11:08 03/01/2008

Xuất khẩu gạo cao cấp: Đường còn dài

Quang Trí

Chúng ta không nên lấy số lượng, mà nên lấy chất lượng để đánh giá thành quả xuất khẩu gạo

Có một điều đáng mừng là hiện nay có một số nông dân ý thức được rằng “không phải sản xuất lúa với bất cứ giá nào mà cần phải sản xuất đúng mục tiêu, đúng địa chỉ”.
Có một điều đáng mừng là hiện nay có một số nông dân ý thức được rằng “không phải sản xuất lúa với bất cứ giá nào mà cần phải sản xuất đúng mục tiêu, đúng địa chỉ”.
Kết thúc năm 2007, Việt Nam đã xuất khẩu 4,53 triệu tấn gạo, đạt hơn 1,4 tỷ USD, đứng hàng thứ hai trên thế giới (sau Thái Lan) và gạo của Việt Nam có mặt tại 80 nước trên thế giới.

Tuy nhiên, để tiến xa hơn nữa trên thị trường thế giới, gạo Việt Nam còn nhiều trở ngại, do chúng ta vẫn chỉ quanh quẩn ở những thị trường cấp trung và cấp thấp.

Năm 2007, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL đã đạt được thắng lợi lớn. Nếu như năm 2006, ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ bị rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá làm thất thu hơn 600 ngàn tấn lúa thì năm 2007, ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ thu hoạch tăng hơn năm 2006 là 700 ngàn tấn. Tổng sản lượng lúa của ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ là 20,5 triệu tấn, riêng ĐBSCL đã chiếm đến 18,7 triệu tấn.

Sản lượng gạo xuất khẩu giảm dần qua từng năm

Trong việc xuất khẩu gạo, nhiều năm liền, Việt Nam luôn giữ vị trí thứ hai trên thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào số lượng gạo xuất khẩu thì những năm qua sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm dần qua từng năm.

Nếu như năm 2005 Việt Nam xuất khẩu 5,2 triệu tấn gạo, năm 2006 là 4,65 triệu tấn thì năm 2007 sản lượng gạo xuất khẩu chỉ còn 4,53 triệu tấn gạo. Trong năm 2008, với chỉ tiêu xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo mà Chính phủ đưa ra là rất phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước, vấn đề bây giờ là sản lượng xuất khẩu ít thì phải nâng cao chất lượng gạo lên để công tác xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam cho biết: “Chúng ta không nên lo ngại vì sao số lượng gạo xuất khẩu giảm dần theo từng năm, vì đây là vấn đề điều hành của Chính phủ, dù sao an ninh lương thực trong nước phải được đặt lên hàng đầu. Vấn đề là trong bối cảnh phải điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu gạo thì các doanh nghiệp phải làm sao cho ngành xuất khẩu gạo trong nước có lợi hơn. Có nghĩa là cũng ngần ấy lượng gạo xuất khẩu nhưng làm cho giá trị xuất khẩu gạo ngày càng tốt hơn mới là quan trọng. Nếu xuất khẩu với số lượng lớn nhưng giá trị thấp thì cũng chưa phải là tốt”.

Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật miền Nam, có hai nguyên nhân làm giảm lượng gạo xuất khẩu. Thứ nhất, diện tích gieo trồng lúa trong 5 năm trở lại đây, cứ trung bình mỗi năm lại mất đi 70 ngàn ha, nguyên nhân là do chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp và đất nông nghiệp chuyển qua làm giao thông, làm nhà... để phục vụ công nghiệp. Nhưng trong 5 năm gần đây, sản lượng lúa của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng đều qua từng năm, mỗi năm sản lượng lúa tăng trung bình 600 - 700 ngàn tấn/năm.

Thứ hai, đó là tại nước ta thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt, hạn hán, cộng với sức ép tăng dân số khá lớn (trước đây dân số của Việt Nam chỉ 80 triệu người, hiện nay đã lên trên 84 triệu). Thêm vào đó là ĐBSCL vẫn trong giai đoạn bị rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá đe dọa. Do đó, Chính phủ phải xây dựng kế hoạch đầu năm cho thật an toàn và cân đối kế hoạch xuất khẩu gạo cho từng năm.

