10:35 05/09/2008

Xuất khẩu: Giá và thị trường vẫn thuận

Thùy Trang

Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu của Việt Nam năm nay sẽ đạt khoảng 62-63 tỷ USD, tăng xấp xỉ 30% so với năm 2007

Chế biến thủy sản xuất khẩu.
Chế biến thủy sản xuất khẩu.
Các yếu tố tác động đến xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi, xét về cả thị trường xuất khẩu chủ yếu và giá hàng hoá xuất khẩu.

8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 43,3 tỷ USD, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 28%. Đây là chiều hướng thuận lợi cho cán cân thương mại.

Về giá các mặt hàng xuất khẩu, theo đánh giá và dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), giá các mặt hàng năng lượng và phi năng lượng đều có xu hướng tăng mạnh trong năm 2008.

Cụ thể, giá dầu thô trong thời gian qua liên tục lập những mức kỷ lục mới và duy trì ở mức cao. Mặc dù đang có dấu hiệu lắng dịu, nhưng theo nhiều nhà phân tích, giá dầu thế giới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong các tháng cuối năm 2008.

Các thị trường chính

Mức tăng giá của các mặt hàng phi năng lượng, trong đó đáng kể là mức tăng giá của sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm và nguyên liệu thô, cũng là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như gạo, hạt điều, cà phê, chè... được dự báo sẽ có mức tăng kim ngạch xuất khẩu lớn.

Về thị trường xuất khẩu, trong 8 tháng đầu năm, cơ cấu xuất khẩu hàng hoá theo thị trường có sự thay đổi, ASEAN trở thành đối tác lớn nhất và đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Mỹ và EU có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn tốc độ tăng trưởng chung, lần lượt xếp ở vị trí thứ hai và thứ ba về kim ngạch.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, Mỹ sẽ tiếp tục khẳng định vị thế là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất đối với hàng hoá Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chính vẫn là dệt may, giày dép, dầu thô, thuỷ sản, đồ gỗ, cà phê, điều, điện tử...

Hiện tại, Mỹ đang xem xét việc cấp quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam và nếu việc này được thông qua vào cuối năm 2008, xuất khẩu sang Mỹ dự báo sẽ có bước tăng trưởng đáng kể. Khi đó, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ có thể đạt trên 13 tỷ USD (tăng trên 28% so với năm 2007).

EU được dự báo cũng sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Hiện nay, EU đang triển khai việc xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, theo đó các hoạt động trao đổi thương mại giữa Việt nam và thị trường này đã và sẽ thuận lợi hơn.

Mặc dù nhiều nền kinh tế trong EU đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và hiện tại EU đang áp dụng một số biện pháp hạn chế thương mại đối với một số mặt hàng, như: thuế chống bán phá giá đối với giày mũi da, cắt giảm ưu đãi thuế quan phổ cập đối với một số mặt hàng...

Bên cạnh đó, hàng hoá Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng hoá của những nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia... Nhưng các chuyên gia vẫn dự báo kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này vẫn sẽ đạt mức tăng 23-24% trong năm 2008, đạt khoảng 11-11,5 tỷ USD.

Các mặt hàng có thế mạnh và có mức tăng trưởng xuất khẩu cao vào thị trường EU là dệt may, thuỷ sản, hàng tạp phẩm, sản phẩm nhựa, linh kiện điện tử và vi tính, thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ.

Thị trường Nhật Bản được dự báo cũng tiếp tục thuận lợi với kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam có thể lên đến 6,5-7 tỷ USD, tăng 14-15% so với năm 2007.

Kim ngạch tăng 30%

Như vậy, căn cứ vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 8 tháng đầu năm và đánh giá những mặt thuận lợi đối với xuất khẩu, các chuyên gia dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt khoảng 62-63 tỷ USD, tăng xấp xỉ 30% so với năm 2007 (cao hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra là từ 20-22%).

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng giá cả các mặt hàng thế giới có xu hướng biến động giảm. Ngoài ra, kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế Mỹ đang trong đà suy giảm, cũng ảnh hưởng tiêu cực tới cầu nhập khẩu của các nước này, kéo theo đó là đà suy giảm tăng trưởng thương mại toàn cầu (dự báo năm 2008 trao đổi thương mại toàn cầu chỉ tăng 4,5%, thấp hơn so với mức 5,5% năm 2007 và 8,6% năm 2006).

Khi đó, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2008 có thể sẽ đạt mức thấp hơn, vào khoảng 60-61 tỷ USD, tăng 24-26% so với năm 2007.