Xu thế dòng tiền: Điều chỉnh đến đâu?
khi VN-Index không vượt thành công mức 640 điểm, quan điểm đánh giá rủi ro ngắn hạn trở nên thống nhất về khả năng điều chỉnh
Liên tiếp những biến động lớn sang tuần thứ hai kể từ khi VN-Index không vượt thành công mức 640 điểm, quan điểm đánh giá rủi ro ngắn hạn trở nên thống nhất về khả năng điều chỉnh.
Mặc dù có những cách gọi khác nhau về một đợt “nghỉ chân” hay một “nhịp giảm”, nhưng điểm chung là khả năng điều chỉnh của thị trường đang rất rõ ràng. Khác biệt giữa các quan điểm của những chuyên gia được phỏng vấn chỉ là mức độ và khả năng chấp nhận rủi ro đối với các cơ hội trên thị trường.
Quan điểm thận trọng lo ngại đợt điều chỉnh có thể kéo dài 1-2 tuần nữa, thậm chí lo ngại một nhịp điều chỉnh thực sự - hàm ý mạnh và khó đoán - sẽ diễn ra. Quan điểm lạc quan nhìn nhận sự điều chỉnh cần thiết và có sự luân phiên giữ nhịp thị trường nhất định và không quá sâu. Mức hỗ trợ được nhìn nhận khá đồng nhất là quanh 600-615 điểm của VN-Index.
Tương đồng với khả năng chấp nhận rủi ro ngắn hạn khác nhau, các giao dịch hạ tỷ trọng danh mục xuống hầu hết đã được thực hiện với mức độ khác nhau. Tỷ trọng thấp nhất được chấp nhận là 0-20% cổ phiếu và tỷ trọng cao nhất là chỉ cắt giảm đòn bẩy tài chính.
Kể cả không có các giao dịch đột biến của các quỹ ETF thì những phiên tuần này đã chứng kiến hoạt động bán ra mạnh mẽ. VNIndex mất khoảng 3%, đặc biệt là ngày 18/9 giảm rất mạnh. Theo anh chị đây chỉ là hiệu ứng của việc chốt lời bình thường, hay dấu hiệu của những lo ngại về một xu thế điều chỉnh thực sự?
Không hoàn toàn chính xác để nói về hiệu ứng chốt lời, bởi thực sự theo quan sát của tôi thì phần lớn các cổ phiếu có tính thị trường cao như nhóm chứng khoán và bất động sản không đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư lướt sóng ngắn dưới T+10.
Tôi muốn nhắc đến ở đây cái mà tôi gọi là hiệu ứng "margin căng cứng". Các vận động của thị trường vẫn theo chiều hướng thuận lợi cho đến phiên giao dịch thứ Tư vừa qua, khi mà các cổ phiếu chứng khoán bứt phá mạnh.
Bứt phá là tốt, đặc biệt với 1 dòng cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn đến tâm lý thị trường như chứng khoán, nhưng vấn đề là khối lượng quá lớn ở nhóm này. Khối lượng kỷ lục của SSI và nhiều mã chứng khoán cho thấy đám đông đã gần như dồn mọi nguồn lực còn lại vào đây tạo ra sự căng cứng về margin (nhiều tài khoản hết "sức mua"). Một con tàu quá đông khách sẽ khó tránh khỏi việc tròng trành, điều tương tự có thể thấy ở đợt bứt phá của FPT vào cuối tháng 8 vừa qua.
Sau mỗi lần margin trở nên căng cứng thì các đợt điều chỉnh là tất yếu và bình thường. Tôi cho rằng thị trường chỉ đơn giản là sẽ cần một vài phiên tích lũy hẹp với thanh khoản thấp để tiếp tục rũ bỏ vốn nóng, và không cho rằng xu hướng thị trường đã trở nên xấu đi.
Bắt đầu từ diễn biến điều chỉnh mạnh từ phiên 9/9 với thanh khoản rất lớn, thị trường đã phát đi tín hiệu điều chỉnh trong ngắn hạn.
