Xu thế dòng tiền: Cơ hội từ kết quả kinh doanh quý 2
Các chuyên gia vẫn nhận định thị trường đang trong giai đoạn tích lũy và chưa có dấu hiệu đột phá
Mặc dù thị trường đã có tới 5 phiên tăng điểm liên tục trong tuần, các chuyên gia vẫn nhận định thị trường đang trong giai đoạn tích lũy và chưa có dấu hiệu đột phá thực sự.
Liên tiếp trong những tuần của tháng 6, thành khoản chỉ duy trì ở mức trung bình thấp được đánh giá là dấu hiệu của sự thiếu tự tin, khi mà giá vẫn trong tình trạng “lơ lửng”, chưa bộc lộ xu thế cụ thể. Tuy nhiên việc giá không giảm được các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn nhận thấy các yếu tố cơ bản vẫn được nhà đầu tư chú ý.
Các ý kiến có đánh giá khá tích cực về triển vọng của thị trường dựa trên nền tảng các cổ phiếu cơ bản, khi kết quả kinh doanh quý 2/2014 chuẩn bị được công bố. Dòng tiền lớn đang tìm kiếm cơ hội và chờ đợi những diễn biến rõ ràng hơn. Điều này được nhìn nhận từ dấu hiệu mạnh hơn về thanh khoản ở các cổ phiếu dạng này trong bối cảnh thanh khoản chung vẫn thấp.
Tuy nhiên thời điểm mà dòng tiền lớn tham gia thị trường một cách thực sự vẫn được nhìn nhận khác nhau. Ý kiến lạc quan nhất dự báo thị trường sẽ có chuyển động bất ngờ trong 1-2 tuần tới, nhưng ý kiến thận trọng hơn chờ đợi một sự đồng thuận khi xuất hiện thông tin hỗ trợ đủ mạnh thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9.
Với chiến lược ngắn hạn, tuần qua chỉ có 1/5 chuyên gia thực hiện mua vào tăng tỷ trọng cổ phiếu, còn lại vẫn giữ nguyên với tỷ lệ cao nhất là 50/50. Điểm tích cực hơn tuần trước là chiến lược mua dần các cổ phiếu cơ bản tốt đã được thực hiện, bên cạnh hoạt động trading cho các cơ hội ngắn hạn.
Tuần này với những biến động mạnh của GAS, cổ phiếu tác động lớn nhất lên Vn-Index, các ý kiến lại không mấy lo ngại về ảnh hưởng này. Các chuyên gia cho rằng về mặt điểm số có thể GAS đóng vai trò lớn, nhưng thực chất các cổ phiếu cơ bản khác cũng có chuyển động giá tốt với thanh khoản khá cao. Do đó ngay cả trường hợp GAS có thay đổi tiêu cực thì thị trường chung cũng không bị ảnh hưởng nhiều, nhất là trên khía cạnh tâm lý. Tuy nhiên có sự đồng thuận lớn trong đánh giá về triển vọng tăng giá của GAS trong ngắn hạn.
Thật thú vị là kết tuần này, VN-Index đã không giảm mà còn tăng 3,2%. GAS đang trở thành tâm điểm bàn luận với những khó chịu từ phía số đông nhà đầu tư khi thị trường tăng đã không giúp gì được cho khoản đầu tư của họ “nở ra”. Anh chị đánh giá thế nào về mức giá trên 112.000 đồng của GAS từ các yếu tố cơ bản? Liệu GAS có đang là “quả bom hẹn giờ” cho VN-Index khi mà rủi ro giảm giá sẽ đè bẹp chỉ số này?
Tôi cho rằng GAS là một cổ phiếu tăng trưởng điển hình. Việc GAS đang đóng góp khá nhiều vào điểm số Index không đồng nghĩa với việc cổ phiếu này sẽ trở thành một quản bom hẹn giờ nào cả. Có thể nhìn lại chặng đường 5 năm vừa qua của VNM để thấy rõ điều này.
Thêm nữa, gần đây xuất hiện 1 thông tin tôi cho rằng có ảnh hưởng rất lớn tới cổ phiếu này, đó là việc "GAS đang muốn bán bớt 20% vốn nhà nước"; ngay khi điều này xảy ra, vốn ngoại, mà đặc biệt là dòng tiền từ các ETF hiện nay như V.N.M, FTSE, và thậm chí cả iShare MSCI gần như sẽ lập tức chảy mạnh vào GAS.
