11:39 20/06/2007

Xuất khẩu lao động sang thị trường mới: Doanh nghiệp “chùn chân”

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động hăm hở đi tìm thị trường mới đã phải thất vọng vì mất cả công sức và tiền bạc

Các thị trường mới thường đặt ra những tiêu chuẩn rất khắt khe đối với lao động.
Các thị trường mới thường đặt ra những tiêu chuẩn rất khắt khe đối với lao động.
Thông tin về thị trường lao động Mỹ gần đây trầm lắng hẳn khi hai doanh nghiệp được thí điểm đưa lao động sang thị trường này là Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Trung tâm Xuất khẩu lao động (thuộc Công ty Cung ứng vật tư thiết bị đường sắt - Virasimex) gần như rút khỏi thị trường.

Lý do là, lao động không có thị thực nhập cảnh (visa). Trong khi đó, mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại tiếp tục cho phép Công ty Cổ phần Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại Sông Đà (SIMCO) thực hiện công việc này.

Trong bối cảnh một số thị trường lao động có thu nhập cao, như Canada, Australia... đang mất nhiều thời gian khởi động, thì điều này cho thấy, cơ hội vẫn còn cho nhiều lao động và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đặt chân được vào những thị trường trên, đòi hỏi các quy trình phải được thực hiện bài bản, chứ không thể “ăn đong” như với những thị trường khác.

Trao đổi với báo giới ông Chu Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SIMCO cho biết, SIMCO đang thực hiện hợp đồng đưa 200 lao động sang Mỹ làm việc trong nhà máy chế biến thực phẩm. Điều mà SIMCO chắc chắn ở hợp đồng này là đối tác sẽ hoàn tất các thủ tục đưa lao động sang, khi lao động chính thức có visa mới phải trả các khoản phí theo quy định. Do vậy, ở hợp đồng này, doanh nghiệp sẽ ứng trước để chi một số khoản cho người lao động.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có được đối tác tốt như SIMCO. Thông thường, những hợp đồng vào các thị trường mới này đều đến từ các đối tác mới. Các đối tác mới thường yêu cầu doanh nghiệp phải trả các loại phí theo quy trình: tiền đặt cọc, tiền phí khi lấy được giấy phép lao động và thanh toán hết các khoản khi người lao động có được visa. Các cấp độ thanh toán này mang lại cho doanh nghiệp không ít rủi ro, bởi ngay cả khi có được giấy phép lao động, người lao động cũng chưa chắc có được visa.

Do vậy, không ít doanh nghiệp phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi người lao động không đi được vì không có visa, doanh nghiệp phải hoàn trả lại toàn bộ các khoản thu cho lao động và mất khoản phí xin giấy phép lao động đã trả cho đối tác và không ít các khoản chi khác để có được hợp đồng.

Rủi ro khi khai thác các thị trường mới khiến doanh nghiệp phải “đi nhẹ, nói khẽ”. Thị trường Australia hiện nay cũng đang có 5 - 6 doanh nghiệp tham gia thí điểm khai thác, nhưng không nhiều doanh nghiệp khẳng định về mục tiêu đưa bao nhiêu lao động sang làm việc tại thị trường này.

Ông Dương Thanh Hải, chuyên viên tuyển dụng lao động chi nhánh Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động và Dịch vụ vận tải thủy miền Nam (SELACO) tại Hà Nội cho biết, doanh nghiệp này đang tuyển lao động sang thị trường Australia, nhưng do yêu cầu ngoại ngữ và trình độ tay nghề tại thị trường này rất cao, nên doanh nghiệp rất kỹ lưỡng trong khâu tuyển dụng. Nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp chấp nhận đầu tư, chỉ cần có được lao động đi là đã thành công, chưa tính tới chuyện số lượng bao nhiêu.

Những thị trường thu nhập cao thường có yêu cầu khắt khe về trình độ lao động, như tay nghề phải được hệ thống giáo dục của nước nơi lao động tới làm việc chấp nhận, ngoại ngữ phải đạt trình độ tối thiểu có thể giao tiếp được... Điều này khiến việc tuyển dụng lao động trở nên rất khó khăn, bởi những lao động đã đạt trình độ về tay nghề và ngoại ngữ cao, đáp ứng được yêu cầu, đều đã có công việc ổn định trong nước với thu nhập khá.

Đã có không ít bài học kinh nghiệm về chuyện doanh nghiệp xuất khẩu lao động đầu tư không hiệu quả cho thị trường mới. Đó là còn chưa kể, một số doanh nghiệp non kinh nghiệm hăm hở đi tìm thị trường mới và bị đối tác lừa mất tiền. Với mỗi thị trường mới, doanh nghiệp không chỉ phải chi ra hàng trăm ngàn USD, mà còn tốn kém nhiều công sức và sự kỳ vọng, nhưng không phải lúc nào cũng toại nguyện.

Điều này đã lấy đi “nhiệt huyết” của không ít doanh nghiệp và có lẽ cũng phần nào giúp lý giải vì sao trong 6 tháng đầu năm nay, việc đưa lao động sang các thị trường mới tiêu tốn quá nhiều thời gian để khởi động, mà chưa có hiệu quả cụ thể.