Xu thế dòng tiền: 600 điểm thực sự là đáy?
Các ý kiến bắt đầu có sự trái ngược về cơ hội cho thị trường kết thúc nhịp điều chỉnh tại mức 600 điểm
Mặc dù VN-Index đã xuất hiện biến động phục hồi khá mạnh sau khi đi vào khu vực 600 điểm, nhưng với diễn biến giảm sang phiên thứ 8 liên tục ở tuần này, các quan điểm đánh giá rủi ro bắt đầu phân hóa mạnh.
Quan điểm lạc quan đánh giá độ cứng của mốc 600 điểm trên VN-Index là đủ để tạo đáy cho thị trường. Tuy nhiên các ý kiến còn lại đều tỏ ra thận trọng hơn nhiều khi cho rằng chưa đủ thông tin để xác định một đáy vì hoàn toàn biến động hồi cuối tuần này chỉ mang tính kỹ thuật thông thường. Phải cần thêm thời gian để thị trường ổn định một đáy thực sự trước khi xác nhận đó là đáy.
Tương đồng với các quan điểm đánh giá về cơ hội tại vùng 600 điểm, có 2/5 chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn thực hiện bắt đáy trong phiên sụt giảm manh ngày 25/9, nhưng chiến thuật khác nhau. Một bên là chiến thuật mua rẻ tăng tỷ trọng nắm giữ, một bên là trading ngắn hạn với lượng cổ phiếu sẵn có.
Còn lại các chiến lược thận trọng vẫn chưa thực hiện mua vào trở lại để chờ đợi thêm tín hiệu xác nhận của thị trường, hoặc giảm tỷ trọng cổ về mức cân bằng.
Tuần này thị trường đã thực sự điều chỉnh như dự đoán của anh chị với mức sâu nhất của VN-Index xuống dưới 600 điểm. Tuy nhiên lực mua đã xuất hiện khá tốt, điểm số đã phục hồi trở lại. Anh chị đánh giá về phản ứng đó như thế nào. Sức mạnh được thể hiện có đủ tin cậy để xác nhận một mức hỗ trợ đủ cứng ở 600 điểm hay không?
Sự phục hồi của thị trường trong phiên 25/9 chỉ mang tính chất cầu bắt đáy khi mức giá đã rơi về vùng tương đối thấp so với vùng đỉnh.
Những dấu hiệu để khẳng định nhịp điều chỉnh đã kết thúc vẫn chưa xuất hiện, bởi sự cải thiện về thanh khoản và giá vẫn chưa xuất hiện trên diện rộng, có chăng chỉ có ở vài cổ phiếu cá biệt. Chưa kể đến hiện tượng nhiều mã breakout là bị bán ra, hiện tượng bán thường xảy ra vào cuối phiên.
Nhìn chung, tôi nhìn nhận đây vẫn chỉ là nhịp hồi kỹ thuật, nên có thể sự hồi phục sẽ diễn ra rất ngắn, lợi nhuận mỏng, với đích đến có thể là vùng 613 của VN-Index.
Theo quan sát của tôi thì thường sau một chuỗi giảm liên tiếp của VN-Index, một phiên hồi phục tới khoảng 10 điểm từ mức thấp trong phiên luôn chỉ ra khả năng thị trường đã kết thúc điều chỉnh.
Tuy nhiên, ở góc kỹ thuật có điểm đáng lưu ý là trên weekly chart (đồ thị tuần) của VN-Index, chỉ báo PSAR báo bán và MACD đang tạo phân kỳ âm với đường giá nên khả năng thị trường cũng khó bứt phá ngay mà có thể sẽ dao động hẹp với các phiên tăng giảm đan xen, cơ hội bên trong thị trường sẽ tiếp tục phân hoá mạnh ở giai đoạn này khi hỗ trợ 600 vẫn được giữ vững.
Phản ứng phục hồi khi chạm vào đường hỗ trợ tại MA 20 đồ thị tuần (592 điểm) trong phiên và nhanh chóng hồi phục trở lại là điều dễ hiểu.
