Thoan

Đảm bảo an toàn và bảo vệ dữ liệu cá nhân giúp mở ra nhiều cơ hội trong thương mại, thu hút đầu tư

Bảo mật thông tin là một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam.
Bảo mật thông tin là một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam.
Trong hai ngày 22-23/7, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Trung tâm Thông tin lãnh đạo (CIPL) Hoa Kỳ tổ chức hội thảo về việc xây dựng năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thương mại điện tử, nhằm triển khai thực hiện chương trình bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thương mại điện tử của APEC.

Đưa ra dẫn chứng một quảng cáo rao bán hơn 7 triệu địa chỉ e-mail công ty, doanh nghiệp, cá nhân kèm theo phần mềm gửi e-mail chuyên nghiệp chỉ với giá 350.000 đồng, ông Dương Hoàng Minh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết, một trong những hình thức vi phạm bảo vệ dữ liệu cá nhân rất phổ biến trong thời gian qua là việc thu thập địa chỉ thư điện tử trái phép để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, từ quảng cáo trực tuyến đến bán danh sách các địa chỉ này cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu.

Bên cạnh đó là các hiện tượng ăn cắp, lừa đảo lấy thông tin tài khoản cá nhân, phát tán thông tin và hình ảnh riêng tư, lừa đảo qua thẻ ATM.

Ông Martin Abrams, Giám đốc Trung tâm Thông tin lãnh đạo Hoa Kỳ cho rằng, trong môi trường kinh doanh quốc tế thì câu hỏi đặt ra đầu tiên đối với các doanh nghiệp chính là thông tin cho chúng ta biết về vấn đề gì? Rõ ràng thông tin về khách hàng sẽ cho biết khách hàng của chúng ta là ai? Họ cần gì? Chúng ta có đáp ứng hết các nhu cầu của khách hàng hay chưa? Và sau đó các doanh nghiệp sẽ phải bắt đầu giải quyết bài toán là sẽ sử dụng các thông tin đó thế nào? Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải giải bài toán đó một cách thông thái.

Cũng theo ông Martin Abrams, bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 3 khía cạnh, an toàn an ninh, bảo vệ khỏi việc sử dụng gây ra thiệt hại và khía cạnh văn hóa của bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nếu tiếp cận theo hai cách “quyền riêng tư là một quyền cơ bản”- bởi dữ liệu cá nhân của mỗi cá nhân là khác nhau, do đó cá nhân cần được cung cấp công cụ để kiểm soát thông tin cá nhân của mình, và “bảo vệ người tiêu dùng” - bởi có những việc sử dụng thông tin gây hại có thể xác định được và người tiêu dùng phải được bảo vệ trước những việc gây hại đó, thì sẽ giải quyết được 3 khía cạnh trên của bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo ông Dương Hoàng Minh, một khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin với 132 doanh nghiệp, tổ chức vào cuối năm 2008 cho kết quả, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và hiệp hội có tỷ lệ thu thập thông tin cá nhân qua mạng cao nhất là 100%, tiếp đến là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phần mềm và đào tạo 97%, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa là 94%, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và xây dựng là 93%.

Trong số 132 doanh nghiệp, tổ chức này, 84% đơn vị trả lời rằng có thông báo trước về mục đích sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng. Tuy nhiên, mới chỉ có 18% đơn vị có xây dựng quy chế về thu thập và bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng, và 40% cho biết sẽ xây dựng quy chế trong tương lai. Hiện có 67% đơn vị triển khai cả 2 nhóm giải pháp công nghệ và quản lý để bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng.

Cảnh báo về rủi ro mất an toàn thông tin, TS. Vũ Quốc Thành, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cũng đưa ra những con số khảo sát: hiện chỉ có 37% tổ chức có quy chế về an toàn thông tin, 33% tổ chức sẽ xây dựng quy chế trong thời gian tới, còn lại tới 30% tổ chức chưa có ý định này. Khảo sát sâu hơn với những tổ chức chưa có quy chế và có ý định xây dựng quy chế xem họ có kế hoạch xây dựng quy trình không thì có một tín hiệu đáng mừng là 42% sẽ có kế hoạch xây dựng trong vòng 3 tháng tới.

Một kết quả khảo sát khác của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin trong giai đoạn 3 năm (từ 2006- 2008) cho thấy, vấn đề bảo mật, an toàn thông tin, trong đó bao gồm cả thông tin cá nhân, luôn được các doanh nghiệp đánh giá là một trong những rào cản lớn nhất (xếp thứ 3 trong số 7 trở ngại lớn nhất) đối với sự phát triển Thương mại điện tử ở Việt Nam.

Tuy vậy, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu, Việt Nam là nước đi sau, có xuất phát điểm thấp về thương mại điện tử, nhưng với sự chỉ đạo đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, trong thời gian qua Thương mại điện tử tại Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Các ứng dụng Thương mại điện tử đang được triển khai ở nhiều doanh nghiệp để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hệ thống pháp luật về Thương mại điện tử cũng đã hình thành và đang dần được hoàn thiện.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng rất tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế về Thương mại điện tử nhằm bắt kịp sự phát triển của thế giới trong lĩnh vực này. Một trong những hoạt động đó là “Chương trình Người tìm đường về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thương mại điện tử của APEC”.

Việc thực hiện thành công chương trình này sẽ tạo ra một cơ chế bảo vệ thông tin cá nhân có hiệu quả, giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực có thể trao đổi thông tin, đồng thời nâng cao niềm tin của cộng đồng, qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế trong APEC.

Ông Michael Michalak, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh việc xây dựng năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thương mại điện tử  là chủ đề rất quan trọng, có thể giúp nâng cao năng lực và xây dựng mô hình thương mại điện tử điển hình cho Việt Nam và các nước trên thế giới. Việc đảm bảo an toàn và bảo vệ dữ liệu cá nhân còn giúp mở ra nhiều cơ hội trong thương mại, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống không chỉ cho Việt Nam, Hoa Kỳ mà còn cho cả các quốc gia trong khu vực APEC.