09:21 02/06/2009

Xuất khẩu dệt may giữa hai vùng sáng - tối

Thúy Nhung

Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trong 4 tháng đầu năm, nhưng tình hình liệu đã có thể lạc quan?

Không chỉ đối mặt với vấn đề đầu vào của sản xuất gần đây tiếp tục tăng, nhân công cũng là bài toán gây đau đầu cho các doanh nghiệp dệt may hiện nay.
Không chỉ đối mặt với vấn đề đầu vào của sản xuất gần đây tiếp tục tăng, nhân công cũng là bài toán gây đau đầu cho các doanh nghiệp dệt may hiện nay.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trong 4 tháng đầu năm, nhưng tình hình liệu đã có thể lạc quan?

Tăng do có độ “trễ”

Theo số liệu thống kê, 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của toàn ngành đạt gần 2,6 tỉ USD, tăng 2% so với cùng kỳ 2008.

Ông Nguyễn Sơn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) lý giải: sở dĩ xuất khẩu dệt may nước ta những tháng đầu năm vẫn tăng là nhờ xuất khẩu vào các thị trường gần như Trung Quốc, các nước và vùng lãnh thổ khu vực Đông Nam Á đều có mức tăng đáng kể.

Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam vẫn duy trì được khả năng cạnh tranh khá cao so với nhiều nước. Các doanh nghiệp đã tìm mọi cách để tiết giảm chi phí sản xuất, sẵn sàng chấp nhận các đơn hàng có giá thấp hơn để giữ khách hàng và duy trì sản xuất.

Nhưng, theo cách nhìn nhận của ông Nguyễn Hồng Dương, Phó vụ trưởng Vụ châu Mỹ (Bộ Công Thương) thì xuất khẩu của ngành dệt may trong những tháng đầu năm vẫn tăng bởi do đây là một trong những mặt hàng tiêu dùng ngắn hạn nên tính ổn định có tốt hơn so với những mặt hàng tiêu dùng khác.

Thêm vào đó, kim ngạch thu về luôn có độ “trễ” hơn so với tình hình hiện tại, khi đa phần các doanh nghiệp dệt may của nước ta sản xuất hàng cho mùa hè nên những đơn hàng đều đã được đặt từ trước đó khá lâu.

Cũng theo ông Dương, hiện nay, đơn hàng các doanh nghiệp đã ký được có nhiều hơn nhưng cũng chưa thể nói mạnh điều gì, do chưa thể khẳng định suy thoái kinh tế toàn cầu đã tới “đáy” hay chưa.

“Trong khi đó, thị trường tiêu thụ chính của sản phẩm dệt may Việt Nam vẫn là Mỹ. Riêng trong năm 2008, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này chiếm tới 56% tổng kim ngạch hàng dệt may xuất khẩu của toàn ngành (khoảng 5 tỉ USD)”, ông Dương dẫn ra.

Do vậy, ông Dương cho rằng con số tăng trưởng trên cũng chưa có gì đáng lạc quan vì hiện các nước cùng sản xuất như Việt Nam là Thái Lan, Philippine… vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, mà nếu xét về năng lực cạnh tranh thì các nước này còn có nhiều điểm mạnh hơn cả nước ta.

Theo thông tin mới nhất, do nhu cầu tiêu dùng tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi ở thị trường Hoa Kỳ, EU, nên kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong tháng 5 lại giảm 11% so với tháng 5/2008, tính chung 5 tháng chỉ đạt 3,24 tỷ USD, bằng 28% kế hoạch năm và giảm 2% so với cùng kỳ.

Vẫn lo thiếu nhân công

Tới thời điểm này, theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã ký hợp đồng tới hết quý 3/2009. Thậm chí, có doanh nghiệp còn phải san sẻ đơn hàng cho các đơn vị khác. Tuy nhiên, sức ép về giá cả và nhân công cũng đang khiến các doanh nghiệp chưa thực sự yên tâm.

Bà Phạm Thị Liễu, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh MSA - Hapro cho biết: hiện công ty đã có đơn hàng sản xuất đến hết tháng 8/2009, nhưng sản xuất trong tình hình này chỉ là tạo việc làm ổn định cho nhân công chứ doanh nghiệp thực sự không có lãi.

“Giá điện tăng đã khiến cho giá cả của các đầu vào khác như nước, bao bì… đều tăng thêm. Trong khi đó, nhiều đơn hàng giá phải giảm tới 30% để cạnh tranh”, chị chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Văn Đô, Tổng giám đốc công ty DHA, đơn vị chuyên may gia công cho quần áo trẻ em, người lớn theo các đơn hàng của các nhà bán lẻ Mỹ thì cho hay công ty này đã có được đơn hàng đến hết quý 3/2009.

Nhưng  khó khăn lớn nhất mà công ty đang phải đối mặt vẫn là vấn đề nhân công. Mức lương đạt khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, trong khi giá các mặt hàng tiêu dùng đang có chiều hướng tăng, đã khiến cho người lao động chưa thực sự chuyên tâm vào công việc. Điều này đã khiến cho thời gian qua trên 10% lao động của công ty đã chuyển sang làm những công việc khác.

Bà Liễu phân tích: làm trong các nhà máy xí nghiệp, người lao động được đóng bảo hiểm và được hưởng các chế độ chính sách khác theo quy định của Luật Lao động. Nhưng do đa phần là lao động trẻ nên họ không nhìn thấy những điều này mà chỉ so sánh với các công việc khác như chạy chợ, làm người giúp việc… hàng tháng họ vẫn có thể kiếm được khoản tiền tương đương nên đã không “mặn mà” với việc vào làm trong các nhà máy.

Thậm chí, có những trường hợp do thu nhập thấp, lại có con nhỏ nên đã nghỉ ở nhà để chăm sóc con cái thay vì đi làm và gửi con như trước đây. Những nguyên nhân trên đã khiến cho số lượng công nhân trong các xí nghiệp dệt may  thường xuyên có sự biến động. Lượng tuyển vào nhiều khi lại thấp hơn so với những người xin nghỉ việc.