Xu thế dòng tiền: “Quá tam ba bận”, đâu sẽ là đáy?
Những kỳ vọng và thất vọng nối tiếp nhau đã đẩy quan điểm thận trọng lên mức rất cao và chiếm ưu thế
Những kỳ vọng và thất vọng nối tiếp nhau đã đẩy quan điểm thận trọng lên mức rất cao và chiếm ưu thế. Dò đáy không còn là những dự đoán mang tính khẳng định chính xác nữa.
Quan điểm của các chuyên gia được VnEconomy phỏng vấn đã tỏ ra thận trọng hơn rất nhiều so với các tuần trước. Khi chứng kiến áp lực bán lớn và tốc độ giảm giá nhanh, các mức hỗ trợ bị phá vỡ, quan điểm trở nên bi quan hơn.
Thay vì tin tưởng vào một mốc điểm số cụ thể, quan điểm chung cho rằng ngay cả khi thị trường có được các phiên phục hồi ngắn hạn trong tuần tới thì cũng chưa đủ tin cậy.
Tuy nhiên, chiến lược giao dịch đã có những thay đổi khá thú vị. Phù hợp với các nhận định thận trọng gia tăng, hầu hết các giao dịch cắt giảm danh mục mạnh tay đã được thực hiện. Hành động bất ngờ nhất là hoạt động bắt đáy lớn vào ngày thứ Sáu của chuyên gia đứng ngoài thị trường suốt từ tháng 10.
Ngay cả khi thực hiện giải ngân quy mô lớn, quan điểm dài hạn về thị trường vẫn khá tiêu cực. Điều này cho thấy đây là những giao dịch mang tính ngắn hạn.
Đổ lỗi cho giao dịch của hai quỹ ETF khiến thị trường lao dốc trong tuần này dường như sẽ là lẩn tránh sự thật. Thị trường đã sụt giảm mạnh ngay từ đầu tuần và rơi xuống mức đáy mới rất thấp. Đây là lần thứ 3 thị trường rơi nhanh như vậy kể từ giữa tháng 11. Liệu có phải là “quá tam 3 bận” và lần này thực sự là đáy?
Tôi đang thiên về kịch bản cho rằng nhịp hồi phục nếu có của thị trường có thể chỉ là nhịp hồi mang tính kỹ thuật, thị trường vẫn có khả năng có thêm nhịp giảm điểm và kiểm chứng lại vùng hỗ trợ tâm lý tại 500-510 điểm trong ngắn hạn.
Mặc dù vậy, với những phản ứng hồi phục tích cực của các chỉ số tại các vùng hỗ trợ mạnh trong bối cảnh các chỉ báo momentum đã duy trì khá lâu trong vùng quá bán, thì cơ hội tiếp tục có thêm những phiên hồi phục vào đầu tuần tới vẫn được bảo lưu. Thêm vào đó, tín hiệu hồi phục của giá dầu thế giới sau một nhịp lao dốc mạnh, cũng được xem là một cơ sở kỳ vọng cho diễn biến của thị trường trong tuần tới.
Tuần này tâm lý bi quan lên rất cao, tương đương với giai đoạn thị trường bị bán tháo khi diễn ra căng thẳng biển Đông. Giá trị giao dịch cũng tăng mạnh so với tuần trước và giá cổ phiếu hầu hết đóng cửa gần giá thấp nhất tuần.
Tất cả đều cho thấy hoạt động phân phối đang diễn ra, trong đó cổ phiếu chuyển từ tay nhà đầu tư lớn sang cho số đông. Thanh khoản vẫn còn cao nghĩa là áp lực phân phối vẫn mạnh, tôi chưa thấy cơ sở để nhận định đáy ngắn hạn.
Hơn nữa, với sự bi quan của thị trường tuần qua, tôi nghĩ VN-Index đang muốn phá mức thấp nhất của ngày 17/12, là 513 điểm.
Tôi kỳ vọng về một sự hồi phục chỉ số VN-Index vào tuần kế tiếp, nhưng thị trường đã thực sự đáy?
