16:51 19/12/2007

Xuất khẩu lao động: “Xóa sổ” thị trường Malaysia?

Quỳnh Lam

Là thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, nhưng gần đây Malaysia đã không còn được người lao động “mặn mà”

Nhiều doanh nghiệp đã phải rút mục tiêu xuất khẩu lao động sang Malaysia xuống 1/3 so với năm 2007.
Nhiều doanh nghiệp đã phải rút mục tiêu xuất khẩu lao động sang Malaysia xuống 1/3 so với năm 2007.
Là thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, nhưng gần đây Malaysia đã không còn được người lao động “mặn mà”.

Qua rồi thời vàng son


Malaysia đã từng được xem là thị trường “vàng” của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam bởi điều kiện tiếp nhận lao động khá dễ dàng, chi phí lao động phải bỏ ra ban đầu thấp. Vì thế, con số mà mỗi doanh nghiệp xuất khẩu lên đến hàng nghìn người/năm.

Tuy nhiên, theo thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những tháng gần đây, số lao động đăng ký đi Malaysia đã giảm một cách đáng kể.

Mỗi doanh nghiệp chỉ có thể xuất được vài trăm, vài chục lao động, thậm chí nhiều doanh nghiệp nhỏ đã không xuất được một lao động nào. “Nếu tình trạng này còn kéo dài thì chúng tôi đành phải bỏ thị trường này vì không đủ chi phí tạo nguồn và các chi phí khác”, giám đốc một trung tâm xuất khẩu chia sẻ.

Ông Nguyễn Thiện Mỹ, Giám đốc Công ty Cổ phần Simco Sông Đà cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thị trường Malaysia không thu hút được lao động Việt Nam chính là mức lương quá thấp so với mức chi phí mà người lao động phải chi trả.

Mặc dù mức lương tối thiểu mà người lao động ký với chủ sử dụng lao động đều đúng với cam kết và phù hợp với luật lao động, nhưng nó lại không hợp lý với cuộc sống của người lao động.

Ông Mỹ tính toán, mức lương tối thiểu của Malaysia hiện tại là 494.000 RM/tháng (tương đương với 2.180.000 VND), trong khi đó, người lao động phải chi trả: 100.000 RM (400.000 VND) tiền thuế thu nhập, tiền ăn mỗi tháng 100.000 RM nữa…, như vậy, số tiền mà người lao động còn lại không đáng là bao, đó là còn chưa kể đến các khoản chi phí phụ khác.

Chị Nguyễn Thị Tình (Hà Nội), một lao động đã từng làm việc tại Malaysia cho biết, với 36 tháng làm việc tại Malaysia, chị chỉ có thể tiết kiệm được 40 triệu đồng. Sau khi đã trừ phí môi giới cho doanh nghiệp, chị còn lại được hơn 20 triệu đồng… “Số tiền đó chưa đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo, vì thế có thể hiểu được tại sao người lao động từ chối thị trường này”, một chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu lao động nói.

Vị này phân tích, với số tiền đó, ngay tại Việt Nam người lao động vẫn có thể kiếm được nếu làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất hay nhà máy, lại không phải chịu cảnh xa xứ.

Liệu “hết mưa trời có nắng”?

Bên lề một hội nghị về xuất khẩu lao động, nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo, nếu để tình trạng nói trên kéo dài, thị trường Malaysia sẽ bị “xóa sổ”.

Nhiều doanh nghiệp đưa ra dẫn chứng, họ đã phải rút mục tiêu xuất khẩu lao động sang Malaysia xuống 1/3 so với năm 2007. Mặc dù vậy, họ vẫn không dám chắc sẽ đạt được con số ít ỏi đó.

Trao đổi với VnEconomy về việc làm gì để khôi phục lại thị trường Malaysia truyền thống, ông Nguyễn Xuân Vui, Giám đốc Airserco cho rằng, rất khó để làm việc đấy nếu Chính phủ Malaysia không có kế hoạch tăng lương cho lao động nhập cư.

 

Trước mắt, cách duy nhất để níu giữ thị trường Malaysia, các doanh nghiệp cần giảm chi phí đi xuống mức tối thiểu cho người lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp phải thỏa thuận được với ngân hàng để người lao động có thể vay tiền nhưng không phải chịu lãi hàng tháng và cố gắng tìm kiếm những hợp đồng có thu nhập tối thiểu khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, đặc biệt là tìm được những công việc có thể giúp người lao động làm thêm giờ.

Về lâu dài, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục quản lý Lao động ngoài nước cần có những biện pháp khẩn cấp, đàm phán về lương để giữ lại thị trường lớn và tiềm năng này.

Tuy nhiên, đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước lại cho rằng, doanh nghiệp cần quan tâm đến khâu thẩm định hợp đồng, tránh tình trạng đưa người lao động sang đến Malaysia rồi mà vẫn không có việc làm hoặc làm không đúng việc, thu nhập không đảm bảo gây tâm lý hoang mang và mất lòng tin của người lao động.