07:00 09/07/2012

“Xóa sổ” bớt công ty chứng khoán, không dễ!

Lan Hương

Liệu có thể giảm về chỉ còn 25-30 công ty chứng khoán như nhiều ý kiến đề xuất không?

TS.Vũ Bằng: "Không chỉ Bộ Tài chính ép mà ngay cả ban lãnh đạo chúng tôi cũng ép Vụ Quản lý kinh doanh phải giảm bớt số lượng công ty chứng khoán" - Ảnh: Việt Tuấn.
TS.Vũ Bằng: "Không chỉ Bộ Tài chính ép mà ngay cả ban lãnh đạo chúng tôi cũng ép Vụ Quản lý kinh doanh phải giảm bớt số lượng công ty chứng khoán" - Ảnh: Việt Tuấn.
Tái cấu trúc công ty chứng khoán đang trong giai đoạn ban đầu với những sàng lọc tự nguyện. Liệu với lộ trình và giải pháp được đề ra, mục tiêu nâng cao chất lượng công ty chứng khoán và giảm nhanh số lượng công ty chứng khoán sẽ được thực hiện ra sao?

Đó là những nội dung đáng chú ý trong cuộc trao đổi với TS.Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Năm 2012 là năm bản lề thực hiện chương trình tái cấu trúc mạnh mẽ ngành chứng khoán, trong đó trọng tâm là tái cấu trúc các công ty chứng khoán. Đến thời điểm này, kết quả thực hiện ra sao, thưa ông?

Trên cơ sở Đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán đã được ban hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tiến hành rà soát, phân loại các công ty chứng khoán theo các chỉ tiêu an toàn tài chính trong Thông tư 226 và kết quả kinh doanh đã kiểm toán của các công ty chứng khoán, phân loại các công ty chứng khoán vào 3 nhóm: nhóm bình thường, nhóm kiểm soát và nhóm kiểm soát đặc biệt.

Dựa vào kết quả phân loại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có các biện pháp xử lý đối với từng nhóm cũng như yêu cầu các công ty chứng khoán có biện pháp khắc phục kịp thời. Theo báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tháng 4/2012 của các công ty chứng khoán, hiện có 22 công ty chứng khoán có tỷ lệ an toàn tài chính dưới 180%.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã ra Quyết định đặt 7 công ty chứng khoán vào diện kiểm soát đặc biệt (Công ty Chứng khoán Cao Su, Công ty Chứng khoán Vina, Công ty Chứng khoán Hà Nội, Công ty Chứng khoán Trường Sơn, Công ty Chứng khoán Đà Nẵng và Công ty Chứng khoán Mê Kông, Công ty Chứng khoán Công nghiệp và Thương mại Việt Nam).

Hiện nay đã có 5 công ty chứng khoán cơ bản đã hoàn tất rút nghiệp vụ môi giới. Trong năm 2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai chương trình kiểm tra định kỳ 20 công ty chứng khoán, trong 6 tháng đầu năm đã kiểm tra 6 công ty chứng khoán thuộc các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, việc thực hiện đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán gặp khá nhiều khó khăn.

Những khó khăn đó là gì, thưa ông?

Có hai điểm khó nhất trong việc triển khai đề án này mà chúng tôi đang phải xử lý. Thứ nhất, khó khăn trong việc phân loại công ty chứng khoán. Việc tái cấu trúc dựa trên căn bản nhất là Thông tư 226 về chỉ tiêu an toàn tài chính (có hiệu lực cưỡng chế từ 1-4).

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã rà soát trên cơ sở báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 của các công ty chứng khoán cũng như báo cáo tháng của các công ty chứng khoán để có thể chủ động phân loại. Tuy nhiên, sự phân loại cũng rất khó khăn do báo cáo của công ty chứng khoán không chuẩn xác.

Thấy trước vấn đề như vậy, chúng tôi đã đưa nội dung này vào quy định tại Thông tư 52-2012/TT-BTC (có hiệu lực từ 1/6/2012) về công bố thông tin vừa ban hành, trong đó có yêu cầu bắt buộc kiểm toán báo cáo về chỉ tiêu an toàn tài chính vào cuối tháng 6 và tháng 12 và hiện chúng tôi đang chờ báo cáo chỉ tiêu an toàn tài chính có kiểm toán tháng 6.

Thứ hai là khó khăn trong việc xử lý đóng cửa công ty chứng khoán. Theo quy định pháp lý sau khi đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, công ty chứng khoán sẽ có một khoảng thời gian để khắc phục. Nếu không khắc phục được sẽ bị đình chỉ, rút giấy phép, có nghĩa là “xóa sổ” công ty chứng khoán.

Trong lúc chờ như vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã tiến hành kiểm tra, làm việc với nhiều công ty chứng khoán để họ tự nguyện rút nghiệp vụ và cũng đã có 5 công ty triển khai việc rút nghiệp vụ môi giới.

Một trong những mục tiêu của đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán cũng là giảm bớt số lượng khối này, thay vì con số 105 công ty chứng khoán như hiện nay. ở góc độ cơ quan quản lý trực tiếp thị trường chứng khoán, số lượng công ty chứng khoán sau tái cấu trúc sẽ còn bao nhiêu? Liệu có thể giảm về chỉ còn 25-30 công ty chứng khoán như nhiều ý kiến đề xuất không, thưa ông?

Không chỉ Bộ Tài chính ép mà ngay cả ban lãnh đạo chúng tôi cũng ép Vụ Quản lý kinh doanh phải giảm bớt số lượng công ty chứng khoán. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Ủy ban sẽ tăng cường trong 6 tháng cuối năm nay là tiếp tục triển khai thực hiện rà soát, phân loại các công ty chứng khoán theo Thông tư 226 và Đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán.

Từ tháng 7/2012 sau khi có kiểm toán độc lập soát xét báo cáo tài chính và chỉ tiêu an toàn tài chính sẽ phân loại lại các công ty chứng khoán và đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc. Ủy ban Chứng khoán cũng đã xây dựng và dự kiến ban hành trong năm 2012 bộ tiêu chuẩn CAMELS để phân loại công ty chứng khoán và các quy định mới về quản trị rủi ro để nâng cao chất lượng hoạt động của công ty chứng khoán.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)