Tôi cho rằng chưa, đặc biệt với các mã cổ phiếu có tính thị trường cao như chứng khoán, bất động sản cho tới các mã đầu cơ midcaps và penny.
Thực tế với những gì nhận thấy từ việc quan sát các chu kỳ thị trường, tôi cho rằng sẽ rất lâu nữa để xuất hiện một vùng đáy thực sự để thị trường bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, có chăng sẽ chỉ là những đợt hồi phục ngắn ngày xuất hiện xen kẽ giai đoạn thoái trào hiện tại của thị trường.
Tôi chưa tin vào đáy của thị trường trong hiện tại khi mà diễn biến vĩ mô đang xấu đi, thanh khoản tăng vọt với áp lực bán áp đảo.
Hơn nữa khối ngoại đang có xu hướng bán ròng cổ phiếu thì nếu thị trường có hồi lại cũng chỉ tạm thời và nhiều khả năng thị trường vẫn sẽ tiếp tục điều chỉnh tiếp.
Khi giá dầu bắt đầu có vẻ nhạt dần thì lại nổi lên chuyện đồng Rúp mất giá và thị trường Nga gặp rắc rối. Khá nhiều doanh nghiệp niêm yết có giao dịch với thị trường này và cổ phiếu đang lao dốc. Anh chị đánh giá rủi ro/cơ hội thế nào ở những mã này? Liệu anh chị có chút “lòng tham” nào hay không?
Tương tự với câu hỏi tuần trước về nhóm dầu khi, lần này câu trả lời vẫn là không. Thậm chí có thể nói nhóm các doanh nghiệp này còn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn so với nhóm dầu khí.
Theo tôi HVG và AAA là hai trong nhiều cổ phiếu đang gặp khó khăn liên quan đến thị trường tiêu thụ Nga và châu Âu. Thông tin này xuất hiện đúng vào lúc tâm lý giới đầu tư bi quan nên tác động lên giá cổ phiếu càng mạnh.
Về thủy sản Hùng Vương, doanh nghiệp này và các công ty con có thị trường rộng khắp từ Mỹ, Đông Âu, EU, Nam Mỹ, trong đó thị trường Mỹ chiếm 19% nên thiệt hại nếu có của HVG sẽ không nghiêm trọng nếu họ gặp khó khăn ở một thị trường châu Âu.
Với Công ty Nhựa và Môi trường xanh An Phát thì vấn đề nghiêm trọng hơn vì sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở thị trường châu Âu, doanh nghiệp cũng cho biết họ buộc phải hạ giá bán hàng để giữ khách hàng.
Dưới góc độ nhà đầu tư, tôi sẽ chọn cổ phiếu gặp phải vấn đề ít nghiêm trọng hơn. Ngành nông sản và thủy sản cũng là nhóm ngành được hưởng lợi nhiều từ chính sách hơn.
Dưới góc độ của “trader”, tôi không lựa chọn hai cổ phiếu này vì lợi suất của chúng so với chỉ số thị trường kém hơn hẳn trong khi rủi ro được đánh giá là khá cao.
Tất nhiên là những cổ phiếu của những doanh nghiệp có liên quan đến thị trường Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, như xuất khẩu thủy hải sản sang Nga chẳng hạn. Với những diễn biến này tốt nhất không nên cầm những cổ phiếu thủy sản nói chung, rồi những cổ phiếu dầu khí… Chúng ta chú ý nhiều hơn đến những cổ phiếu phòng thủ kiểu như điện, bảo hiểm… Tôi cho rằng không nên mạo hiểm với những cổ phiếu đang có yếu tố cơ bản bất lợi.
Tuần qua, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến thị trường Nga đã bị sụt giảm khá mạnh và lần lượt xuyên thủng các mốc hỗ trợ ngắn hạn.
