09:25 16/10/2007

Xuất khẩu lao động sang Brunei: Những điểm đáng lưu ý

Dũng Hiếu

Phỏng vấn ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Người lao động xuất khẩu làm thủ tục tại sân bay.
Người lao động xuất khẩu làm thủ tục tại sân bay.
Phỏng vấn ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Hiện nay người dân rất quan tâm đến việc làm ở Brunei. Ông nhận định thế nào về thị trường này?

Nằm ở phía Bắc đảo Borneo thuộc Đông Nam Á, Brunei có diện tích 5.765km2, một bên giáp biển, một bên giáp bang Sarawak của Malaysia. Có 4 tỉnh, thành: Brunei Muara, Tutong, Belait and Temburong; thủ đô Bandar Seri. Dân số: 357.780 người (năm 2004), trong đó tỉ lệ người gốc Malaysia 67%, người gốc Hoa 15%, người bản xứ 6%, khác 12%.

Đạo Hồi là tôn giáo chính, chiếm 67%, Phật giáo 13%, Thiên chúa giáo 10%, các đạo khác 10%. Ngôn ngữ chính của Brunei là tiếng Malaysia, cùng với tiếng Anh và tiếng Hoa. Khí hậu của Brunei không khác mấy so với Việt Nam và Malaysia, nhiệt độ bình quân từ 23OC-32OC. Brunei là thành viên của khối Asean, hiện đứng thứ hai trong khối Asean sau Singapore.

Công nghiệp khai khoáng, xây dựng, may mặc, dịch vụ ... là các ngành kinh tế trọng yếu, do dân số ít nhưng tỷ lệ tăng dân số tự nhiện lại rất nhỏ trong khi nhịp độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, thiếu hụt lực lượng lao động trong các ngành công nghiệp như là một tất yếu... Brunei là thị trường nhiều tiềm năng, phù hợp với lao động phổ thông của Việt Nam, trong tương lai có thể tiếp nhận hàng chục ngàn lao động Việt Nam.

Là thị trường mới khai thông nên rất hấp dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, nhưng đã xuất hiện cạnh tranh gay gắt, thiếu lành mạnh. Thưa ông, cần phải làm gì để trong tương lai, đây là thị trường tiềm năng của Việt Nam?

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có đoàn công tác đi thị sát tại thị trường Brunei nhằm nắm bắt tình hình thức tế để chấn chỉnh, khắc phục một số vấn đề đang phát sinh tại thị trường này sau khi khai thông từ đầu năm 2007 đến nay.

Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có Công văn số 1510/QLLĐNN-TTLĐ về việc hướng dẫn các điều kiện đưa lao động sang thị trường Brunei. Theo đó, yêu cầu các doanh nghiệp khảo sát kỹ các điều kiện làm việc, ăn ở, mức thu nhập thực tế của người lao động, tìm hiểu kỹ về đối tác.

Cục sẽ không thẩm định các hợp đồng với các đối tác hoặc chủ sử dụng đã phát hiện thấy có hiện tượng không thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng với người lao động. Đặc biệt, khi cung ứng lao động xây dựng, các doanh nghiệp phải khảo sát kỹ khả năng bảo đảm việc làm ổn định và khả năng trả lương đúng hạn của chủ sử dụng.

Các doanh nghiệp phải trực tiếp thực hiện đào tạo-giáo dục định hướng tập trung cho người lao động trước khi xuất cảnh, trong đó đặc biệt coi trọng việc dạy ngoại ngữ và phổ biến phong tục, tập quán của Brunei cho người lao động, kiên quyết không đưa những lao động thiếu ý thức kỷ luật sang thị trường này.

Các doanh nghiệp đưa được trên 100 người phải cử cán bộ sang quản lý lao động. Trường hợp số lượng lao động chưa tới 100, các doanh nghiệp phải phối hợp để cử 1 cán bộ đại diện sang quản lý lao động và cung cấp đủ thông tin, giao đủ thẩm quyền cho đại diện đó. Việc cử cán bộ đại diện cần báo cáo Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei và Cục Quản lý lao động nước ngoài.

Nhưng thưa ông, thông tin cho biết một số doanh nghiệp đưa lao động sang Brunei làm việc với chi phí rất cao (trên 50 triệu đồng)?

Đúng như vậy. Do đó, trong Công văn số 1510/QLLĐNN-TTLĐ cũng quy định rõ điều kiện trong hợp đồng. Theo đó, chi phí đặt cọc cho Chính phủ Brunei khi người sử dụng lao động làm thủ tục xin giấy phép tuyển dụng lao động nước ngoài do chủ sử dụng lao động chịu (hiện nay đang là 900 Đôla Bruney (B$) đối với lao động Việt Nam và 600B$ đối với một số nước khác).

Trường hợp chủ sử dụng lao động trả tiền lương cho người lao động cao, các điều kiện khác tốt và yêu cầu người lao động nộp 300B$, doanh nghiệp phải báo cáo Cục Quản lý lao động nước ngoài để xem xét cụ thể và chỉ được phép thực hiện khi có sự đồng ý của Cục.

Giờ làm việc: 8 giờ/ngày, 6 ngày/tuần, làm thêm giờ được hưởng tiền làm thêm theo quy định của Chính phủ Brunei; chỗ ở cho người lao động được chủ sử dụng lao động cung cấp miễn phí; phí dịch vụ cho doanh nghiệp Việt Nam: thực hiện theo quy định của pháp luật.

Xin ông cho biết điều kiện cụ thể đối với từng ngành nghề mà Brunei cần, đặc biệt lao động giúp việc trong gia đình?

Đối với lao động xây dựng: mức lương cơ bản đối với lao động không nghề không thấp hơn 16B$/ngày (1B$ tương đương 10.000 VND); đối với lao động có nghề không thấp hơn 18B$/ngày; phí môi giới không quá 350 USD/người/hợp đồng 2 năm. Người lao động được chủ sử dụng cung cấp miễn phí trang thiết bị, vật dụng xây dựng và bảo hộ lao động.

Lao động nghề may: mức lương cơ bản không thấp hơn 250B$/tháng; phí môi giới không quá 250 USD/người hợp đồng 2 năm.

Lao động dịch vụ: làm các nghề không thuộc danh mục cấm; mức lương cơ bản không thấp hơn 300B$/tháng; phí môi giới không quá 300 USD/người.

Lao động nông nghiệp: mức lương cơ bản không thấp hơn 300B$/tháng; phí môi giới không quá 250 USD/người.

Lao động giúp việc gia đình: mức lương cơ bản không thấp hơn 300B$/tháng; phí môi giới không quá 300 USD/tháng. Ngoài ra, người lao động trong các nghề may, dịch vụ, nông nghiệp và giúp việc gia đình còn được chủ sử dụng cung cấp 3 bữa ăn miễn phí hoặc trợ cấp tiền ăn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động chú ý, việc đưa lao động đi làm việc trong các gia đình tại Brunei chỉ được thực hiện khi có ý kiến bằng văn bản của Cục Quản lý lao động nước ngoài.