Như tôi đã nhận định cách đây khoảng 1 tháng, thị trường lúc đó (đang chuẩn bị vượt qua mốc 620 điểm) khá giống với giai đoạn tăng mạnh từ 370 điểm lên 460 điểm và nhanh chóng điều chỉnh trong khoảng 2-3 tuần về lại mốc 420 điểm trước khi tăng giá trở lại. Sự tương đồng lại đã đúng được 1/2 khi chỉ số lùi lại đường MA20 đồ thị tuần và bắt đầu hồi phục trở lại.
Trong diễn biến, VIC và GAS bị bán mạnh và cần có thời gian hồi phục và tích lũy trở lại, chúng ta cần giữ trạng thái thận trọng nhưng tích cực vào lúc này. Nhiều khả năng thị trường sẽ tích lũy trở lại quanh khu vực 600 điểm trước khi có biến động mới.
Mặc dù thị trường điều chỉnh mạnh về dưới mốc 600 điểm nhưng các phiên giảm điểm vẫn duy trì với thanh khoản rất lớn kèm theo việc tăng giá của nhiều mã cổ phiếu mới, cổ phiếu chưa tăng trong giai đoạn vừa qua.
Tôi cho rằng niềm tin nhà đầu tư vẫn duy trì ở mức cao và sẵn sàng tham gia vào thị trường mỗi khi giảm điểm. Sau khi quan sát phiên thứ 5 với cú hồi rất mạnh trong phiên thì tôi cho rằng mốc hỗ trợ 600 điểm là rất mạnh và thị trường sẽ tạo đáy quanh mốc 600 – 610 điểm một thời gian.
Mặc dù chưa đủ cơ sở xác nhận nhịp điều chỉnh đã kết thúc nhưng tín hiệu đảo chiều hồi phục trong phiên ngày Thứ 5 (25/09) đang mở ra cơ hội tạo đáy ngắn hạn cho thị trường.
Các chỉ số đồng loạt phản ứng với các mốc hỗ trợ quan trọng tại cùng một thời điểm và hình thành những những mẫu hình nến đảo chiều mạnh trong bối cảnh một số chỉ báo kỹ thuật đã đi xuống dưới vùng quá bán và giao cắt trở lại với đường tín hiệu.
Tôi cần chờ thêm diễn biến của thị trường trong những phiên giao dịch đầu tuần tới để đánh giá mức độ “cứng” của vùng hỗ trợ quanh 595 điểm. Nhưng dựa trên quan điểm chủ quan, tôi cho rằng thị trường sẽ khó có thể xuyên thủng quá sâu qua vùng hỗ trợ này trong nhịp điều chỉnh hiện tại.
Tuần này cũng có những diễn biến khá thú vị lặp đi lặp lại, là những đợt bán mạnh xuất hiện về cuối phiên, chỉ trừ ngày 25/9. Với kinh nghiệm của anh chị, đây có phải là hiện tượng bất thường hay không?
Đây có thể coi là diễn biến bất thường và đã diễn ra liên tục trong khoảng 1 tuần lễ khiến tâm lý nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu từ trạng thái rất lạc quan chuyển thành bi quan và bắt đầu mất kiên nhẫn.
Tuy nhiên chúng ta cũng cần nhìn nhận sự điều chỉnh như vậy là tích cực khi vẫn có khoảng 1/3 số lượng cổ phiếu trên sàn vẫn có diễn biến tăng giá và tích lũy trở lại.
Các cổ phiếu tăng quá mạnh của dầu khí như PVC, PVS, nhóm PVX đã tăng trưởng quá nhanh và mạnh trong thời gian qua và sự điều chỉnh trong phạm vi 20-30% từ đỉnh là hợp lý trước khi có thể hồi phục trở lại.
Bên cạnh đó nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản trụ cột vẫn đang thu hút lực cầu rất lớn chờ đợi mua gom ở các mức giá thấp trong phiên.
Diễn biến bất thường này có thể sẽ chấm dứt sau khi các cổ phiếu bị bán đè xuống đến khu vực giá hấp dẫn và tăng giá trở lại.