Cả về mặt cơ bản và kỹ thuật, tôi đánh giá GAS vẫn đang trong xu hướng tăng điểm, sự điều chỉnh nếu xảy ra cũng chỉ mang tính chất ngắn hạn.
Ngay cả trong kịch bản GAS xuất hiện điều chỉnh, tôi không cho rằng đây là quả bom hẹn giờ với VNINDEX. Việc index tăng điểm chỉ vì GAS và giảm điểm cũng chỉ vì GAS sẽ không gây hiệu quả nghiêm trọng lên thị trường chung.
Điều tôi quan tâm hơn là các cổ phiếu còn lại của thị trường, liệu dòng tiền có thể kiên nhẫn ở lại khi hiện tượng đi ngang như vậy tiếp diễn, việc giao dịch trong cả tháng qua gần như không mang lại lợi nhuận nào đáng kể cho số đông nhà đầu tư.
Thị trường dường như đã bước vào chu kỳ mới với bước chạy tạo đà từ cổ phiếu GAS và một số trụ cột khác của thị trường như PVS, PVD tạo ra mức thanh khoản đang khá dần lên sau từng phiên giao dịch. Với mức giá 112.000 đồng/ 1 CP, GAS đang được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ là hiện tượng VNM thứ 2 trên thị trường với mức EPS dự phóng năm 2014 khoảng hơn 6000 đồng/1 cổ phiếu.
Khác với VNM, GAS có tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt vì vậy tính chất cô đặc của cổ phiếu này được thể hiện qua việc nắm giữ ở một số tổ chức lớn. Xét về yếu tố cơ bản nếu GAS tăng tiếp 20% nữa và P/e dự phóng tiệm cận đến 20 có thể là rủi ro đối với thị trường nhưng ở kịch bản khác có thể GAS sẽ ngừng tăng và sự lan toả sẽ chuyển dần các cổ phiếu trụ khác giúp chỉ số có thể vượt 580 điểm.
Tuần qua là tuần liên tiếp có 5 phiên tăng điểm. Việc chỉ số VN-Index phải chinh phục ngưỡng 580 - 585 là điều đã dự báo trước ngay cả khi các cổ phiếu lớn như GAS không hòa vào nhịp tăng điểm chung của tòan thị trường. Điều này có nghĩ rằng tuần qua không chỉ có GAS có giao dịch tích cực mà còn nhiều cổ phiếu khác có các phiên tăng giá khá tốt như: HPG, SSI, BVH, PET, CSM….
Điểm nhấn tuần qua là tuần tăng điểm của các cổ phiếu cơ bản khi dòng tiền tập trung vào những cổ phiếu Blue chips định giá thấp, cơ bản tốt và những cổ phiếu mid cap tăng trưởng trong khi thờ ơ với nhiều cổ phiếu đầu cơ.
Điều này có ý nghĩa rằng thị trường đang giao dịch ổn định, bền vững và có chiều sâu hơn là tăng điểm trong khi ẩn chứa các phiên sụt giảm mạnh. Mặc dù tuần tới GAS có giao dịch chậm lại và điều chỉnh thì thị trường cũng sẽ khó bị giảm mạnh khi mà dòng tiền đang nâng đỡ các nhóm cổ phiếu cơ bản.
Trong giai đoạn vừa qua, GAS kết quả thuận lợi, và dòng tiền mua vào ổn định từ phía nhà nhà đầu tư nước ngoài. Với mức giá hiện nay, tôi cho rằng cổ phiếu GAS không còn thu hút được nhiều sự quan tâm từ phía nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, với nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là nhà nhà đầu tư nước ngoài, cổ phiếu GAS vẫn có nhiều điểm hấp dẫn do vậy rủi ro từ việc giảm giá mạnh của GAS sẽ chưa xuất hiện ngay.