Trong bối cảnh thị trường nhiều khả năng sẽ vẫn còn có thêm nhịp giảm điểm trong thời gian tới, thì tôi cho rằng việc đầu tư vào các mã này vẫn khá rủi ro ở thời điểm hiện tại bởi các doanh nghiệp này nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các thông tin tiêu cực liên quan đến thị trường Nga trong ngắn hạn và khiến giá cổ phiếu có thêm nhịp giảm điểm nữa.
Hiện tại tôi vẫn chưa có ý định đầu tư vào nhóm cổ phiếu này, tuy nhiên nếu giá các cổ phiếu này tiếp tục sụt giảm trong tuần tới và rơi về những vùng hỗ trợ mạnh mang tính trung hạn theo hệ thống của mình trong tuần tới thì có thể tôi sẽ xem xét cơ hội đầu tư vào nhóm này.
Tuần trước anh chị kỳ vọng khá nhiều vào đáy 550 điểm nhưng thực tế thị trường đã rơi sâu hơn. Anh chị phòng vệ trong những tình huống đó như thế nào, mức phân bổ vốn hiện tại là bao nhiêu?
Tôi đã thực hiện giải ngân thêm 20% cổ phiếu cho phần danh mục ngắn hạn khi thấy thị trường giảm mạnh và có dấu hiệu “washout” trong phiên ngày 17/12. Tuy nhiên, sau đó tôi đã đẩy bán ra toàn bộ phần ngắn hạn đang nắm giữ trong phiên cuối tuần để đưa tỉ trọng tổng danh mục về lại mức 50% như tuần trước đó.
Tôi dự định sẽ tiếp tục áp dụng chiến lược trading quay vòng đối với phần danh mục ngắn hạn trong tuần tới.
Còn đối với phần danh mục mang tính trung hạn, tôi vẫn nắm giữ ở mức thấp khoảng 30% cổ phiếu như đã đề cập lần trước.
Diễn biến thị trường hiện tại với lực bán mạnh ở nhiều cổ phiếu chủ chốt ở phiên giao dịch cuối tuần trước thì tôi tôi cho rằng mọi đáy dự báo 513 – 500 điểm hoặc sâu hơn cũng chỉ là tạm thời và hãy để thị trường tìm đến điểm cân bằng.
Khi thị trường không hồi phục ở cứ điểm 550 thì kỳ vọng sự tăng giá cổ phiếu là điều mơ hồ và chiến lược tốt nhất là giảm mạnh tỷ lệ cổ phiếu. Tôi duy trì tỷ lệ cổ phiếu cơ bản có tin tức hỗ trợ ở mức 30% và ưu tiên giữ tiền mặt.
Trong đầu tư vẫn có lúc đúng – lúc sai nhưng nếu khi sai chúng ta hãy cắt giảm thua lỗ đến mức tối thiểu và bảo toàn vốn cho các con sóng sắp tới.
Khi thị trường phá vỡ 550 điểm, các cổ phiếu trong danh mục của tôi đều phát tín hiệu cắt lỗ nên tôi chấp nhận bán gần hết danh mục. Tỷ lệ cổ phiếu hiện tại còn khoảng 10% thuộc về một vài cổ phiếu ngành nhựa xây dựng.
Tôi đánh giá xu hướng hiện tại không thuận lợi cho việc duy trì thường xuyên cổ phiếu trong tài khoản nên sẽ chỉ tham gia mua trở lại khi nhìn thấy cơ hội bắt đáy rõ ràng.
Trong kế hoạch nêu từ tuần trước, tôi dự định sẽ giải ngân trở lại sau hơn 2 tháng nghỉ ngơi nếu thấy cơ hội và đã thử 75% vào BVH và 25% vào STB trong phiên cuối tuần, trạng thái hiện tại là 100% cổ phiếu (không dùng margin).
Việc bắt đáy là mạo hiểm nhưng nhờ bảo toàn được lợi nhuận khi đứng ngoài thị trường suốt thời gian qua, tôi quyết định chấp nhận mạo hiểm để kỳ vọng vào 1 nhịp hồi ngắn hạn của các mã cổ phiếu vốn hóa lớn.