Xuất gì sang thị trường nước ngoài?
Nhiều chuyên gia kinh tế, thương mại trong và ngoài nước đã chia sẻ những kinh nghiệm rất bổ ích của họ với các doanh nghiệp
Làm ăn với thị trường nước ngoài chắc chắn sẽ khác sau khi Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và đây cũng là điều các doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm.
Nhiều chuyên gia kinh tế, thương mại trong và ngoài nước đã chia sẻ những kinh nghiệm rất bổ ích của họ với các doanh nghiệp.
Người Nhật thích sản phẩm từ công nghiệp nhẹ
Nhật Bản là thị trường rất gần gũi với các doanh nghiệp Việt Nam với nhiều mặt hàng xuất khẩu như may mặc, thủy sản, đồ gỗ...
Thương vụ Việt Nam tại Nhật cho biết mặt hàng đồ gỗ Việt Nam đang dần đổi ngôi vị đối với các đối thủ cạnh tranh khác có xuất khẩu gỗ vào Nhật. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang Nhật năm 2004 đạt khoảng 151 triệu USD, đến năm 2006 kim ngạch đã lên tăng tới 210 triệu USD so với tổng kim ngạch sản phẩm gỗ xuất khẩu của cả nước là 1,9 tỷ USD.
Nhìn vào con số này, nhiều người cho rằng thành tích của ngành gỗ chẳng có gì lớn lao nhưng nếu biết rằng từ vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng những nước xuất khẩu gỗ vào Nhật hồi năm 2004, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ đứng thứ 2 năm 2006 ở Nhật thì nhiều người phải nghĩ lại.
Đó là một thành tích không chỉ khẳng định sức bật của ngành gỗ Việt Nam mà còn chứng minh sức cạnh tranh cao của những nhà chế biến đồ gỗ xuất khẩu tại thị trường lớn thứ hai thế giới này.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản dự đoán năm nay kim ngạch đồ gỗ sẽ đạt 250 triệu USD. Tuy nhiên con số này có thể sẽ cao hơn nếu các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam biết xu hướng mới của người tiêu dùng của đất nước mặt trời mọc.
Tham tán thương mại tại Nhật Bản, ông Nguyễn Trung Dũng cho biết người tiêu dùng Nhật đang thích “những cái giả tạo” của sản phẩm gỗ. Một lớp phủ lên sản phẩm gỗ trông có vẻ giống thật, gần gũi với thiên nhiên là sự lựa chọn của một nhóm người tiêu dùng Nhật, khác hẳn với gỗ “hàng thật” trước đây. Làm những sản phẩm “giả tạo” này còn có lợi về mặt giá thành cho các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ.
Bên cạnh những sản phẩm truyền thống vốn là thế mạnh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, ông Dũng còn khuyên doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến một “vùng” sản phẩm đang còn bỏ trống rất lớn ở Nhật. Đó là sản phẩm của ngành công nghiệp nhẹ.
Để thấy được “vùng” sản phẩm này, Tham tán Dũng nói rằng phải nghiên cứu cả quá trình lịch sử phát triển kinh tế của Nhật. Giai đoạn phát triển kinh tế của Nhật qua 3 giai đoạn: nông nghiệp-ngư nghiệp, công nghiệp nhẹ và hiện nay là công nghệ cao, hiện đại.
Hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ chú trọng đến giai đoạn thứ ba, tức chỉ tập trung phát triển công nghệ cao, hiện đại trong khi đó công nghiệp nhẹ khá “èo uột”. Trung Quốc đang âm thầm len lỏi vào “vùng” sản phẩm này như một chiến lược xâm nhập thị trường Nhật.
Vượt qua rào cản kỹ thuật ở thị trường Mỹ, EU
Khác với thị trường Nhật, thị trường Mỹ lại khan hiếm ở lĩnh vực gia công cơ khí. Tham tán thương mại tại Mỹ Nguyễn Duy Khiên cho biết đây sẽ là ngành tiềm năng ở Mỹ và các doanh nghiệp Việt Nam nên chú ý.
Theo ông Khiên, nhiều doanh nghiệp Mỹ yêu cầu cơ quan thương mại Việt Nam tại Mỹ giới thiệu những doanh nghiệp Việt Nam có năng lực trong lĩnh vực gia công cơ khí. “Tuy nhiên chúng tôi không tìm được những doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp Mỹ”, Tham tán Nguyễn Duy Khiên nói.