Trước đây, đã đôi lần tôi đề cập đến việc đầu cơ chỉ số của khối ngoại, điều này có vẻ một lần nữa lại được nhìn thấy một cách rõ ràng khi VN-ndex bị giảm liên tiếp từ ảnh hưởng của lực bán của khối ngoại lên nhóm cổ phiếu lớn, đặc biệt là GAS. Trong khi đó, HNX-Index đại diện cho tâm lý số đông thị trường dù bị ảnh hưởng lớn ở sự điều chỉnh mạnh của nhóm P thì vẫn cho thấy là đang tích luỹ nhiều hơn là giảm điểm, sự tích luỹ thể hiện qua diễn biến thanh khoản thấp liên tục được duy trì.
Như vậy, tôi không xem diễn biến của tuần qua là một điều gì đó bất thường. Mà nếu nhìn nhận lại, lần đầu cơ xuống này của khối ngoại tạo ra ít ảnh hưởng xấu tới thị trường chung hơn nhiều so với các lần trước đó. Và cũng lưu ý rằng khối ngoại cũng "đánh" rất đúng kỹ thuật khi họ luôn quay lại mua ở các hỗ trợ trung hạn của VN-Index, sẽ rất thú vị nếu khối ngoại lại mua ròng trong thời gian tới.
Tôi cho rằng không có hiện tượng bất thường nào xảy ra trong tuần giảm điểm vừa qua của thị trường khi mà các nhóm cổ phiếu vẫn đang cần thêm thời gian điều chỉnh tích lũy, nhất là những ngành đã tăng nóng trước đó.
Trong những nhịp điều chỉnh, việc tâm lý nhà đầu tư dễ dao động, đặc biệt trong những phút cuối của phiên giao dịch, là hoàn toàn dễ hiểu.
Có một điểm đáng lưu ý là sự luân phiên của các dòng tiền đến trước và đến sau. Trong khi các dòng tiền đã rút ra sớm trong nhịp tăng điểm trước đang tìm thời điểm quay trở lại, xây dựng các vị thế mới thì các dòng tiền trễ nhịp chưa kịp rút ra vẫn đang loay hoay chờ điểm giảm tỷ trọng. Điều này tạo nên hiện tượng “thay máu” cho thị trường trong những nhịp điều chỉnh ngắn hạn trước khi có thể tiếp tục đi lên trong trung hạn.
Theo tôi điều này thường xảy ở một số giai đoạn thị trường ở vùng đỉnh ngắn hạn. Với diễn biến thị trường tuần qua thì tôi cho nó là bình thường.
Đâu có có các quỹ đang giảm tỷ trọng cổ phiếu, các quỹ tự doanh cũng thực hiện mua vào/bán ra và nhất là các cổ phiếu thuộc VN-30 đang được một số quỹ ETFs nội để ý. Nhiều cổ phiếu triển vọng sẽ tích lũy hoặc tiếp tục tăng giá trong khi đó nhiều cổ phiếu lớn sẽ vẫn tiếp tục điều chỉnh và giảm điểm.
Tôi thấy việc VN-Index xuất hiện gần chục nến đỏ liên tiếp là hiện tượng bất thường, ít nhất là trong hơn 1 năm trở lại đây.
Có thể đỗ lỗi 1 phần cho VNM, GAS, BVH, VCB,… nhưng không thể phủ nhận lực cung toàn thị trường tại vùng giá cao khá mạnh, trong khi cầu có xu hướng xuất hiện lẻ tẻ, mỗi phiên chỉ tập trung trọng điểm vào vài ba cổ phiếu.
Thói quen mua đỏ bán xanh đã đem lại lợi thế cho nhà đầu tư trong suốt mấy tháng qua, giờ ứng dụng không còn hiệu quả nữa. Theo tôi đây là tín hiệu đáng lo ngại, chúng ta cần một sự cẩn trọng hơn để bảo vệ thành quả của cả nhịp sóng.
Anh chị có thực hiện bắt đáy trong ngày 25/9 và tỷ trọng phân bổ danh mục hiện tại là bao nhiêu?
Tôi có thực hiện bắt đáy phiên 25/9. Tỷ trọng cổ phiếu /Tiền mặt là 60%/40%.