Nếu căn cứ vào thanh khoản như tuần trước thì rõ ràng tuần này vẫn chưa có dấu hiệu của dòng tiền lớn tham gia thị trường. Ngay cả khi nhìn vào HNXIndex thì tuần này cũng tăng 1,7%. Như vậy thị trường đã đi ngược lại những gì các dòng tiền lớn chờ đợi: không điều chỉnh mà còn tăng thêm. Chỉ còn hơn một tuần nữa là các số liệu kết quả kinh doanh sẽ xuất hiện. Nếu giá vẫn không chịu điều chỉnh, liệu dòng tiền lớn có phải thay đổi chiến thuật?
Theo tôi dòng tiền chưa tự tin tham gia vì giai đoạn này thị trường thể hiện trạng thái lửng lơ, chưa thiên về một xu hướng cụ thể nào.
Qua các phiên bạn có thể nhìn thấy đâu đó có các cổ phiếu tích cực, nhưng thực tế để kiếm lợi nhuận rất khó khăn. Phần lớn những giao dịch phát sinh trong 1 tháng vừa rồi đều ở trạng thái hòa hoặc lỗ/lãi nhẹ, dòng tiền có thể vào được những cổ phiếu có xu hướng rõ ràng hơn như PXS, HT1 chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Để thu hút dòng tiền, thị trường cần thể hiện 1 trạng thái rõ ràng hơn, có thể là giảm về mức giá thấp hơn, cũng có thể là tăng điểm ngay nhưng phải thể hiện được sức mạnh dòng tiền.
Ở vùng giá hiện tại, khó kỳ vọng có sự đột biến về dòng tiền trừ khi xuất hiện thêm những chính sách hỗ trợ. Với các dự báo về kết quả kinh doanh quý II, tôi cho rằng thị trường sẽ có sự phân hóa trong thời gian tới.
Rõ ràng là dòng tiền lớn chưa tham gia vào thị trường và nhà đầu tư chỉ giao dịch vào những cổ phiếu cơ bản cho thấy niềm tin nhà đầu tư, bất chấp những bất ổn về vĩ mô hiện nay, được coi như là tốt hơn so với các năm trước vào cùng thời điểm.
Thị trường đang tăng điểm nhờ vào lực đỡ tăng giá của nhiều nhóm cổ phiếu cơ bản thì sau khi xuất hiện kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, có chăng thị trường sẽ chỉ điều chỉnh nhẹ và những cổ phiếu tốt vẫn sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền.
Như cho dù những phản ứng tích cực của thị trường cũng như nhóm cổ phiếu cơ bản như thế nào trong 2 tuần vừa qua thì dòng tiền lớn vẫn sẽ đợi thị trường tạo nền tảng ổn định không xẩy ra ở mức cân bằng thấp 550- 560 điểm mà sẽ ở mốc cao hơn 570 -580 điểm.
VN-Index sẽ neo giữ ở mốc cao ít nhất là trong tháng 7, tháng 8 trước khi có các đợt bức phá mà tôi đánh giá timming sẽ diễn ra vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 hoặc có thể sớm hơn khi mà các thông tin hỗ trợ đủ mạnh xuất hiện và dự đồng thuận giải ngân xuất hiện trên diện rộng.
Thanh khoản đang dần có sự cải thiện dần dần trở lại vì vậy không thể trông chờ dòng tiền ngay lập tức sẽ tăng mạnh trở lại như đợt tháng 3. Theo tôi quan sát, mức điều chỉnh của chỉ số đang hẹp dần và theo đó thị trường có thể có diễn biến mới bất ngờ trong 1-2 tuần sắp tới.
Kết quả kinh doanh quý II đang dần hé lộ và tôi nhận định sự phân hoá các cổ phiếu sẽ ngày cảng rõ nét hơn. Khi đó, dòng tiền lớn có thể chỉ tập trung ở các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt hoặc có hứa hẹn tốt cho đến cuối năm.
Nếu phân tích về dòng tiền, có lẽ nhìn theo phân lớp cổ phiếu sẽ thấy rõ hơn bức tranh hiện tại. Thanh khoản sụt giảm trên cả 2 sàn, nhưng nhóm cổ phiếu cơ bản như cao su thành phẩm (DRC, CSM), dầu khí (PVS, PGS)...lại có sự cải thiện đáng kể, ở phiên cuối tuần, những dấu hiệu mạnh hơn về thanh khoản cũng xuất hiện ở các trường hợp REE, FPT...
