Xuất khẩu lao động thời vụ không là “chiếc bánh ngọt”
Thiếu bài bản trong tạo nguồn khiến nhiều doanh nghiệp thất bại trong việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc thời vụ
Thất bại của một số doanh nghiệp trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thời vụ 2, 3 tháng chứng tỏ việc làm thời vụ ở nước ngoài không hề là "chiếc bánh ngọt", "dễ ăn" như doanh nghiệp vẫn quảng cáo.
Phần lớn hợp đồng thiếu chặt chẽ
Tháng 7/2009, được sự cho phép của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Công ty Cổ phần Xuất khẩu lao động, Thương mại và Dịch vụ TTLC đã thí điểm đưa lao động sang Thụy Điển làm thời vụ (mùa nào việc ấy), công việc cụ thể của đơn hàng này là hái dâu trong vòng 2 tháng.
Nhiều lao động trở về từ thị trường này kể với VnEconomy rằng, trước lúc đi, doanh nghiệp “quảng cáo” sau 2 tháng làm việc, trừ hết chi phí tối thiểu người lao động cũng mang về 40 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế họ đã làm không công trong vòng 2 tháng đó, thậm chí bị “lỗ vốn” vì hợp đồng thiếu rõ ràng.
Cụ thể, để được sang Thụy Điển làm việc, họ đã bỏ ra gần 2.000 USD với một bản hợp đồng quá sơ sài. Trong hợp đồng không đề cập đến thời gian làm việc cũng như thu nhập thực tế. Chỉ đến khi sang Thụy Điển lao động mới biết rằng, công việc của họ sang đây để hái dâu rừng, nhưng lại yêu cầu sản lượng 60kg/ngày (Trước lúc đi họ nghĩ là hái dâu ở nông trường, trang trại).
Người lao động đã không hề được tư vấn, khuyến cáo nên cũng không biết là để hái được từng đó sản lượng cho một ngày là rất khó khăn. “Chúng tôi đã phải làm việc từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm vẫn không đạt năng suất. Sau khi khấu trừ các chi phí ăn, ở, xăng xe đi lại vẫn không sao đủ vốn đã bỏ ra”, một lao động nói.
Trước đó, cũng đã có doanh nghiệp trong lĩnh vực này thất bại với hợp đồng hái táo ở Phần Lan mà nguyên nhân là trong hợp đồng không nói rõ lao động phải chịu chi phí vé máy bay khứ hồi, đồng phục và một số dụng cụ lao động phục vụ cho công việc.
Trả lời về vấn đề này, đại diện phía doanh nghiệp, bà Trần Thị Thu Hương, phụ trách phòng Đông Âu, Công ty Cổ phần Xuất khẩu lao động, Thương mại và Dịch vụ TTLC thừa nhận có những người sau 2 tháng làm việc chỉ được 1 - 2 triệu đồng, tuy nhiên có khoảng 50% lao động đi là hòa vốn. Nguyên nhân theo bà Hương là do lao động đã không nhận thức rõ về công việc trước khi đi, họ cứ nghe thấy Thụy Điển là “lao” đi mà không nghĩ rằng lao động thời vụ cũng rất vất vả.
Tuy nhiên, theo giám đốc một doanh nghiệp khá tên tuổi trong lĩnh vực này thì việc làm thời vụ tại nước ngoài chỉ phù hợp với lao động các vùng lân cận, đi lại dễ dàng, không mất phí visa và vận chuyển.
Ngoài ra, thiếu kinh nghiệm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong xuất khẩu lao động theo hình thức này.
Cần tuyển đúng người, đúng việc
Trao đổi với VnEconomy, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, cái sai lớn nhất của doanh nghiệp ở đây là đã tuyển không đúng người, đúng việc. Theo ông Hải, thay vì tạo nguồn bài bản, tuyển lao động làm nông nghiệp cho các đơn hàng hái dâu, hái táo thì doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước đã tuyển phần lớn là người quen, người nhà, chủ yếu là dân thành phố cho các đơn hàng này. “Chẳng ai lại tuyển lao động “đường nhựa” đi hái dâu cả”, ông Hải nói.
Ông Hải lấy dẫn chứng tại sao cũng đơn hàng ấy nhưng lao động Thái Lan, Indonesia… làm rất tốt, hàng ngày họ đều hái đủ sản lượng theo yêu cầu. Theo ông Hải thì vấn đề chính ở đây vẫn là ý thức của người lao động bởi chẳng có công việc nhàn hạ nào mà kiếm được nhiều tiền cả.
Trong khi đó, một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, xuất khẩu lao động thời vụ (làm việc với thời gian ngắn khoảng 2, 3 tháng) sang làm việc ở một số thị trường như hái dâu ở Thụy Điển, hái nho, táo ở Phần Lan, hái nấm ở Canada… được đánh giá là tiềm năng nếu doanh nghiệp biết cách khai thác bài bản.
Đây là công việc phổ thông, không yêu cầu tay nghề, bất cứ lao động nông thôn nào có ý thức và sức khỏe đều làm rất tốt. Những đơn hàng này không chỉ giải quyết được việc làm thời vụ cho lao động nhàn rỗi mà còn mang lại một nguồn thu đáng kể cho lao động.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, hình thức lao động này cũng chứa đựng một số rủi ro nhất định. Thứ nhất, những hợp đồng thời vụ mặc dù đã được nhiều nước triển khai rất thành công nhưng đối với Việt Nam mới chỉ mang tính chất thí điểm nên về mặt pháp lý chưa có quy định chặt chẽ.