Mặc dù các phiên phục hồi sau đó kèm theo diễn biến tăng giá tích cực của nhiều cổ phiếu nhỏ, cổ phiếu dầu khí kể cả các mã cổ phiếu thuộc dòng chứng khoán nhưng phiên đầu chỉnh xấu thực sự từ thứ 3 đầu tuần cho thấy nỗ lực tăng điểm của thị trường đã không thể vượt qua được mốc 640 – 645 điểm và cần nhiều thời gian cho tích lũy. Tôi cho rằng quá trình điều chỉnh sẽ kéo dài thêm 1 – 2 tuần nữa.
Tôi nhận thấy những tín hiệu đáng lo ngại bắt đầu xuất hiện, đầu tiên là sự suy yếu của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong khi các cổ phiếu khác vẫn có những phiên tăng điểm vào đầu tuần thì nhóm này đều đi xuống, dấu hiệu phân phối thể hiện rõ.
Thêm nữa, tại phiên bùng nổ của nhóm chứng khoán ngày thứ 4, hiện tượng bán ra ở nhóm cổ phiếu còn lại rất rõ ràng. Cho đến phiên cuối tuần, dù nhiều mã lấy lại sắc xanh, tôi vẫn không bớt nghi ngại vào một nhịp điều chỉnh thực sự sẽ diễn ra trong tuần tới.
Lực bán khá mạnh trong tuần vừa qua theo quan điểm của tôi chủ yếu xuất phát từ hoạt động chốt lời của nhà đầu tư và tất nhiên cũng phản ánh những “hoài nghi” về một nhịp điều chỉnh của thị trường từ phía các nhà đầu tư ngắn hạn.
Tuy nhiên tôi không cho rằng đây là một nhịp điều chỉnh sâu mà nhiều khả năng chỉ là nhịp “nghỉ chân” cần thiết của thị trường trong xu hướng tăng trung hạn. Cách điều chỉnh của thị trường trong nhịp này đang diễn ra khá lành mạnh, có sự lệch pha giữa các dòng cổ phiếu và ngay cả đối với các chỉ số chính nhưng chính sự lệch pha đó lại tạo sự luân phiên giữ nhịp cần thiết giúp thị trường không điều chỉnh quá sâu.
Sau nhịp điều chỉnh này, dòng tiền sẽ có thêm sự tự tin nhất định để sớm quay trở lại, giúp Vn-Index có cơ hội vượt đỉnh và đạt được các mốc điểm cao mới.
Thông thường trước và trong tuần cơ cấu danh mục ETF thị trường có biến động khó dự đoán và thực tế trong lần cơ cấu danh mục lần này thị trường đã chứng kiến 2 phiên giao dịch lớn (ngày 09/09 và ngày 18/09) với điểm số giảm khá mạnh.
Về kỹ thuật, đó là diễn biến khá bất lợi cho thị trường. Tuy nhiên trên thực tế, sự phân hóa và dịch chuyển dòng tiền vẫn diễn ra rất mạnh mẽ, các cổ phiếu tăng nóng nhóm dầu khí đã hạ nhiệt giảm khoảng 20% trong khi nhóm cổ phiếu chứng khoán bắt đầu chinh phục các mức giá cao mới như (BVS, HCM, SSI).
Vì vậy, tôi nhận định đây là việc chốt lời bình thường mặc dù chỉ số vẫn có thể bị ép về vùng quanh 600 điểm trước khi phục hồi trở lại.
Tuần trước các quan điểm của anh chị đều nhất trí về sự luân chuyển của dòng tiền trên thị trường. Tuần này dầu khí dường như đã chấm dứt nhưng các cổ phiếu chứng khoán cũng chỉ nổi lên được một ngày. Vì sao sự luân chuyển đó lại dừng lại bất ngờ như vậy? Anh chị có kỳ vọng dòng tiền lại tiếp tục vòng quay của nó hay không và sẽ hướng đến nhóm cổ phiếu nào?
