06:42 13/06/2007

Xuất khẩu lao động: Vì sao thị trường Trung Đông kém hấp dẫn?

Quỳnh Lam

Sang làm việc ở Trung Đông vẫn được người lao động coi là lựa chọn thứ hai, thứ ba sau Hàn Quốc, Đài Loan

Người lao động đang chờ làm thủ tục sang Trung Đông làm việc - Ảnh: TP.
Người lao động đang chờ làm thủ tục sang Trung Đông làm việc - Ảnh: TP.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội), hiện Việt Nam có hơn 7.000 lao động đang làm việc tại Trung Đông. Tuy nhiên, với một thị trường mớI, được đánh giá nhiều tiềm năng, thì con số trên chưa phải là nhiều.

Nhiều ưu điểm vẫn kém "nhiệt"

Theo các chuyên gia xuất khẩu lao động, Trung Đông được ví như thị trường "bình dân", tương đối phù hợp với lao động Việt Nam. Thị trường này có nhu cầu lao động lớn và yêu cầu tuyển dụng không quá cao. Bên cạnh đó, chi phí để người lao động có thể sang được Trung Đông làm việc thấp hơn nhiều so với thị trường Úc, Nhật Bản, Canada…

Thị trường Trung Đông còn có một ưu điểm nữa là ở chế độ đãi ngộ của Chính phủ. Đây là khu vực theo đạo hồI, luật lệ khắt khe, sự kiểm soát của các cơ quan quản lý lao động cũng tương đối chặt chẽ. Vì thế, lao động ở thị trường này luôn được đối xử công bằng.

Thế nhưng, hiện đang tồn tại nghịch lý: người lao động chưa "mặn mà" với thị trường này. Sang làm việc ở Trung Đông vẫn được người lao động coi là lựa chọn thứ hai, thứ ba sau Hàn Quốc, Đài Loan…

Theo ông Nguyễn Huy Tùng, cán bộ tạo nguồn công ty xuất khẩu lao động TTLC, lao động Việt Nam "không khoái" đi Trung Đông vì mang tâm lý sợ khu vực này thời tiết nắng nóng, phong tục tập quán khắt khe, chiến tranh...

Làm gì để tăng tốc?

Thực tế, thu nhập của lao động ở Trung Đông không thấp, ông Nguyễn Xuân Vui, Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động Airserco, khẳng định.

Lương tối thiểu ở Trung Đông với lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề chỉ đạt được mức trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thu nhập sẽ được tăng lên gấp hai, ba lần nếu lao động có tay nghề vững. Cụ thể thu nhập bình quân của công nhân xây dựng Việt Nam ở Trung Đông khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng, kỹ sư khoảng 1.000 USD, và lao động sẽ không phải đóng bất kỳ khoản thuế nào.

Về điều kiện sống, làm việc, mặc dù ở Trung Đông thời tiết rất khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng kéo dài, nhiệt độ có nơi lên đến 45 đC, nhưng lao động ở đây được sống chung trong một khu ký túc xá, có đầy đủ trang thiết bị, có điều hoà nhiệt độ. Hàng ngày, anh em được ôtô đón từ nơi ở đến nơi làm việc miễn phí. Những nơi có nhiệt độ quá nóng thì giờ giấc làm việc cũng được quy định riêng, không làm việc vào giờ cao điểm nóng.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nguyễn Thanh Hòa, một trong những người có công khai phá thị trường Trung Đông cho biết, nhu cầu lao động phổ thông và các chuyên gia tạI Trung Đông rất lớn. Tuy nhiên, lao động Việt Nam vẫn bị hạn chế về sức khoẻ, ngoại ngữ, dẫn đến thu nhập thấp hơn lao động một số nước như Indonexia, Philippin… Vì thế, để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế, đòi hỏi phải có một nguồn lao động cao cả về trình độ tay nghề lẫn thể chất.

Về lâu dài, chúng ta cần hợp tác với các nhà đầu tư vùng Vịnh xây dựng các trường dạy nghề tại Việt Nam để cung cấp lao động đã qua đào tạo nghề, phù hợp với yêu cầu của thị trường khu vực.

Thứ trưởng Hoà cho rằng, sau khi đã khắc phục được những hạn chế của mình, lao động Việt Nam sẽ tự tin hơn, họ có thể đưa ra những yêu cầu về lương, điều kiện làm việc. Khi lao động có tay nghề cao, thu nhập của người lao động cũng được tăng lên, lúc đấy, thị trường sẽ trở nên hấp dẫn.