09:06 08/05/2007

Xuất hàng gì sang Campuchia?

Vinh Sơn

Doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu gì và đầu tư theo hình thức nào ở thị trường láng giềng này?

Tại một khu chợ ở Campuchia - Ảnh: Donna Todd.
Tại một khu chợ ở Campuchia - Ảnh: Donna Todd.
Campuchia được đánh giá là thị trường hấp dẫn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Không những thế đây còn là nơi doanh nghiệp có thể thực hiện các dự án đầu tư để sản xuất nguyên liệu cho nhà máy sản xuất trong nước hoặc tạo sản phẩm xuất khẩu sang thị trường thứ ba. Doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu gì và đầu tư theo hình thức nào ở thị trường láng giềng này?

Theo Bộ Thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu bao gồm cả xăng dầu tái xuất của Việt Nam vào Campuchia năm 2006 khoảng 770 triệu USD và dự đoán năm sẽ là 930 triệu USD. Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 16 của Việt Nam và Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ tư vào Campuchia sau Thái Lan, Trung Quốc và Hồng Kông.

Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đạt tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD vào 2010 và trên 5,2 tỷ USD vào 2015. Thống kê của Hải quan Việt Nam cho biết hiện mặt hàng xuất khẩu sang Campuchia của Việt Nam nghiêng mạnh về nhóm hàng nhiên liệu-khoáng sản chiếm 41,5% và hàng công nghiệp 50,3%.

Hàng xuất khẩu của Việt Nam qua Campuchia theo đường chính ngạch và tiểu ngạch qua các cửa khẩu ở khu vực phía Nam, Tây Ninh và An Giang. Theo Bộ Thương mại doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào Campuchia những mặt hàng sau:

Mì ăn liền

Xuất khẩu mì ăn liền của Việt Nam tăng trưởng mạnh vào Campuchia với mức trung bình là 62%/năm từ 4 triệu USD năm 2001 tăng lên 23 triệu USD năm 2005 và chiếm khoảng 55% tổng kim ngạch nhập khẩu mì ăn liền của vương quốc này.

Những công ty Việt Nam như Miliket, An Thái, Vissan, Vifon, Acecook... chiếm giữ thị phần đáng kể ở Campuchia sau khi phát triển mạnh các mạng lưới bán lẻ và cửa hàng tại các chợ, siêu thị.

Kim ngạch xuất khẩu sữa của Việt Nam thấp hơn mì ăn liền khoảng 1,86 triệu USD năm 2005 và chiếm 40% tổng kim ngạch nhập khẩu của Campuchia nhưng sản phẩm này có thể gia tăng thị phần vì nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao khi thu nhập của người dân Campuchia được cải thiện nhiều năm qua.

Hóa mỹ phẩm và chất tẩy rửa

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của hóa mỹ phẩm là 30% nhưng nhóm hàng này của Việt Nam bị cạnh tranh bởi hàng của Thái Lan hiện đang chiếm khoảng 42% thị phần, gần gấp đôi thị phần của Việt Nam.

Song điều này không có nghĩa hàng Việt Nam không cạnh tranh được với Thái Lan khi trong giai đoạn 2001-2005 tăng trưởng mỗi năm của hóa mỹ phẩm Việt Nam tăng 50% so với năm trước trong khi Thái Lan tăng chỉ 18% so với năm trước.

Campuchia nhập khẩu khoảng 60 triệu USD dược phẩm vì trong nước không có khả năng sản xuất hoặc rất hạn chế. Để thâm nhập mạnh hơn vào Campuchia đối với dược phẩm, doanh nghiệp cần xác lập chiến lược phát triển hệ thống phân phối và một trong những biện pháp có thể đề cập đến là xây dựng đại lý bao tiêu với đối tác Campuchia nhằm giảm bớt các thủ tục nhập khẩu cho doanh nghiệp.

Nhựa và cao su

Hàng nhựa Việt Nam chiếm khoảng 64,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng nhựa của Campuchia nhờ giá cả cạnh tranh cho dù chất lượng không bằng hàng của Thái Lan. Nếu tiếp tục duy trì giá cả này hàng nhựa Việt Nam sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu cao hơn trong thời gian tới.

Mặt hàng săm lốp có kim ngạch xuất khẩu 3-4 triệu USD mỗi năm. Dự báo loại sản phẩm này trong thời gian tới vì phương tiện vận chuyển ở Campuchia phát triển khá mạnh.

Thiết bị điện, máy móc. Campuchia là nước còn kém phát triển nên nhiều khu vực người dân phải sử dụng máy phát điện hoặc ắc qui. Việt Nam chiếm thị phần ít hơn Thái Lan và Trung Quốc nhưng với tỷ lệ chênh lệch không lớn, lần lượt là 21%, 31% và 25%. Nếu nâng cao chất lượng và giá cả cạnh tranh hàng Việt Nam có thể chia sẻ thị phần của Thái Lan và Trung Quốc.

Xi măng, sắt thép và nhiên liệu

Dự báo đến 2012 Campuchia nhập khẩu các mặt hàng này khoảng 2,7 tỷ USD. Doanh nghiệp Việt Nam nên thâm nhập vào thị trường của người dân có thu nhập thấp và trung bình theo ba hướng đi như xây dựng quan hệ với các cơ quan chức năng để tham gia đấu thầu, liên kết với các công ty xây dựng Việt Nam và xây dựng kênh phân phối để cung cấp trực tiếp cho người tiêu dùng.

Sắt thép Việt Nam có thị phần khá tốt ở Campuchia 27% so với 22% của Trung Quốc và Thái Lan 29%. Xăng dầu Việt Nam chiếm khoảng 56% thị trường Campuchia, trong khi nhu cầu khí hóa lỏng Campuchia tăng 13% hàng năm.

Bên cạnh những hàng hóa trên, doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu vì thị trường còn lớn doanh nghiệp trong nước còn có những cơ hội đối với hàng dệt may, giày dép, giấy, đồ điện, điện tử gia dụng, phương tiện vận chuyển cũng như gỗ, thủy sản, lúa gạo...

Tuy nhiên, một vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm đó là chính sách kinh tế và xuất nhập khẩu của Campuchia và môi trường đầu tư còn những mặt thiếu minh bạch, nên làm ăn sẽ có những vấn đề phát sinh, đôi khi bất lợi cho doanh nghiệp...