Theo tôi tâm lý của nhà đầu tư số đông luôn quyết định đến xu hướng chung và vào từng dòng cổ phiếu trong từng giai đoạn. Mỗi khi thị trường đi vào giai đoạn cuối của một con “sóng lớn” kéo dài 3 – 4 tháng thì các cổ phiếu penny, cổ phiếu ngân hàng hoặc đôi lúc chứng khoán sẽ có lực cầu bất ngờ mạnh – điều đó phản ánh tâm lý sau khi chốt lời các cổ phiếu tăng nóng nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang những cổ phiếu chưa tăng, các cổ phiếu dạng phòng thủ.
Như vậy, giai đoạn tới sẽ là giai đoạn tích lũy của các cổ phiếu cơ bản, các cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu đầu ngành.
Để đủ sức dẫn dắt thị trường, bất cứ nhóm ngành nào cũng cần có sự hỗ trợ cả về mặt kỹ thuật và về mặt cơ bản.
Nhóm ngành dầu khí được hỗ trợ mạnh về mặt cơ bản do triển vọng kết quả kinh doanh thực sự khả quan cùng với thông tin trúng thầu các dự án lớn. Mặc dù vậy, hỗ trợ của nhóm ngành này về mặt kỹ thuật đang yếu dần trong ngắn hạn do gặp phải áp lực chốt lời sau một nhịp tăng nóng.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán, thực chất không phải tâm điểm của sóng tăng lần này do điểm rơi về mặt thông tin chưa chín muồi. Ngoài triển vọng kết quả kinh doanh quý III tích cực đã khá rõ ràng đối với nhà đầu tư thì yếu tố mà nhà đầu tư kỳ vọng nhất là câu chuyện mở room ngoại lại đang diễn biến hết sức chậm trễ.
Mặc dù vậy, còn quá sớm để kết luận sóng chứng khoán đã chấm dứt. Các thông tin về kết quả kinh doanh quý III sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng điểm của nhóm này trong thời gian tới mặc dù sẽ khó có kịch bản tăng nóng liên tiếp.
Bên cạnh đó, việc dòng tiền có thể quay lại các dòng cổ phiếu dẫn dắt như dầu khí, may mặc và thủy sản hoàn toàn có thể tái diễn sau một nhịp điều chỉnh. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có thể bắt nhịp trong sóng tăng tới mặc dù sẽ mang tính phân hóa rõ nét trong ngành tùy vào tín hiệu ấm lên của từng phân khúc và dự án.
Tôi vẫn giữ quan điểm dòng tiền một khi di chuyển vào nhóm đầu cơ sẽ diễn ra rất chóng vánh. Và thực tế gần 1 năm nay, việc mua các cổ phiếu tại phiên breakout gần như không mang lại nhiều lợi thế.
Dòng tiền có dấu hiệu thoát ra ở nhóm dầu khí và đang chuẩn bị, chứ chưa thực sự dấn thân vào một nhóm cổ phiếu khác, vì vậy mỗi nhóm cổ phiếu chỉ nổi lên được 1 đến 2 phiên.
Cá nhân tôi vẫn duy trì quan điểm dòng tiền vẫn ở lại thị trường, nhưng sau nhịp điều chỉnh tuần tới (có thể phức tạp hơn so với dự đoán), cục diện dòng tiền sẽ thay đổi. Nhóm bất động sản, chứng khoán vẫn là 2 nhóm tôi kỳ vọng nhiều, nếu như có đợt sóng tăng tiếp từ giờ đến cuối năm.
Kết quả kinh doanh quý III sắp hé lộ và thông thường với một thị trường thuận lợi cả về thị giá và thanh khoản, nhóm các cổ phiếu chứng khoán vẫn có kết quả dự kiến khởi sắc mạnh mẽ (trong đó có thể có SSI, HCM, SHS).
Bên cạnh đó các nhóm cổ phiếu dệt may và thủy sản có thể vẫn tiếp tục quay lại đà tăng của mình trong một vài phiên sắp tới do kết quả kinh doanh Quý III sẽ có nhiều khởi sắc. Nhóm cổ phiếu bất động sản đã cấu trúc lại doanh nghiệp thành công sẽ có thể có đột biến về giá trong thời gian sắp tới.
