16:02 17/10/2007

Xuất khẩu thuyền viên: “Nóng” cầu, “nguội” cung

Lý Hà

Nhu cầu thì cao, nhưng tình hình cung ứng thuyền viên của các công ty hàng hải Việt Nam đang có chiều giảm sút

Việt Nam bắt đầu xuất khẩu thuyền viên từ năm 1992.
Việt Nam bắt đầu xuất khẩu thuyền viên từ năm 1992.
Nhu cầu thì cao, nhưng tình hình cung ứng thuyền viên của các công ty hàng hải Việt Nam đang có chiều giảm sút.

Việt Nam bắt đầu xuất khẩu thuyền viên năm 1992, đến nay 40 doanh nghiệp cung ứng thuyền viên đã đưa trên 18.000 lượt thuyền viên đi làm việc trên các tàu đánh cá của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

Mức lương cơ bản theo hợp đồng của thuyền viên dao động từ 170-230 USD/tháng. Ngoài lương cơ bản, thuyền viên còn được hưởng tiền năng suất, tiền thưởng, làm thêm giờ bình quân từ 100-150 USD/tháng. Tổng thu nhập bình quân một thuyền viên cơ bản đạt từ 180-350 USD/tháng.

Với nhiều tỉnh thành ven biển trên cả nước, xuất khẩu lao động thuyền viên là chương trình tương đối phù hợp với lao động ngư dân của Việt Nam. Thế nhưng, thị phần của Việt Nam trong lĩnh vực này so với các nước bạn còn thấp. Tại Đài Loan, Việt Nam mới chiếm 1/10 thị phần viễn dương và gần 1/3 thị phần thuyền viên gần bờ.

Còn ở thị trường Hàn Quốc, tỷ lệ thuyền viên Việt Nam cũng không khá hơn. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có số thuyền viên đi xuất khẩu đông nhất nước, thế nhưng nếu như năm 2004 số thuyền viên đi xuất khẩu là hơn 1.000 người, doanh thu từ dịch vụ này là hơn 8 triệu USD thì đến nay chỉ còn khoảng 60% và vẫn tiếp tục giảm sút, chủ yếu do thiếu nhân lực cung ứng.

Trong khi đó, nhu cầu thuyền viên tàu cá ở Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản hiện khá lớn. Theo một sước tính, chỉ riêng Đài Loan mỗi năm cần khoảng 40.000 thuyền viên nước ngoài, trong đó có 34.000 thuyền viên xa bờ và 6.000 thuyền viên gần bờ.

Theo đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước, chất lượng thuyền viên tàu cá của Việt Nam chưa đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra của thị trường tiếp nhận. Đặc biệt là thị truờng Đài Loan.

Hạn chế này bộc lộ rõ nét khi nhu cầu thị trường đòi hỏi lớn vào năm 2002, chúng ta đã ồ ạt đưa lao động thuyền viên đi rồi lại ồ ạt nhận họ trở về do lao động hạn chế về ngoại ngữ, chịu sóng kém, ý thức kỷ luật chưa cao, dễ bị lôi kéo, tự động bỏ việc, vi phạm hợp đồng và có nhiều trường hợp xô xát với thuyền viên nước ngoài. Đặc biệt tỷ lệ lao động bỏ trốn lên bờ làm việc bất hợp pháp đã gia tăng ở mức báo động với 6% ở Hàn Quốc và 9% ở Đài Loan. Điều đáng lưu ý là có những lao động có ý định bỏ trốn ngay từ trước khi đi.

Đơn cử như vụ 6 thuyền viên của Công ty Inmasco thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 làm việc trên tàu đánh cá Nhật Bản Funu Youshi Maru, đã có biểu hiện bỏ trốn khi tàu đánh cá qua kênh đào Panama. Tất cả 5 thuyền viên trong số 6 thuyền viên bỏ trốn đều xuất cảnh vào tháng 1/2007, tức thời gian họ làm việc trên tàu chưa đầy 3 tháng.

Theo ông Vũ Đình Tuân, Trưởng phòng Thuyền viên Đài Loan, Công ty Inmasco thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, ý thức chấp hành quy định của các thuyền viên người Việt không cao, nhiều người chỉ cần có cơ hội là bỏ trốn.

Trong khi đó, quy định của Việt Nam lại chưa đủ sức răn đe với các trường hợp bỏ trốn nên tình trạng này vẫn tiếp diễn. Kinh nghiệm từ một số vụ thuyền viên bỏ trốn trước đây cho thấy, thường Inmasco phải bồi thường cho đối tác, còn người lao động ngoài số tiền đặt cọc ra, họ không chịu trả cho công ty bất kỳ một khoản nào.

Về vấn đ này, đại diện Cục Quản lý lao động nước ngoài mới đây đã nhấn mạnh sẽ chỉ đạo nghiêm túc hơn việc nâng cao chất lượng thuyền viên, trên cơ sở đổi mới căn bản phương thức tuyển chọn lao động. Cục cũng cho biết sẽ cương quyết chấm dứt tình trạng các doanh nghiệp tuyển lao động miền núi, thành phố, đồng bằng đi làm thuyền viên, vì hầu hết số lao động này bị trả về nước trước hạn do không chịu được sóng.