10:23 22/01/2010

Xu hướng mua bán sáp nhập sẽ tập trung vào ngành nào?

Linh San

Theo nghiên cứu của PwC và Thomson Reuters, tổng số các giao dịch M&A tại Việt Nam trong năm 2009 tăng 77% so với năm 2008

Các chuyên gia của PwC cho biết, xu hướng M&A trong năm 2010 sẽ tập trung ở một số ngành như: hàng tiêu dùng nhanh, giải trí và truyền thông, ngành dịch vụ tài chính...
Các chuyên gia của PwC cho biết, xu hướng M&A trong năm 2010 sẽ tập trung ở một số ngành như: hàng tiêu dùng nhanh, giải trí và truyền thông, ngành dịch vụ tài chính...
Theo nghiên cứu của Công ty PricewaterhouseCoopers (PwC) và Thomson Reuters, tổng số các giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) tại Việt Nam trong năm 2009 là 295 thương vụ, tăng 77% so với năm 2008.

Tổng giá trị các giao dịch M&A trong năm 2009 là 1,138 tỷ USD trong đó 200 giao dịch là giữa các công ty trong nước, 90 giao dịch là giữa công ty nước ngoài mua/sáp nhập công ty trong nước và 5 giao dịch thực hiện bởi công ty Việt Nam mua/sáp nhập với công ty ở nước ngoài.

Những giao dịch M&A điển hình trong năm 2009

Trong năm 2009, ngành công nghiệp chiếm gần 1/4 tổng các giao dịch M&A tại Việt Nam, tăng 15% so với năm 2008. Đứng thứ 2 là ngành năng lượng với mức tăng từ 7% năm 2008 lên đến 17% trong năm 2009.

Thông qua một số thương vụ trong năm 2009, các chuyên gia của PwC cho biết có một xu hướng xuất hiện trong các tập đoàn đa ngành của Việt Nam chính là tái cơ cấu tổ chức, giảm đối thủ cạnh tranh nhỏ thông qua mua bán, sáp nhập và mở rộng hoạt động sang các ngành khác. Điều này đã dẫn đến một số lượng lớn các giao dịch diễn ra trong ngành công nghiệp, năng lượng và vật liệu.

Một số thương vụ M&A đáng chú ý đã được công bố trong năm 2009 bao gồm: Vào tháng 12, Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 2 (HT2) đã đồng ý sáp nhập với Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (HT1). Giá trị của thương vụ ước tính là 133 triệu USD.

Tháng 11, House Foods Corporation (House Foods), một công ty thực phẩm và đồ uống hàng đầu Nhật Bản, ký thỏa thuận đầu tư khoảng 20 triệu USD vào Masan Group Corporation bằng việc mua lại 9 triệu cổ phiếu phổ thông mới với giá khoảng 40.000 đồng một cổ phiếu, chiếm tỷ lệ cổ phần nắm giữ khoảng 1,85% vốn cổ phần đã gia tăng của Masan.

Vào tháng 10, HSBC Insurance (Asia Pacific) Holdings Limited (HSBC) ký thỏa thuận tăng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của công ty này tại Tập đoàn Bảo Việt (Bao Viet Holdings) từ mức 10% hiện nay lên 18% với trị giá là 1,88 nghìn tỷ đồng (khoảng 105,3 triệu USD).

Cũng trong tháng này, Total SA (Total) của Pháp mua lại bộ phận dầu nhờn và các sản phẩm chuyên dụng tại Việt Nam của ExxonMobil Corporation, công ty khai thác và sản xuất dầu khí, bao gồm một nhà máy dầu nhờn tại tỉnh Đồng Nai và mạng lưới phân phối dầu nhớt trên khắp Việt Nam.

Tháng 7, POSCO, một công ty sản xuất thép có trụ sở tại Hàn Quốc đã đồng ý mua lại 90% cổ phần trong Asia Stainless Corporation (ASC), công ty sản xuất và phân phối thép không gỉ có trụ sở tại Việt Nam với giá trị ước tính là 50 triệu USD.

Triển vọng M&A 2010

Các chuyên gia phân tích độc lập dự kiến rằng tăng trưởng GDP năm 2010 sẽ đạt khoảng 6%. Cùng lúc đó, các chuyên gia phân tích của PwC dự kiến giao dịch M&A ở tất cả các ngành nghề sẽ tăng trưởng trong năm 2010, trong đó các thương vụ giữa các doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục tăng nhanh do các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng trưởng tìm kiếm các mục tiêu sáp nhập & mua lại để đầu tư tiền nhãn rỗi của họ và thúc đẩy tăng trưởng cao hơn.

Các giao dịch trong nước mang tính chiến lược cũng như các thương vụ vốn sở hữu tư nhân cũng được coi là những diễn biến tạo nên xu hướng tích cực trong năm 2010, được tạo nên bởi sự phục hồi của kinh tế toàn cầu cùng cảm nhận tích cực có được nhờ sự tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ của Việt Nam bất chấp cuộc khủng khoảng mới đây.

Bên cạnh đó, trong tuần đầu tiên của tháng 1, Chính phủ đã thông báo một cách cụ thể dự định khởi động lại tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2010. Động thái này có thể đưa đến một số thương vụ có qui mô lớn trong năm nay.

Một sáng kiến quan trọng khác của Chính phủ, có thể có ảnh hưởng đáng kể đối với môi trường của hoạt động M&A trong năm 2010 là việc sáp nhập theo dự kiến của các doanh nghiệp nhà nước do nhu cầu hợp lý hóa hoạt động của các doanh nghiệp này và cải thiện năng lực cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu để giảm thâm hụt thương mại.

Ví dụ, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 1, ba doanh nghiệp sản xuất thủy sản thuộc sở hữu nhà nước sẽ sáp nhập với nhau để thành lập Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (sau các sản phẩm dệt may và dầu thô, thủy sản là loại hàng xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam).

Các chuyên gia của PwC cũng cho biết, xu hướng M&A trong năm 2010 sẽ tập trung ở một số ngành như: nhóm hàng tiêu dùng nhanh, giải trí và truyền thông, ngành dịch vụ tài chính, bất động sản. Ngoài ra, một số ngành khác cũng sẽ thu hút M&A như: các ngành công nghiệp cung cấp đầu vào cho nhóm hàng tiêu dùng nhanh, khu vực sản xuất hàng dệt may, khu vực bán lẻ.