Cuối cùng, chúng ta cũng không nên bỏ quên nhóm cổ phiếu dầu khí nếu được chiết khấu về mức giá hấp dẫn và đó vẫn là có thể là các trụ cột của thị trường khi quay đầu tăng điểm trở lại.
Khi một nhóm cổ phiếu lớn đóng vai trò dẫn dắt ở một chu kỳ tăng trưởng (kéo dài vài tháng) của thị trường thì chỉ có 2 khả năng : hoặc nhóm này điều chỉnh xong tiếp tục thể hiện vai trò dẫn sóng của nó - khi đó chu kỳ tăng của cả thị trường sẽ còn tiếp diễn, hoặc nhóm này bị phân phối và nhường sân chơi cho các cổ phiếu nhỏ "bay lên" - và đó là giai đoạn cuối của chu kỳ tăng. Chứ ít khi nào, dòng tiền lại luân chuyển từ nhóm cổ phiếu dẫn hiện tại để chuyển hoàn toàn sang một nhóm khác.
Chứng khoán vẫn chỉ là nhóm đi theo trong chu kỳ tăng này, nếu dầu khí không tăng tiếp, tôi e rằng khả năng cũng sẽ có rất ít cơ hội cho chứng khoán hay bất kỳ nhóm cổ phiếu lớn nào khác như bất động sản nữa chẳng hạn. Thực tế thì ở ít phiên giao dịch vừa qua, ngay khi nhóm P gặp trục trặc thì nhóm Chứng khoán cũng rơi theo dù tăng chưa được bao nhiêu.
Mức giảm 3% đã khiến VNIndex ở vào ngưỡng thấp nhất trong 4 tuần gần đây. Từ góc độ kỹ thuật, anh chị đánh giá thế nào về triển vọng của thị trường?
VNINDEX đang ở trạng thái không mấy tích cực, đặc biệt khi A/D (chỉ số Tích lũy/Phân phối - Accumulation/Distribution Index) giảm mạnh, phân kỳ âm với đường giá. Tôi cho rằng đây là tín hiệu báo trước về một sự điều chỉnh phức tạp, có thể sẽ diễn ra trong tuần sau.
Khả năng tiếp tục điều chỉnh của thị trường là có nhưng sẽ khó có điều chỉnh sâu do lực cầu giá thấp vẫn đang được duy trì khá tốt ở những phiên giảm điểm. Sự lệch pha của các chỉ số cũng giúp thị trường lấy lại cân bằng nhanh hơn khi VN-Index và VN30 đã về sát các vùng hỗ trợ mạnh.
Tôi duy trì quan điểm tích cực về xu hướng tăng trung hạn của thị trường và nghiêng về kịch bản diễn biến nhịp điều chỉnh ngắn hạn hiện tại sẽ sớm kết thúc trong tuần tới.
Các các phiên điều chỉnh mạnh với khối lượng lớn như vậy thì chắc chắn thị trường sẽ cần nhiều thời gian tích lũy quanh mốc 615 – 620 điểm trước mặc dù quan điểm trung hạn về thị trường tôi vẫn cho rằng thị trường đang trong giai đoạn uptrend.
Như chúng tôi đã nhận định, chỉ số có thể ép về vùng quanh 600 điểm trước khi có diễn biến tích cực trở lại. Thông thường trong một sóng tăng dài hạn việc điều chỉnh 2-3 tuần là điều kiện cần và đủ để thị trường có thời gian tích lũy và tiếp tục tăng trưởng.
Riêng về góc độ kỹ thuật của VN-Index, chỉ số đang giao dịch gần hỗ trợ mạnh trung hạn ở vùng 600-610 điểm. Đây là kháng cự rất mạnh trong nhiều năm của VNIndex với 2 đợt phân phối lớn trước đó đã xảy ra ở đây vào các tháng 10/2009 và 3/2014 nên hiện tại nó trở thành hỗ trợ rất vững chắc.
Trong sóng dài hạn 3 năm qua của VN-Index thì chỉ số cũng luôn nhận được hỗ trợ mạnh ngay tại các khu vực đỉnh trung hạn mà nó vừa vượt qua trước đó. Từ đây tôi cho rằng, thị trường có thể sẽ tích lũy thêm nhưng sẽ không quá lâu để nó quay lại với đà tăng giá vừa qua.
