Yêu cầu xác minh thông tin cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn "bất động"
Có ý kiến cho rằng, các báo cáo của bộ ngành, địa phương đều chú trọng nêu thành tích hơn là tiếp tục nỗ lực thực hiện cắt giảm các rào cản kinh doanh
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh về chậm đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
Theo Văn phòng Chính phủ, vừa qua, báo chí có loạt bài viết về việc chậm đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của các bộ ngành, trong đó có báo nêu: Cắt giảm rào cản cho doanh nghiệp chưa có bước tiến mới so với cuối năm 2018, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành gần như chưa làm gì.
Báo cáo thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP vẫn chú trọng thành tích hơn là tiếp tục nỗ lực thực hiện cắt giảm rào cản kinh doanh. Số ít bộ tiếp tục rà soát cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhưng chậm so với kế hoạch".
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý, đôn đốc.
Trước đó, báo chí dẫn lời bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng: "Cắt giảm rào cản cho doanh nghiệp hiện chưa có bước tiến mới nào so với thời điểm cuối năm 2018. Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành gần như chưa làm gì, trong khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những chỉ đạo rất quyết liệt".
Đáng chú ý, nhìn vào chất lượng các báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của các đơn vị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, theo dõi, bà Thảo nhận xét: "Các báo cáo đều chú trọng báo cáo thành tích hơn là tiếp tục nỗ lực thực hiện cắt giảm các rào cản kinh doanh.
Thậm chí, một số báo cáo nội dung có tính chất "báo cáo cho có". Một số ít bộ tiếp tục có phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa đăng ký kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình. Tuy nhiên, "việc triển khai nội dung này còn chậm so với kế hoạch đặt ra", bà Thảo đánh giá.
Về tình hình và kết quả cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, nhìn chung trong quý 1/2019, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể.
Vấn đề đáng ngại khác cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra là, trong khi một số điều kiện kinh doanh được gỡ bỏ chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thì rào cản mới lại xuất hiện.
Chẳng hạn như Thông tư số 21/2017/TT-BCT ngày 23/10/2017 của Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyde và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may (có hiệu lực từ ngày 1/5/2018, sau đó lùi hiệu lực thi hành đến ngày 1/1/2019) đã và đang tiếp tục gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp…