09:34 04/03/2008

Xúc tiến thương mại: Một năm nhìn lại

Đặng Nguyễn

Đến tháng 12/2007, có 132 trên tổng số 159 đề án xúc tiến thương mại quốc gia năm 2007 đã thực hiện xong (chiếm 83%)

Thủy sản, một trong những ngành chiếm nhiều chương trình xúc tiến thương mại nhất năm vừa qua.
Thủy sản, một trong những ngành chiếm nhiều chương trình xúc tiến thương mại nhất năm vừa qua.
Từ năm 2008, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) được giao thêm chức năng quản lý các nguồn ngân sách Nhà nước cho hoạt động xúc tiến thương mại.

Theo đó, để tăng cường hiệu quả cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2008, Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính đảm bảo bố trí nguồn ngân sách ổn định, đúng tiến độ, giúp cho các đơn vị chủ trì thực hiện đề án một cách chủ động hơn.

Đánh giá về việc thực hiện các Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2007, ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, nhận định: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do đến cuối năm 2007, các đơn vị chủ trì mới được Bộ Tài chính tạm cấp kinh phí, nhưng tỷ lệ các đề án thực hiện năm 2007 vẫn cao hơn các năm trước”.

83% đề án xúc tiến thương mại được thực hiện

Theo báo cáo của 28 đơn vị chủ trì, đến tháng 12/2007, có 132 trên tổng số 159 đề án xúc tiến thương mại quốc gia năm 2007 đã thực hiện xong (chiếm 83%), còn lại 27 đề án không thực hiện (chiếm 17%). Nhiều đơn vị chủ trì đã thực hiện 100% số lượng chương trình được phê duyệt.

Về mặt hàng, trong số 132 chương trình đã thực hiện, nhóm nông-lâm-thuỷ sản xuất khẩu là 33 chương trình (chiếm 25%); nhóm hàng công nghiệp chế biến 40 chương trình (chiếm 30,3%); nhóm hàng xuất khẩu mới 14 chương trình (chiếm 10,6%); còn lại là các chương trình đa ngành, dịch vụ.

Về khu vực thị trường, khu vực châu Á với 59 chương trình (chiếm 45%), châu Âu 37 chương trình (chiếm 28%), châu Mỹ 14 chương trình (chiếm 10%), châu Úc 4 chương trình, châu Phi 3 chương trình, còn lại là các Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia trong nước (chiếm 17%). Tất cả các chương trình này đã hỗ trợ gần 4.500 lượt doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Kết quả mang lại 2.300 hợp đồng, bản thoả thuận, ghi nhớ được ký kết với tổng giá trị trên 400 triệu USD.

Ông Đỗ Thắng Hải cho biết, trong vai trò Ban thư ký chương trình, Cục Xúc tiến thương mại đã tiếp nhận, đánh giá 260 đề án chương trình xúc tiến thương mại quốc gia 2008 của 30 đơn vị chủ trì và tổng hợp ý kiến đánh giá, kết quả thẩm định của các uỷ viên Hội đồng thẩm định. Kết quả, Hội đồng thẩm định đã xem xét và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt 122 đề án tại Quyết định số 2492/QĐ-BCT ngày 28/12/2007 với tổng kinh phí đề nghị Nhà nước hỗ trợ trên 122 tỷ đồng.

Trong số đó, các đề án cho nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ lệ cao nhất cả về số lượng và giá trị (38,5% về số lượng và 42,5% về giá trị), tiếp đến là nhóm hàng nông-lâm-thuỷ sản (chiếm 32% về số lượng và 25,8% về giá trị); nhóm các mặt hàng xuất khẩu mới và dịch vụ chiếm tỷ lệ tương ứng 11,5% và 9%; nhóm đa ngành 18% và 22,7%.

Các đề án xúc tiến thương mại quốc gia vào thị trường châu Á chiếm tỷ lệ lớn nhất với 23,8% về số lượng và 23,5% về giá trị (trong đó, số lượng đề án xúc tiến thương mại vào thị trường Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất với 13/29 đề án, tập trung vào các nhóm hàng nông-lâm-thuỷ sản và công nghiệp chế biến; tiếp theo là Nhật Bản - Hàn Quốc có 6 chương trình; ASEAN và Tây Nam Á mỗi khu vực 5 chương trình); thị trường châu Âu có 22 đề án chiếm 26,7% về giá trị; thị trường châu Mỹ: 17 đề án, chiếm 21,2% về giá trị.

Các biện pháp thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại

Từ năm 2008, để tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm hiểu, lựa chọn tham gia và hưởng lợi từ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Cục xúc tiến thương mại yêu cầu các đơn vị chủ trì phải đăng tải công khai Thư mời doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia trên trang thông tin điện tử của Cục xúc tiến thương mại chậm nhất 15 ngày làm việc trước ngày kết thúc thời hạn đăng ký tham gia, trong đó nêu rõ tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp, mức độ hỗ trợ của Nhà nước và các điều kiện tham gia.

Nhằm mục đích nâng cao tính hiệu quả của các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2008, ngoài việc yêu cầu những đơn vị chủ trì phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện hiệu quả, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia và đánh giá kết quả thực hiện đề án, Bộ Công Thương cũng yêu cầu vai trò của các Tham tán thương mại trong các chương trình này.

Cụ thể, ngày 10/1/2008, Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị các tham tán chỉ đạo thương vụ phối hợp chặt chẽ với Cục xúc tiến thương mại trong việc hỗ trợ các đơn vị chủ trì triển khai thực hiện chương trình tại địa bàn nước sở tại. Theo đó, đối với các hoạt động diễn ra tại những thị trường, khu vực thị trường có đại diện Thương vụ thì Thương vụ phải cử người giám sát và báo cáo kết quả đánh giá sau mỗi chương trình về Ban thư ký Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Hơn nữa, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cũng nhấn mạnh: “Bộ Công Thương sẽ không tổ chức những chương trình xúc tiến thương mại quốc gia chưa được chuẩn bị chu đáo, đặc biệt sẽ không tổ chức những chương trình khảo sát thị trường thuần tuý nữa mà phải có sự kết hợp khảo sát thị trường với các chương trình giao thương, ký kết hợp đồng kinh doanh”.

Ông Biên đề xuất thêm rằng các tham tán thương mại từ năm 2008 trở đi phải được tham gia vào quá trình thẩm định Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia để khi triển khai thực hiện đề án trong thực tế sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.

Theo đề xuất của Cục Xúc tiến thương mại, hàng năm trước ngày 31/12, căn cứ vào tình hình thực tế của thị trường nước sở tại, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đề xuất bằng văn bản về Bộ Công Thương để định hướng cho hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là định hướng cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia trong năm kế hoạch tiếp theo.

Tuy nhiên, ông Ngô Văn Thoan, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ phân tích, việc chỉ đạo thương vụ đóng góp ý kiến về Bộ chưa thực sự hợp lý bởi thực hiện xây dựng thị trường mục tiêu phải từ Bộ, Thương vụ không thể biết được thị trường đang phụ trách có phải là thị trường trọng tâm, trọng điểm của năm kế hoạch tiếp theo hay không.

Ông Thoan kiến nghị thêm: việc xây dựng kế hoạch nên phân ra làm 2 cấp độ, bao gồm kế hoạch cho hàng năm và kế hoạch định hướng cho giai đoạn từ 3 - 5 năm để xác định rõ thị trường mục tiêu và mặt hàng chủ lực, tránh xúc tiến thương mại dàn trải như thời gian qua. Mỗi chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nên thực hiện xúc tiến ít nhất là 3 năm liên tục thì mới đảm bảo tính hiệu quả.