Tất nhiên, để tránh nhìn nhận thị trường giống kiểu xem bói và hành động như đánh bạc, cũng phải hết sức thận trọng khi vùng hỗ trợ được đánh giá là vững chắc này bị xuyên thủng, tất nhiên, đây là xác suất rất thấp và mang tính dự phòng trong hành động.
Quan điểm phân bổ vốn cũng như chiến thuật ngắn hạn của các anh chị tuần trước khá khác biệt. Trước những biến động mạnh trong tuần này, anh chị đã thực hiện các giao dịch như thế nào? Mức phân bổ hiện tại là bao nhiêu?
Hiện tại tôi chỉ nắm giữ cổ phiếu rất ít và ưu tiên tiền mặt trong tài khoản. Chỉ có 2 mã cổ phiếu tốt nhất có triển vọng tốt vẫn được ưu tiên nắm giữ với tầm nhìn 3 – 6 tháng. Tỷ lệ tiền mặt/cổ phiếu của tôi đang là 80%/20%.
Theo tôi Margin nên cắt giảm mạnh vào lúc này. Hãy bán các cổ phiếu có triển vọng tăng giá thấp nhất trong danh mục và chờ đợi cơ cấu lại và các cổ phiếu có đà tăng tốt hơn. Tỷ lệ phân bổ cổ phiếu vẫn ở mức cao trên 80% danh mục và hoạt động cơ cấu cần được đẩy mạnh.
Tôi tiếp tục nắm giữ các vị thế trung hạn ở mức 50% tổng danh mục và sẽ không có sự thay đổi nhiều ở phần này trong thời gian tới dù thị trường có biến động mạnh. Các vị thế ngắn hạn trong tuần vừa qua quay vòng linh hoạt thậm chí là thực hiện giao dịch T+1, T+2, trải lệnh mua trong những phiên lao dốc và bán một phần trong những phiên bật tăng. Phần này hiện được giao dịch với tỷ trọng ở mức 2-30% và đang được xem xét tăng thêm.
Sau ngày 9/9 tôi tất toán toàn bộ danh mục, sau đó có mua lại 50%. Trong tuần vừa rồi tôi thực hiện bán hết một lần nữa, do lo ngại thị trường trong tuần tới sẽ điều chỉnh sâu hơn. Lực cầu tại mốc hỗ trợ 610 hiện tỏ ra yếu thế, vì vậy sự hồi phục nếu có xuất hiện ở đây có lẽ cũng chỉ là tạm ngừng đà rơi, cơ hội cho việc bắt đáy ăn sóng hồi theo tôi rất mỏng.
Trước tiên tôi bán PXS sau khi cổ phiếu này có đà giảm mạnh ở phiên thứ 2 liên tiếp, với mức giá bán 38.8 và 38.3, mức sinh lời 58.2%.
Chưa hoàn toàn suy yếu, vẫn kỳ vọng vào xu hướng lên của nhóm chứng khoán nhưng do hiệu suất sinh lời thấp nên tôi cũng quyết định chốt lời BVS ở mức giá 15.5 vào phiên cuối tuần, mức sinh lời 13.6% cũng sau 1 tháng nắm giữ.
Tương tự "game" PET ở kỳ trước, lần review ETF này tôi chọn "bắt" STB khi kết hợp yếu tố kỹ thuật thì cổ phiếu này cũng đang ở trạng thái quá bán và lại nằm ngay tại đáy trung hạn 18. Mức giá mua trong phiên là 18, 18.1.
Cùng với PVX vẫn giữ lại (do hiệu suất sinh lời tốt - 35.2% và chưa có dấu hiệu suy yếu), tỷ trọng các cổ phiếu nắm giữ trong danh mục đang được duy trì ở mức 98.3% vốn - nghĩa là tôi đã không còn duy trì việc sử dụng vốn nóng margin.
Tôi vẫn quan sát tiếp tục với MHC và sẵn sàng sử dụng margin trở lại để giải ngân vào mã này ngay khi tìm được điểm vào phù hợp.