12:58 27/12/2008

Xuất khẩu tạo hướng chuyển động mới

Mạnh Chung

Xuất khẩu đang tạo hướng chuyển động mới, ứng phó với khó khăn tại các thị trường truyền thống

Mặt hàng dây và cáp điện được kỳ vọng sẽ là một điển hình mở rộng thị trường xuất khẩu trong năm 2009.
Mặt hàng dây và cáp điện được kỳ vọng sẽ là một điển hình mở rộng thị trường xuất khẩu trong năm 2009.
Xuất khẩu đang có hướng chuyển động mới để ứng phó với khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế tại các thị trường truyền thống.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2008 là năm khá đặc biệt đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam: chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế tại những thị trường lớn và là thị trường truyền thống như Mỹ, EU và Nhật Bản.

Ngoài sự sụt giảm liên tiếp bốn tháng cuối năm của kim ngạch xuất khẩu chung, lượng đơn hàng bị hủy bỏ tập trung ở những ngành hàng thế mạnh như thủy sản, dệt may… là những khó khăn không chỉ của riêng năm 2008 mà dự báo còn chuyển tiếp sang năm 2009.

Những chuyển động mới

Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, xuất khẩu năm 2008 chia thành hai giai đoạn rõ rệt: những tháng đầu năm với thuận lợi nổi trội về giá hầu hết các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là giá tăng mạnh ở những mặt hàng dầu thô, than đá và nhiều mặt hàng nông sản.

Đó cũng là giai đoạn thuận lợi để bù đắp cho những khó khăn ở giai đoạn sau, tập trung từ tháng 9 về cuối năm, khi giá cả các mặt hàng đồng loạt “đảo chiều”, giảm mạnh cũng như nhiều đơn hàng của doanh nghiệp bị hủy bỏ...

Tính chung, cả năm 2008 xuất khẩu vẫn đạt được những kết quả ấn tượng. Theo số liệu ước tính của Bộ Công thương, kim ngạch cả năm ước đạt xấp xỉ 63 tỷ USD, tăng trên 29,5% so với năm 2007. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; đặc biệt là lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu (29,5% so với 27,5%), tạo thuận lợi cho mục tiêu hướng tới ổn định cán cân thương mại.

Ngoài sự thuận lợi trong giai đoạn đầu như Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân tích, kết quả trên còn có từ những chuyển động mới của hoạt động xuất khẩu trong năm 2008.

Nếu ở những thị trường lớn và truyền thống nói trên, tác động xấu từ khủng hoảng kinh tế đã làm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung của Việt Nam giảm hoặc chậm lại, thì tại những thị trường khác đã có những chuyển động tích cực để góp phần bù đắp.

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, các thị trường xuất khẩu truyền thống châu Mỹ, châu Âu, nếu như những năm trước có mức tăng trưởng hàng đầu thì năm nay, mức tăng trưởng đã chậm lại: châu Mỹ tăng 21,9%, châu Âu là 26,3%. Trong khi đó, khu vực thị trường châu Phi đã tăng tới 95,7%, châu Á tăng 37,8% và châu Đại Dương tăng 34,9%.

Chuyển động đó cũng đã bắt đầu thể hiện trong cơ cấu tổng kim ngạch. Cụ thể, thị trường châu Á chiếm 44,5% (tăng 2,6% so với năm 2007), châu Âu là 18,3% (tăng 0,4%), châu Mỹ là 20,6% (giảm 1,3%), châu Đại Dương chiếm 6,7% (tăng 0,3%) và châu Phi là 1,9% (tăng 0,63%).

Ngoài ra, trong năm 2008 đã có những chuyển động mới và khá bất ngờ ở một số ngành hàng. Tiêu biểu nhất là mặt hàng dây và cáp điện khi lần đầu tiên có kim ngạch xuất khẩu vượt trên 1 tỷ USD (ước đạt 1,014 tỷ USD). Đáng chú ý là sự bứt phá của mặt hàng này lại tập trung ở những tháng khó khăn nhất cuối năm của tình hình xuất khẩu chung (9 tháng đầu năm mới chỉ đạt hơn 700 triệu USD).

Theo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), khoảng 90% dây và cáp điện Việt Nam được xuất sang Nhật Bản; nếu trong năm 2009, mặt hàng này đa dạng và mở rộng được những thị trường mới như Mỹ, EU, Trung Quốc và các nước ASEAN thì có thể đạt 1,4 tỷ USD và tiến tới mục tiêu 2 tỷ USD vào năm 2010.

Giải pháp cho năm 2009

Mặt hàng dây và cáp điện cũng là một điển hình kỳ vọng cho những chuyển động mới trong năm 2009 của xuất khẩu Việt Nam. Giải pháp mà Bộ Công thương đặt ra là bên cạnh mục tiêu duy trì các thị trường truyền thống đang khó khăn, doanh nghiệp cần tập trung phát triển thị trường mới.

Đó cũng là lý do được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh khi nói đến vai trò và sự ưu tiên cho công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu trong năm 2009.

Cụ thể, theo Bộ trưởng, trong năm 2009, Chính phủ sẽ tập trung đẩy mạnh nhóm giải pháp xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu với quy mô lớn hơn; tăng cường hoạt động xúc tiến xuất khẩu theo hướng mở rộng các thị trường tiềm năng, như thị trường châu Phi, Mỹ La Tinh, bên cạnh việc duy trì và đẩy mạnh hơn tại các thị trường truyền thống.

“Ngoài ra, hoạt động này sẽ được đổi mới về phương thức, biện pháp theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Nhóm giải pháp thứ hai, theo Bộ trưởng, là về ngân hàng, tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra những giải pháp để đảm bảo thuận lợi về tỷ giá cho doanh nghiệp một cách linh hoạt; đồng thời tiếp tục xem xét đáp ứng thuận lợi hơn các nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu.

Nhóm giải pháp thứ ba là về tài chính. Cụ thể, trong gói giải pháp về kích cầu, Chính phủ sẽ có những hỗ trợ về lãi suất cho các doanh nghiệp, nhất là nhỏ vừa trong hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó là các chính sách về thuế, trong đó sẽ miễn, giảm, hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai sản xuất và xuất khẩu.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, trong năm 2009, Chính phủ sẽ thúc đẩy các đàm phán để ký kết các hiệp định song phương và đa phương giữa Việt Nam và các đối tác kinh tế trong vấn đề thiết lập khu vực mậu dịch tự do, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có được lợi thế về thuế suất và mở rộng thị trường; gần nhất là giữa Việt Nam với Nhật Bản và ASEAN.

Tuy nhiên, phía sau những chuyển động mới, kỳ vọng và những giải pháp, một thực tế mà Bộ trưởng Bộ Công thương tính tới là nhiều khó khăn của năm 2009 đã lộ diện cuối năm 2008 và sẽ tiếp tục là những thử thách. Đó cũng là lý do mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm tới đặt ra khá thấp, chỉ ước tăng 13% so với năm 2008.