11:21 23/01/2007

"Xưởng vắt mồ hôi" ở Los Angeles

Đi "thăm" những "xưởng vắt mồ hôi" (sweatshop) nằm giữa lòng thành phố Los Angeles phồn hoa của nước Mỹ

Trong một sweatshop.
Trong một sweatshop.
L.A là tên viết tắt quen thuộc của Los Angeles, nơi có kinh đô điện ảnh Hollywood nổi tiếng thế giới; công viên giải trí Disneyland; đại bản doanh của những tập đoàn kinh tế lớn; những khu phố sầm uất, sang trọng; những đại lộ 12 làn xe với những dòng xe cộ tưởng chừng bất tận.

Nhưng bên cạnh sự hào nhoáng của đô thị hàng đầu nước Mỹ này còn có những khoảng tối khác không khó nhận ra. Đó là một L.A đầy rẫy những người vô gia cư, những khu dân cư tồi tàn với hàng vạn người kiếm sống qua ngày trong các sweatshop nổi tiếng mà dịch tạm ra tiếng Việt là "xưởng vắt mồ hôi" cũng không lột tả hết nghĩa của từ này.

Xưởng "vắt mồ hôi"

Được Victor - một cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục lao động Los Angeles - cho biết sẽ tổ chức cho đi thăm các xưởng may ở L.A; là cán bộ công đoàn, chúng tôi không khỏi hồi hộp và tò mò.

Tuy nhiên, chúng tôi đã bị cụt hứng vì ngay trước khi đi, Victor đã nghiêm túc "quán triệt" đoàn như sau: Khi đến đó, phải đi nhanh, trật tự, không nói to, không hỏi chuyện, không được chụp ảnh và phải "biến báo" khi gặp tình huống khẩn cấp.

Trong hình dung của chúng tôi, các xưởng may phải ở bên ngoài thành phố, với các nhà xưởng rộng lớn, công nhân vào ca nhộn nhịp như ở Việt Nam, nhưng thật bất ngờ khi vừa rời khách sạn một lúc, Victor chỉ ngay cho chúng tôi những khối nhà cao cỡ chừng vài chục tầng toạ lạc giữa khu buôn bán thời trang sầm uất, với giọng thì thầm: "Sweatshop đấy". Cuộc khám phá bắt đầu.

Theo "chỉ lệnh" của Victor, chúng tôi lặng lẽ tiến vào toà nhà đầu tiên không biển hiệu, nhẹ nhàng lên cầu thang bước qua những dãy hành lang mờ mờ. "Thật may, hôm nay cuối tuần không có bảo vệ", Victor thì thào. Đây rồi, xưởng may thứ nhất. Chúng tôi phát hiện ra nó vì có tiếng máy khâu chạy rào rào bên trong, nhưng không thể vào được vì cửa bị chốt bên trong.

Cả đoàn khom người nhìn qua khe cửa thấy trong căn phòng rộng chừng trên 70m2, phụ liệu chất đống, mười mấy con người cả nam lẫn nữ cặm cụi làm việc bên máy khâu dưới vài ngọn đèn nêông, không quạt trần, thông gió và giàn đèn như thường thấy bên ta. Chợt một người đàn ông đứng ngoài cùng, dường như là đốc công, phóng tia nhìn sắc lạnh ra ngoài khi nhận thấy chúng tôi. Cả đoàn vội rút. Bước nhanh qua một dãy phòng tương tự, chúng tôi dừng lại trước một xưởng may đang mở cửa cho tiếp liệu vào.

Cảnh tượng cũng tương tự như xưởng ban đầu. Hàng chục bàn may xập xệ, nguyên liệu chất ngất, các cửa số ám khói, vỡ toác, trần nhà loang lổ như chưa được một lần tân trang từ khi xây dựng. Giữa mùa đông mà không khí trong phòng ngột ngạt. Hàng chục công nhân vẫn mải mê làm việc không để ý đến việc có khách vào. Tôi nhanh tay chụp được một bức hình trước khi Victor nháy mắt ra hiệu cất máy.

Vào lúc cả đoàn đang chuẩn bị rút lui thì 3 người đàn ông Châu Á đột ngột xuất hiện với nét mặt không lấy gì làm thân thiện. Một người lạnh lùng cất tiếng hỏi, Victor vội giải thích đây là nhóm doanh nhân muốn đến thăm thuê mặt bằng sản xuất và xin phép đi xem tiếp. Ba người đàn ông kia tỏ ý nghi ngờ, theo sát cho đến khi chúng tôi bước xuống tầng lầu khác.

Sau sự cố vừa rồi, cuộc "khám phá" diễn ra nhanh hơn, qua những xưởng may bít bùng, u ám. Ra khỏi toà nhà, Victor cho biết những người đàn ông vừa rồi là các ông chủ, đồng thời là những ông trùm, chủ yếu đến từ Hàn Quốc và Đài Loan. Họ điều hành sản xuất kinh doanh phần lớn các xưởng may ở đây và cả đường dây cung cấp nhân công...