Cần phải nói thêm rằng, các cổ phiếu trên đều đã trải qua 1 giai đoạn tạo nền tích lũy ở 3-4 tuần trước đó, và những diễn biến ở tuần qua (bứt phá khỏi nền tích lũy với khối lượng lớn) đã cho thấy tín hiệu dòng tiền đã phần nào quay lại ở nhóm này.
Ở đây có 2 ý : một số (không nhiều) cổ phiếu có triển vọng cơ bản tốt đang được chú ý trở lại và có thể tạo ra những cơ hội phân hóa; Bên cạnh đó, phần còn lại của thị trường vẫn đang trong quá trình tích lũy với những khoảng giá hẹp và thanh khoản thấp.
Theo thống kê thì số lượng cổ phiếu kết thúc tuần này vẫn tăng giá so với cuối tuần trước là khá nhiều ở cả hai sàn. Rõ ràng là cơ hội ngắn hạn có thể thấp, nhưng rủi ro cũng thấp. Chiến lược giao dịch của anh chị có gì thay đổi hay không? Tỷ lệ phân bổ vốn cụ thể ra sao?
Tôi vẫn theo quan điểm cho rằng dòng tiền lớn chưa xuất hiện và cơ hội đầu tư chỉ và chỉ có ở 2 nhóm cổ phiếu blue chips định giá thấp và các cổ phiếu mid cap tăng trưởng, cơ bản mang tính chu kỳ. Các cổ phiếu penny và các cổ phiếu đầu cơ đa số là đang tích lũy đợi dòng tiền lớn.
Như vậy, tỷ trọng cổ phiếu và tiền mặt tôi vẫn duy trì ở mốc 30%/70% - ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu tốt nhất trên sàn. Một số cổ phiếu mà tôi quan tâm hiện nay là: PVS, BVH, FCN, TCM, PET…
Dù thị trường đã có những tín hiệu tích cực hơn, tôi vẫn giữ tỷ lệ 30% cổ phiếu, vì cho rằng cơ hội chưa thực sự lớn. Trạng thái đi ngang theo hướng sideway up có thể tiếp diễn.
Với những nhà đầu tư nhạy bén, tôi cho rằng vẫn có thể giữ tỷ lệ cổ phiếu cao hơn, nhưng lưu ý việc mua bán liên tục sẽ không có lợi thế, nhất là trong tuần tới thị trường có thể thể hiện xu thế rõ ràng hơn, lợi thế T+ lúc này rất quý.
Như đã nêu ở tuần trước đó, tôi có thử kiểm nghiệm nhìn nhận của mình ở nhóm cổ phiếu bị ETF bán ra với việc giải ngân 10% vốn vào PET, MSN, VIC. Trường hợp VIC, MSN đã được bán ra trong tuần.
Đối với trường hợp PET, sau khi bứt phá khỏi vùng đáy (2 đáy) với khối lượng khá thuyết phục và đang điều chỉnh trở lại, nếu những phiên đầu tuần tới PET tiếp tục điều chỉnh với thanh khoản thấp (áp lực bán yếu), tôi sẽ tăng tỷ trọng ở cổ phiếu này lên mức vốn tối đa mà tôi thường giành cho 1 cổ phiếu - 30% danh mục.
Rủi ro ở giai đoạn này thấp, nhưng khi đầu tư là kỳ vọng lợi nhuận, tôi vẫn sẽ không tham gia một cách quá tích cực vào giai đoạn thị trường hiện tại khi mà cơ hội ở thị trường hiện tại khá hẹp.
Tôi vẫn duy trì tỷ lệ tiền và cổ phiếu ở mức 50:50 và không sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn hiện tại. Các cổ phiếu trụ và midcaps có kết quả kinh doanh tốt trong quý 2 vẫn nên được mua dần vào các phiên điều chỉnh một cách chủ động. Số liệu GDP công bố có thể điều chỉnh giảm đến 10% do ảnh hưởng quan hệ thương mại Việt Trung cũng cần được cân nhắc khi giải ngân thêm vào thời điểm hiện tại.
Tuần qua, tôi thực hiện mua vào, nâng tỷ trọng cổ phiếu lên mức 30%. Mức này sẽ tiếp tục được duy trì trong tuần tới.