Xuất khẩu sang ASEAN: Triển vọng sẽ chỉ vừa phải
Xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN trong những năm tới sẽ không mạnh bằng sang khu vực Đông Bắc Á
Vụ châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Thương mại) nhận định xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước ASEAN trong những năm tới sẽ tăng trưởng ở mức độ vừa phải chứ không mạnh bằng các nước khu vực Đông Bắc Á.
Trong các nước ASEAN, Singapore luôn là thị trường buôn bán số 1 của Việt Nam. Từ nhiều năm nay, Singapore duy trì chính sách thương mại, mậu dịch tự do thông thoáng, 96% hàng hoá xuất nhập khẩu ra vào thị trường Singapore không phải chịu thuế.
Vì vậy, nhiều năm qua Singapore được coi như thị trường truyền thống trung gian cho hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới vì đây là cảng biển vận chuyển và chuyển tải hàng hoá hết sức thuận lợi của khu vực ASEAN.
Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore ước đạt 1,51 tỷ USD, dự kiến năm 2007 sẽ tăng lên 1,8 tỷ USD. Với mức tăng trưởng xuất khẩu như trên thì đến năm 2010, Việt Nam sẽ đạt mức xuất khẩu 2,7 tỷ USD vào thị trường này.
Tuy nhiên, để có thể thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Singapore trong thời gian tới, Việt Nam cần thành lập phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm để quảng bá sản phẩm với các khách hàng tại đây vì ngoài thương nhân sở tại còn có khách hàng phương Tây và các nước khác qua lại.
Đối với Thái Lan, dự kiến năm 2006, Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan đạt 950 triệu USD và năm 2007 là 1,15 tỷ USD. Do tính tương đồng về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan nên các mặt hàng nông sản của Việt Nam khó thâm nhập được vào thị trường Thái Lan.
Hiện nay, Việt Nam và Thái Lan đang thiết lập một cơ chế hợp tác xuất khẩu gạo để tránh cạnh tranh trên thị trường và gây thiệt hại về giá gạo xuất khẩu của 2 nước. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Thái Lan hiện nay đứng đầu là mặt hàng máy vi tính và linh kiện điện tử với kim ngạch 294 triệu USD, tiếp đến là dầu thô 192 triệu USD.
Thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam trong khối ASEAN là Malaysia. Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2006 khoảng 1,23 tỷ USD.
Nếu chia các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Malaysia thành 4 nhóm thì tốc độ tăng trưởng cụ thể của các nhóm như sau: nhóm nguyên liệu thô tăng mạnh nhất 112,4%, nhóm lương thực thực phẩm tăng 78%, nhóm hàng công nghiệp tăng 51,6% và nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng không đáng kể.
Dự kiến năm 2007, Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia khoảng 1,3 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 18%/ năm thì đến năm 2010, Việt Nam sẽ xuất khẩu sang thị trường này 2,13 tỷ USD.
Với kim ngạch xuất khẩu dự kiến năm 2006 đạt 1 tỷ USD, Indonesia là thị trường đứng thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN.
Chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm 2006, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Indonesia 933 triệu USD, trong đó dầu thô (đạt 622,6 triệu USD) và gạo (đạt 83 triệu USD) là 2 mặt hàng chiếm 80% kim ngạch.
Tuy nhiên, vị trí trên luôn có nguy cơ giảm xuống bởi nhìn chung, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này không bền vững, nếu Indonesia ngừng nhập khẩu gạo hoặc Việt Nam không còn xuất khẩu dầu thô sang Indonesia thì kim ngạch xuất khẩu sẽ tụt mạnh.
Hơn nữa, đặc điểm thị trường Indonesia chính trị xã hội chưa thật sự ổn định, thường thay đổi chính sách thương mại cũng là những trở ngại trong việc thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này. Bộ Thương mại dự kiến năm 2007, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt khoảng 1,3 tỷ USD.
Đối với Philippines, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2006 là gạo, tiếp đến là máy vi tính và linh kiện điện tử. Có 4 nhóm mặt hàng chính gồm lương thực và thực phẩm đứng đầu (chiếm 50 - 60% tổng kim ngạch xuất khẩu), nhóm hàng công nghiệp, nguyên liệu, hàng tiêu dùng.
Dự kiến năm 2007, Việt Nam sẽ xuất khẩu sang thị trường Philippines 1 tỷ USD và đến năm 2010 ước đạt 1,64 tỷ USD.
Một thị trường nữa cũng được dự đoán sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trong năm 2007 là Campuchia. Năm 2006, do công tác xúc tiến thương mại với thị trường này được thực hiện mạnh mẽ nên đã thúc đẩy kim ngạch buôn bán nói chung và xuất khẩu nói riêng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 770 triệu USD, tăng 43,7% so với năm 2005.
Các mặt hàng có kim ngạch khá như sản phẩm chất dẻo, hàng dệt may, mỳ ăn liền, xe đạp và phụ tùng. Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dự kiến tăng 29,8% trong năm 2007 và được duy trì trong những năm tiếp theo, đến năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia sẽ đạt mức 1,55 tỷ USD.
Các thị trường mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất gồm Lào, Myanmar và Brunei. Trong năm 2006, Việt Nam xuất khẩu sang Lào khoảng 90 triệu USD, Myanmar khoảng 14,5 triệu USD và Brunei khoảng 4,5 triệu USD.
Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Lào trong những năm tới, cần thực hiện tốt các cam kết ưu đãi về thương mại giữa 2 Chính phủ như giảm thuế, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, chợ Việt Nam tại các tỉnh, thành phố lớn của Lào.
Đối với Myanmar, nhìn chung, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này là một điều khó khăn vì tình hình chính trị không ổn định và cơ chế thanh toán có nhiều bất cập.
Còn Brunei là một thị trường hẻo lánh, ít dân, do vị trí địa lý và điều kiện không thuận lợi nên quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Brunei chưa phát triển.