Băng qua một dãy phố, chúng tôi bước tiếp vào một toà nhà khác và lặng lẽ lướt qua những xưởng may và may mắn không gặp trở ngại nào. Một số mở cửa, nhưng phần lớn cửa đóng then cài chỉ nghe thấy tiếng máy chạy bên trong. Cảnh tượng cũng chẳng khác gì những toà nhà bên cạnh.

Những gương mặt phụ nữ Á Châu hoặc Mỹ Latinh nhợt nhạt, chăm chú bên những chiếc máy khâu đủ kiểu, những đống nguyên phụ liệu chất ngất lộn xộn, những căn phòng thiếu ánh sáng, tuềnh toàng, nhếch nhác. Đã gần trưa, một số công nhân xì xụp ăn cơm hộp ngay tại bàn làm việc. Chúng tôi nhận thấy hầu như không có bình cứu hoả nào bên trong xưởng.

Khi được hỏi chuyện gì sẽ xảy ra khi hoả hoạn, Victor nhún vai hàm ý chỉ có trời biết.

Tìm công bằng ở nước tự do

Kết thúc "tua" khảo sát đầy ấn tượng đó, chúng tôi được hướng dẫn tới thăm Văn phòng của Tổ chức quan sát Sweatshop và Trung tâm Lao động ngành may là những tổ chức do các công đoàn, các nhóm cộng đồng, quyền con người, tôn giáo và lao động nhập cư lập ra, nhằm giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi cho những người lao động ngành may ở đây.

Anh Coley - một người phụ trách trung tâm - cho biết, ngành may mặc ở L.A và cả tiểu bang Califonia đang sa sút nghiêm trọng do phần lớn sản xuất đã chuyển sang các nước có giá nhân công rẻ hơn và lương thấp, đặc biệt sau khi WTO quyết định xoá bỏ hạn ngạch hàng may mặc xuất khẩu giữa các thành viên với nhau từ đầu năm 2005. Tuy vậy, hàng may mặc vẫn là một ngành sản xuất đóng góp quan trọng cho nền kinh tế California.

Riêng L.A, mỗi năm sản xuất ra lượng hàng may mặc trị giá 13 tỉ USD, tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục ngàn người khác ở các ngành phụ trợ. Hàng năm, giới chủ ngành may ở L.A thu lợi trái phép khoảng 200 triệu USD nhờ trả lương cho công nhân thấp hơn tiền lương tối thiểu. Nhiều nhà sản xuất chính thức và giới kinh doanh ngầm vẫn trụ lại bằng cách cắt giảm tiền lương, điều kiện lao động và sử dụng nguồn lao động nhập cư trái phép như đã thấy trong các sweatshop.

Ngành này ở L.A hiện đang sử dụng gần 70.000 lao động, trong đó 70% đến từ các nước Mỹ Latinh như Mexico, Guatemala, Salvador. 20% đến từ các nước Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines và VN. Số còn lại là các sắc dân khác, nhưng rất ít người Mỹ gốc.

Họ bị bóc lột thậm tệ với giờ làm việc kéo dài trung bình 10 đến 12 giờ và tiền lương thấp chỉ bằng một nửa lương tối thiểu của tiểu bang (6,7USD/giờ), không bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Với giá một cốc nước chè trong hiệu mất vài đô và một căn phòng bình dân cho 2 người mất trên dưới 1.000 đô/tháng thì cuộc sống của những công nhân ở đây quả là khó khăn.

Ở L.A có khoảng 5.000 xưởng may như vậy, mặc dù chính quyền liên tục thanh tra, nhưng vẫn có trên 30% số cơ sở sản xuất không đăng ký. Do vậy ở đây vẫn tồn tại một thế giới ngầm trong ngành may mặc và các xưởng sản xuất theo kiểu nô lệ.

Vụ phanh phui ra xưởng may - nhà tù của 72 công nhân Thái làm việc 17 giờ/ngày, 6 ngày/tuần, với mức lương 2USD/giờ, hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài trong suốt 7 năm liền là một ví dụ điển hình. Sự ra đời của các trung tâm lao động với chức năng tư vấn pháp luật, bảo vệ công nhân là việc làm cần thiết.

Tuy nhiên, cô Carolyn - một cán bộ ở đây - cho biết, cho đến nay trong các sweatshop vẫn chưa thành lập được tổ chức công đoàn nào vì phần lớn lao động là người nhập cư, không có giấy tờ hợp pháp. Nhiều người bị bóc lột nặng nề và ngược đãi thậm tệ, nhưng vẫn không dám đến với trung tâm vì sợ bị trù dập. Dẫu vậy, công đoàn và các tổ chức liên quan vẫn đầu tư cho các trung tâm để bảo vệ người lao động, các cán bộ và những người tình nguyện vẫn bám trụ ngày đêm.

Chúng tôi ra về, nhưng vẫn bị ám ảnh không thôi về những nhà xưởng kỳ lạ kia và những gương mặt mệt mỏi, xanh xao của công nhân sau những cánh cửa im lìm. Một thế giới khác biệt với phố thị phồn hoa, những dòng thác xe cộ ầm ào tưởng như bất tận của L.A.