15:51 20/11/2008

“Xuất khẩu” thợ hàn, bao nhiêu cũng hết!

Quỳnh Lam

Lao động thợ hàn đang trở nên "có giá" khi các nước nhập khẩu lao động có nhu cầu lớn với lao động nghề này

Để trở thành thợ hàn kỹ thuật cao, lao động chỉ phải học trong 45 ngày - Ảnh: Thu Thủy.
Để trở thành thợ hàn kỹ thuật cao, lao động chỉ phải học trong 45 ngày - Ảnh: Thu Thủy.
Lao động thợ hàn đang trở nên "có giá" khi các nước nhập khẩu lao động có nhu cầu lớn với lao động nghề này.

Đối tượng ưu tiên

Không phải ngẫu nhiên mà trong đề án thí điểm đào tạo nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo cơ chế đặt hàng đấu thầu (đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt) lại đưa ra định hướng cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động và các cơ sở dạy nghề là đào tạo thợ hàn trong 2 năm tới.

Theo một cán bộ của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong năm 2008, các nước nhập khẩu lao động có nhu cầu rất lớn về lao động thợ hàn. Trong khi đó, nghề hàn lại là thế mạnh, sở trường của lao động Việt Nam.

Tại các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, thợ hàn cũng đang được xem là đối tượng “có giá” để đưa đi làm việc tại nước ngoài.

Ông Nguyễn Thiện Mỹ, Tổng giám đốc Công ty Simco Sông Đà cho biết, hiện nay, có rất nhiều thị trường đang cần hàng nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực cơ khí, nhất là các loại thợ hàn 3G, 6G, tiện, phay, cơ khí chế tạo, đặc biệt  là các thị trường mới như Saudi Arabia và Châu Âu.

Ông Mỹ lấy ví dụ thị trường Ba Lan đang cần số lượng lớn lao động là thợ hàn có tay nghề cao để phục vụ việc xây dựng hạ tầng cơ sở cho Giải vô địch bóng đá các quốc gia châu Âu, sẽ diễn ra tại nước này vào năm 2012.

Ngoài ra, các công trường xây dựng ở Trung Đông, các xưởng đóng tàu tại Đài Loan, thợ hàn là đối tượng ưu tiên số một.

“Với lao động có tay nghề là thợ hàn thì bao nhiêu cũng hết, thậm chí lương rất cao và chi phí môi giới luôn được ưu tiên”, ông Mỹ khẳng định.

Tuy nhiên, cũng theo các doanh nghiệp, hiện rất khó để có thể “khai thác” đủ đơn hàng lao động là thợ hàn nói riêng và lao động có nghề nói chung cho đối tác. Doanh nghiệp nào làm tốt khâu tạo nguồn cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% đơn hàng cho các thị trường.
 
Đào tạo cấp tốc

Nhiều doanh nghiệp và trung tâm đào tạo nghề cho biết,  nhằm đáp ứng nhu cầu về lao động hàn cho các nước, cũng như sự thiếu hụt của nguồn cung trong nước, họ đã tìm đến với khoa học hiện đại với những khóa đào tạo thợ hàn “cấp tốc”.

Cụ thể, chỉ với  khoá học khoảng 45 ngày, một lao động phổ thông có thể trở thành thợ hàn kỹ thuật cao được cấp chứng chỉ quốc tế. Với chứng chỉ này, người lao động hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng khắt khe của chủ sử dụng nước ngoài.

Điển hình là Công ty Cổ phần Đào tạo kỹ thuật PVD Training (Khu công nghiệp Đông Xuyên - Vũng Tàu), đã đầu tư khoảng 1 triệu USD để mua sắm trang thiết bị, đầu tư cho chương trình đào tạo thợ hàn 6G ở Việt Nam, thi lấy chứng chỉ quốc tế.

Hàng tháng, công ty này  cho "ra lò" những thợ hàn 3G, 6G đáp ứng theo đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Thậm chí, không ít các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng bắt đầu “chịu khó” đầu tư cho loại hình đào tạo này.

Ông Nguyễn Xuân Vui, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại hàng không - Airseco cho biết, mới đây doanh nghiệp ông đã đầu tư gần 3 tỉ đồng thành lập xưởng hàn công nghệ cao với 18 máy hàn TIG, MIG, 3G, 6G của Italia.

Với công nghệ hàn 6G, chỉ trong 45 ngày học viên có thể hàn được 6 tư thế.

“Sở dĩ chúng tôi phải đầu tư hệ thống này vì phần lớn lao động mà chúng tôi tuyển dụng từ các trường cao đẳng nghề không đáp ứng được yêu cầu của chủ sử dụng nước ngoài”, ông Vui nói.

Lý do theo ông là, phần lớn thời gian 2 năm các em theo học ở trường chủ yếu là học lý thuyết, trong khi học nghề là đòi hỏi thực hành nhiều.

Thực tế cho thấy, phần lớn các trường nghề hiện nay không đủ máy móc cho học viên thực hành, đấy là chư kể đến hệ thống máy móc đã quá cũ và lạc hậu.

Một lý do nữa mà ông Vui đưa ra để giải thích cho sự đầu tư này, đó là mức lương hấp dẫn của một thợ hàn xuất sắc.

Tại nhiều thị trường, lao động được chủ sử dụng chấp nhận ngay sau khi kiểm tra thử mối hàn thực địa, mức lương mà lao động đó  nhận được cũng được quyết định ngay là 9 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt tại Saudi Arabia, mức lương được thỏa thuận cho một thợ hàn cứng là khoảng 1.000 USD/tháng.