Thứ hai, doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm đối với những đơn hàng này, đã dẫn đến việc thiếu bài bản trong khâu tạo nguồn cũng như thẩm định hợp đồng. Vì thế, khi xảy ra sự cố, cả doanh nghiệp và lao động đều bị thiệt.
Phần lớn hợp đồng thiếu chặt chẽ
Tháng 7/2009, được sự cho phép của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Công ty Cổ phần Xuất khẩu lao động, Thương mại và Dịch vụ TTLC đã thí điểm đưa lao động sang Thụy Điển làm thời vụ (mùa nào việc ấy), công việc cụ thể của đơn hàng này là hái dâu trong vòng 2 tháng.
Nhiều lao động trở về từ thị trường này kể với VnEconomy rằng, trước lúc đi, doanh nghiệp “quảng cáo” sau 2 tháng làm việc, trừ hết chi phí tối thiểu người lao động cũng mang về 40 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế họ đã làm không công trong vòng 2 tháng đó, thậm chí bị “lỗ vốn” vì hợp đồng thiếu rõ ràng.
Cụ thể, để được sang Thụy Điển làm việc, họ đã bỏ ra gần 2.000 USD với một bản hợp đồng quá sơ sài. Trong hợp đồng không đề cập đến thời gian làm việc cũng như thu nhập thực tế. Chỉ đến khi sang Thụy Điển lao động mới biết rằng, công việc của họ sang đây để hái dâu rừng, nhưng lại yêu cầu sản lượng 60kg/ngày (Trước lúc đi họ nghĩ là hái dâu ở nông trường, trang trại).
Người lao động đã không hề được tư vấn, khuyến cáo nên cũng không biết là để hái được từng đó sản lượng cho một ngày là rất khó khăn. “Chúng tôi đã phải làm việc từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm vẫn không đạt năng suất. Sau khi khấu trừ các chi phí ăn, ở, xăng xe đi lại vẫn không sao đủ vốn đã bỏ ra”, một lao động nói.
Trước đó, cũng đã có doanh nghiệp trong lĩnh vực này thất bại với hợp đồng hái táo ở Phần Lan mà nguyên nhân là trong hợp đồng không nói rõ lao động phải chịu chi phí vé máy bay khứ hồi, đồng phục và một số dụng cụ lao động phục vụ cho công việc.
Trả lời về vấn đề này, đại diện phía doanh nghiệp, bà Trần Thị Thu Hương, phụ trách phòng Đông Âu, Công ty Cổ phần Xuất khẩu lao động, Thương mại và Dịch vụ TTLC thừa nhận có những người sau 2 tháng làm việc chỉ được 1 - 2 triệu đồng, tuy nhiên có khoảng 50% lao động đi là hòa vốn. Nguyên nhân theo bà Hương là do lao động đã không nhận thức rõ về công việc trước khi đi, họ cứ nghe thấy Thụy Điển là “lao” đi mà không nghĩ rằng lao động thời vụ cũng rất vất vả.
Tuy nhiên, theo giám đốc một doanh nghiệp khá tên tuổi trong lĩnh vực này thì việc làm thời vụ tại nước ngoài chỉ phù hợp với lao động các vùng lân cận, đi lại dễ dàng, không mất phí visa và vận chuyển.
Ngoài ra, thiếu kinh nghiệm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong xuất khẩu lao động theo hình thức này.
Cần tuyển đúng người, đúng việc
Trao đổi với VnEconomy, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, cái sai lớn nhất của doanh nghiệp ở đây là đã tuyển không đúng người, đúng việc. Theo ông Hải, thay vì tạo nguồn bài bản, tuyển lao động làm nông nghiệp cho các đơn hàng hái dâu, hái táo thì doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước đã tuyển phần lớn là người quen, người nhà, chủ yếu là dân thành phố cho các đơn hàng này. “Chẳng ai lại tuyển lao động “đường nhựa” đi hái dâu cả”, ông Hải nói.
Ông Hải lấy dẫn chứng tại sao cũng đơn hàng ấy nhưng lao động Thái Lan, Indonesia… làm rất tốt, hàng ngày họ đều hái đủ sản lượng theo yêu cầu. Theo ông Hải thì vấn đề chính ở đây vẫn là ý thức của người lao động bởi chẳng có công việc nhàn hạ nào mà kiếm được nhiều tiền cả.
Trong khi đó, một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, xuất khẩu lao động thời vụ (làm việc với thời gian ngắn khoảng 2, 3 tháng) sang làm việc ở một số thị trường như hái dâu ở Thụy Điển, hái nho, táo ở Phần Lan, hái nấm ở Canada… được đánh giá là tiềm năng nếu doanh nghiệp biết cách khai thác bài bản.
Đây là công việc phổ thông, không yêu cầu tay nghề, bất cứ lao động nông thôn nào có ý thức và sức khỏe đều làm rất tốt. Những đơn hàng này không chỉ giải quyết được việc làm thời vụ cho lao động nhàn rỗi mà còn mang lại một nguồn thu đáng kể cho lao động.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, hình thức lao động này cũng chứa đựng một số rủi ro nhất định. Thứ nhất, những hợp đồng thời vụ mặc dù đã được nhiều nước triển khai rất thành công nhưng đối với Việt Nam mới chỉ mang tính chất thí điểm nên về mặt pháp lý chưa có quy định chặt chẽ.
Thứ hai, doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm đối với những đơn hàng này, đã dẫn đến việc thiếu bài bản trong khâu tạo nguồn cũng như thẩm định hợp đồng. Vì thế, khi xảy ra sự cố, cả doanh nghiệp và lao động đều bị thiệt.