Sở dĩ doanh nghiệp Mỹ cất công tìm kiếm doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này là vì theo Tham tán Khiên, họ đã từng chứng kiến tay nghề của các lao động người Việt Nam đang làm việc Mỹ.
Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam để tận dụng tay nghề trong lĩnh vực gia công cơ khí của nước sở tại. Bên cạnh đó ngành điện tử, lắp ráp máy tính, gia công sản phẩm... cũng là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Mỹ rất cần sự hợp tác từ các đối tác nước ngoài.
Vào WTO, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hoá, cũng như làm ăn, tìm kiếm ở các thị trường thành viên của WTO. Không phải đợi đến khi vào WTO, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam mới phát triển mạnh. Năm 2006 tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng 22,1% so với năm 2005 và tốc độ này sẽ được duy trì trong những năm tới với dự đoán có thể cao hơn.
Điều này cũng đồng nghĩa với những vụ đối phó mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải, như những vụ kiện chống bán phá giá và những rào cản kỹ thuật của các thị trường để hạn chế sự xâm nhập của hàng hóa từ nước ngoài, sẽ tăng lên.
Với thị trường Mỹ, đó là cơ chế giám sát đối với hàng dệt may và sau đó là mối đe dọa kiện chống bán phá giá của chính quyền Hoa Kỳ. Đây là thách thức có thể nhìn thấy và khó tránh khỏi khi doanh nghiệp dệt may làm ăn với thị trường lớn này.
Cũng như thị trường Mỹ, tại thị trường Liên minh châu Âu (EU), việc kiện chống bán phá giá đang rình rập các nhà xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng đồ gỗ và đá. Thương vụ Việt Nam tại EU cho biết thị phần đồ gỗ Việt Nam chiếm khoảng 6,2% năm 2006 và mặc dù đã giảm so với 7% trong hai năm 2004-2005 nhưng tỷ lệ này vẫn còn là khá cao. Độ lớn thị trường nắm giữ là một trong ba yếu tố để khởi kiện chống bán phá giá.
Ông Đinh Văn Hồi, Tham tán thương mại Việt Nam tại EU cho rằng với tỷ lệ của mặt hàng gỗ có khả năng cao bị kiện chống bán phá giá. Ông khuyên các doanh nghiệp ngay từ bây giờ cần có chính sách giá hợp lý hơn để giảm nguy cơ bị kiện, đồng thời các doanh nghiệp cũng nên đa dạng hóa thị trường để đối phó khi vụ kiện xảy ra. Mặt hàng đá xuất khẩu của Việt Nam vào EU cũng có số phận tương tự.
Ông Hồi, cũng là Tham tán phụ trách thị trường Bỉ, cho biết giá mặt hàng đá đã giảm 40% so với 2003. Theo nhận định của ông Hồi, các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh ác liệt để có đơn hàng chính là nguyên nhân khiến cho giá sản phẩm giảm nhanh và thấp như thế.
Chưa hết, doanh nghiệp Việt Nam còn có nguy cơ bị kiện cả mặt hàng giày dép. Năm qua doanh nghiệp Việt Nam đã bị kiện bán phá giá đối với giày mũ da và đã bị áp thuế chống bán phá giá. Mặt hàng này có khả năng sẽ bị kiện tiếp trong thời gian tới.
Khác với Mỹ và EU, thị trường Nhật Bản tiếp nhận hàng nhập khẩu từ nước ngoài khá lớn, nhiều hơn cả kim ngạch xuất khẩu của nước này, nhưng không áp dụng các biện pháp chống bán phá giá để hạn chế nguồn cung cấp từ các nước.
Thay vào đó, Nhật có xu hướng lựa chọn các rào cản kỹ thuật để kiểm soát hàng nhập khẩu vào Nhật. Mặt hàng tôm bị kiểm tra 100% cũng là một rào cản kỹ thuật mà Nhật muốn áp dụng để kiểm soát hàng thủy sản của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá mạnh trong năm qua. Năm 2006 thủy sản Việt Nam vào Nhật tăng 85% so với 2005 với tổng kim ngạch 650 triệu USD.