Mặc dù giai đoạn hiện tại không thích hợp lắm cho việc nắm giữ cổ phiếu và cụ thể hơn là việc trading ngắn hạn, nhưng ngược lại đâu đó sẽ có những cổ phiếu đặc biệc, cổ phiếu có tin cơ bản hỗ trợ sẽ vẫn tăng giá. Nếu ai đó nắm ít cổ phiếu cũng đúng hoặc nắm nhiều cổ phiếu hơn cũng đúng. Thị trường vẫn xu hướng đi lên và vẫn lại là câu hỏi mã gì ? thời điểm nào ? và bao lâu.
Sau khi bán hết danh mục vào tuần trước, tôi vẫn chưa giải ngân trở lại. Tôi chờ đợi phản ứng của thị trường khi lượt cổ phiếu bắt đáy về tài khoản vào đầu tuần tới, đồng thời quan sát xem diễn biến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, BVH, VCB có khả quan hơn không.
Việc giải ngân sẽ được tính đến trong 2 trường hợp: (1) thị trường giảm mạnh thêm 1 nhịp rũ sạch cung giá cao; (2) nếu không giảm điểm, số mã có lãi qua T+3 nhiều lên qua mỗi phiên.
Theo tôi đối với nhà đầu tư có danh mục cổ phiếu tốt và tìm hiểu kỹ có thể duy trì từ 50-80% danh mục là cổ phiếu. Đối với các nhà đầu tư lướt sóng nên giảm mạnh danh mục cổ phiếu xuống dưới mức 50% để chờ đợi diễn biến rõ ràng hơn trong ngắn hạn.
Thị trường lúc này không quá bi quan nhưng cũng không nên đặt cược hết vào thái cực ngược lại. Mọi hành động sử dụng margin vào lúc này nên được loại bỏ.
Danh mục trung hạn của tôi tiếp tục được duy trì với tỷ trọng 50%, nếu có giao dịch trong phần này thì chỉ đơn thuần mang tính tái cơ cấu đảo danh mục. Còn với phần ngắn hạn, tôi đã thực hiện giải ngân thêm vào các mã có sẵn trong danh mục với tỷ trọng 25% trong ngày 25/9 nhằm mục đích tạo vị thế mới và trading quay vòng hạ giá vốn cho phần danh mục trung hạn đang nắm giữ.
Tôi thực hiện mua thêm vào PVX khi nhận thấy cổ phiếu này tích luỹ vững vàng và có dấu hiệu bứt phá tiếp theo vào phiên thứ Tư, giá mua 6.3. Trước đó, vào phiên thứ Ba, một lần nữa tôi mua KSH, khi cổ phiếu này có diễn biến vượt đỉnh, giá mua 18.2.
Tuy nhiên, khi phiên sáng thứ Năm thị trường biến động mạnh hơn dự kiến, VN-Index đe doạ thủng hỗ trợ nên ngay đầu giờ chiều tôi quyết định bán chỗ PVX có sẵn ở mức giá 6.4, tương đương lời 35% sau hơn 1 tháng nắm giữ.
Phiên thứ Sáu, tôi bán KSH khi cổ phiếu này về sàn, lãi tròn 2 giá, khá đáng tiếc do sau đó mã này trần trở lại nhưng việc bán như vậy là cần thiết khi đầu cơ cổ phiếu nóng.
Ngoài ra tôi cũng chốt lời STB ở giá 18.7, lãi 5% sau T+4, không nhiều nhưng đây là một khoản đầu cơ khá chắc tay.
Do các lệnh bán mang tính an toàn về cuối tuần nên tỷ trọng danh mục hiện tại hơi thấp, chỉ còn 50% với một mã cổ phiếu duy nhất là PVX. Tôi sẽ tìm điểm mua thích hợp để tiếp tục tăng tỷ trọng cổ phiếu này khi nó đang có vận động tốt và có thể là một game ETF thú vị trong thời gian tới. Bênh cạnh đó, tôi vẫn đang đợi điểm mua với MHC và bắt đầu chú ý trở lại với PXS.