Tuy nhiên, chúng ta không nên lấy số lượng gạo xuất khẩu để tính, mà nên lấy chất lượng gạo xuất khẩu để đánh giá thành quả xuất khẩu gạo trong nước. Cho dù số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo đã tăng lên và thu nhập của bà con nông dân có cải thiện, đấy mới là điều quan trọng, hơn là lấy số lượng xuất khẩu làm tiêu chí.

Nếu như đầu vụ đông xuân năm 2006-2007, nông dân chỉ bán lúa giá 2.600-2.800 đ/kg thì hiện nay bà con đã bán với giá 3.600 - 3.650 đ/kg. Có được điều này là nhờ chất lượng hạt gạo Việt Nam đã cải thiện nên giá gạo xuất khẩu tăng lên. Càng ngày, chúng ta càng chú trọng đến tiêu chí chất lượng. Đây là một điều rất thành công trong xuất khẩu gạo của năm 2007.

Chỉ là thị trường gạo cấp trung và cấp thấp

Trong cơ cấu thị trường hiện nay, mặt hàng gạo trắng vẫn chiếm ưu thế. Hiện gạo trắng Việt Nam đang là đối thủ cạnh tranh của gạo cấp trung và cấp thấp của Thái Lan. Chất lượng gạo cấp thấp của Việt Nam hơn hẳn chất lượng gạo cấp thấp của Thái Lan, cho nên giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có lúc đuổi kịp và vượt qua gạo Thái Lan. Do vậy, sắp tới nhu cầu của Việt Nam đối với các mặt hàng này là chính, bên cạnh đó chúng ta cũng có những mặt hàng gạo tiềm năng như: gạo thơm Jasmine, nếp hay các loại gạo đặc sản.

Có một điều đáng mừng là hiện nay có một số nông dân ý thức được rằng “không phải sản xuất lúa với bất cứ giá nào mà cần phải sản xuất đúng mục tiêu, đúng địa chỉ”. Mặc dù số nông dân này chưa nhiều lắm, nhưng nên xem đây là thành tựu lớn và từ những nhân tố này chúng ta sẽ dần nhân rộng ra. Ngoài ra, khâu cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL ngày càng hoàn thiện hơn. Năm 2008, ngành sản xuất lúa gạo trong nước sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu lớn.

GS.TS. Bùi Chí Bửu cho rằng, khi xác định bộ giống lúa cho từng vùng, có những vùng chúng ta phát triển những giống lúa phẩm chất không cao lắm, như IR 50404 có tính kháng rầy tốt và đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu gạo cấp thấp. Tuy nhiên, chúng ta không chủ trương nhân rộng giống lúa này mặc dù đó là giống lúa có tính kháng rầy nâu rất cao so với các giống lúa khác.

Điều đáng lo là nếu như trong năm 2005 - 2006, lượng giống xác nhận trong sản xuất đạt xấp xỉ 30%, thì năm 2007 đã giảm và chúng ta không chủ động được giống, nông dân phải tự trữ nên số lượng giống xác nhận đưa ra sản xuất chỉ đạt khoảng 20%. Có lẽ trong năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các nhà khoa học cần rút kinh nghiệm cho vấn đề này.

Cần xác định mục đích, Việt Nam xuất khẩu gạo để thu về ngoại tệ hay xuất khẩu gạo để giữ vững vị trí là nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới? Thật ra chúng ta xuất khẩu chỉ là phương tiện để điều tiết giá cả trong nước, mục tiêu chính vẫn là phát triển sản xuất nông nghiệp để nâng dần đời sống của bà con nông dân, trước mắt xuất khẩu là thu ngoại tệ tạo tiềm lực cho đất nước.

Trong điều kiện giá phân bón, xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao như hiện nay, giá thành trung bình mỗi kg lúa 1.500 đ/kg, năng suất lúa bình quân ở ĐBSCL là 10 tấn/ha/năm, giá bán trung bình 3.000 đ/kg, 10 tấn lúa lãi được 7,5 triệu đồng, bình quân ruộng đất trên một nông hộ ở ĐBSCL hiện nay chỉ còn 0,5 ha/hộ, chỉ còn 7,5 triệu với 6 nhân khẩu/nông hộ, thì thu nhập của nông dân trồng lúa rất thấp.

Như vậy, để gạo Việt Nam có mặt ở thị trường cao cấp và cũng để nâng dần đời sống của đại bộ phận nông dân trồng lúa, tuy ngành chức năng đã có biện pháp, nhưng từ tư duy đến hiện thực là cả một con đường còn rất dài.