12:04 31/12/2014

10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2014

TBKTVN

Lạm phát thấp nhất 10 năm, hàng loạt dự luật có tính chất mở đường được thông qua, biển Đông “dậy sóng”

Kỳ họp Quốc hội cuối cùng của năm 2014 đã thông qua một loạt dự án luật có tính chất “bom tấn”, với kỳ vọng sẽ mở đường cho một thời kỳ phát triển mới của nền kinh tế - Ảnh: RPM.
Kỳ họp Quốc hội cuối cùng của năm 2014 đã thông qua một loạt dự án luật có tính chất “bom tấn”, với kỳ vọng sẽ mở đường cho một thời kỳ phát triển mới của nền kinh tế - Ảnh: RPM.
Lạm phát thấp nhất 10 năm, hàng loạt dự luật có tính chất mở đường được thông qua, biển Đông “dậy sóng”... nằm trong số 10 sự kiện kinh tế - xã hội tiêu biểu năm 2014, theo bình chọn của Thời báo Kinh tế Việt Nam.

Lạm phát thấp nhất 10 năm

10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2014 1

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng cuối năm 2014 chỉ tăng 1,84% so với tháng 12 năm 2013. CPI bình quân năm 2014 so với năm 2013 tăng 4,09%.

Cả hai chỉ số này đều ở mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua với tác động trực tiếp và gián tiếp từ các đợt giảm giá xăng dầu trên thị trường.

Các đợt giảm giá xăng dầu trong năm qua đã kéo theo chỉ số giá nhóm hàng “nhà ở và vật liệu xây dựng” và “giao thông” giảm mạnh. Bên cạnh đó, nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào nên chỉ số giá nhóm “hàng ăn và dịch vụ ăn uống” chỉ tăng nhẹ. Mặt khác, mức độ điều chỉnh giá của nhóm hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế thấp hơn so với năm trước.

Thông qua hàng loạt dự luật “bom tấn”

10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2014 2

Năm 2014, Quốc hội thông qua 29 luật và nghị quyết nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế hóa các nội dung của Hiến pháp 2013 về tổ chức bộ máy Nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, bảo đảm an sinh xã hội, đổi mới giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, khoa học, công nghệ và môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đẩy mạnh hội nhập quốc tế…

Trong đó, riêng tại kỳ họp thứ 8, cũng là kỳ họp Quốc hội cuối cùng của năm 2014, đã thông qua một loạt dự án luật có tính chất “bom tấn”, với kỳ vọng sẽ mở đường cho một thời kỳ phát triển mới của nền kinh tế, như Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước...

Đây cũng là kỳ họp có số lượng các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến nay.

Nhiều FTA kết thúc đàm phán

10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2014 3

Ngày 15/12 ghi cột mốc cuối cùng trong chuỗi đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng của Việt Nam trong năm 2013 với các đối tác lớn, khi Tuyên bố chung kết thúc đàm phán FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA) được ký kết dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trước đó 5 ngày, một thỏa thuận kết thúc đàm phán FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng đã được ký tại Busan, Hàn Quốc.

Xa hơn nữa, ngày 13/10, nhân chuyến thăm chính thức châu Âu của Thủ tướng, Tuyên bố chung Việt Nam-EU về định hướng kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) làm cơ sở quan trọng nhằm hướng tới kết thúc đàm phán trong một vài tháng tới cũng đã được thông qua.

Cùng với đó, quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang có nhiều tín hiệu khả quan.
 
Tất cả các FTA này hứa hẹn sẽ được ký kết trong năm 2015. Vì vậy, 2014 được xem là năm của các FTA và là năm mở ra các cơ hội kinh tế mới, khi 8 FTA đã có bắt đầu bước vào giai đoạn giảm thuế quan sâu.

Biển Đông “dậy sóng”

10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2014 4

Ngày 1/5, biển Đông bắt đầu “nóng” khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng 100 tàu hộ vệ di chuyển vào vùng biển Việt Nam và hạ đặt giàn khoan thăm dò trên vùng biển Việt Nam.

Trước hành vi vi phạm chủ quyền nghiêm trọng của Trung Quốc, liên tiếp những ngày sau đó, các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển của Việt Nam đã tiến hành tuyên truyền, ngăn cản, xua đuổi. Cùng với đó là hàng loạt các cuộc điện đàm, gặp gỡ làm việc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Bất chấp những phản đối mạnh mẽ của Việt Nam, Trung Quốc vẫn ngang nhiên xâm phạm vùng biển Việt Nam. Thậm chí, Trung Quốc nhiều lần hung hăng, chủ động dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư cũng như tàu đánh cá của Việt Nam, gây tổn thất về người và tài sản.

Sự hung hăng, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền cũng như quyền tài phán của Việt Nam và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc đã tạo nên làn sóng phản đối Trung Quốc ở trong nước cũng như trên thế giới.

Phương châm cương quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Đầu tháng 8, Trung Quốc buộc phải kéo giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi thềm lục địa Việt Nam.

Xuất siêu đạt mức cao nhất

10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2014 5

2 tỷ USD là con số xuất siêu mà Việt Nam đạt được trong năm 2014. Dù là con số thặng dư thương mại hàng hóa cao nhất từ nhiều năm trở lại đây, nhưng hiệu quả mang lại cho nền kinh tế từ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa chưa cao.

Điều này thể hiện rõ qua giá trị gia tăng hàng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thấp với chủ yếu là hàng gia công, chế biến, trong khi khu vực trong nước vẫn nhập siêu mạnh.

Minh chứng rõ ràng là trong năm 2014, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục xuất siêu 17 tỷ USD (so với 13,7 tỷ USD của năm trước) trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15 tỷ USD (so với mức 13,7 tỷ USD của năm 2013). Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 43,7 tỷ USD, tăng 18,2 % so với năm 2013.

IPO các “ông lớn” và đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước

10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2014 6

Quyết tâm đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước lần đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phát đi trong hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước diễn ra ngày 18/2/2014.

Sự quyết tâm này được hiện thực bằng Nghị quyết 15/NQ-CP về một số giải pháp để thúc đẩy, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, thúc đẩy cổ phần hóa, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước (ngày 6/3/2014).

Tiếp theo, ngày 15/9/2014, Thủ tướng ký ban hành Quyết định 51/2014/QĐ-TTg thể chế hóa Nghị quyết 15 với nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với những giải pháp, kế hoạch đưa ra trước đó, Nghị quyết 15, Quyết định 51 cũng đã góp phần đẩy mạnh mẽ việc đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp nhà nước lớn.

Trong năm 2014, hai sở giao dịch chứng khoán là HOSE và HNX đã tổ chức được 86 phiên đấu giá cổ phần với giá trị bán được đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần so với năm 2013.

Trong số đó, phải kể tới các đợt IPO của các “ông lớn” như: Vinatex, Vietnam Airlines, Công ty TNHH Một thành viên Phân bón dầu khí Cà Mau, các tổng công ty lớn ngành giao thông, Sasco, Nasco...

Tính đến 31/12/2013, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.782 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 4.065 doanh nghiệp (bao gồm 3.650 doanh nghiệp và 415 bộ phận doanh nghiệp), còn lại 949 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (chưa kể các nông, lâm trường quốc doanh). Trong 11 tháng đầu năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 177 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 115 doanh nghiệp.

Cũng trong 10 tháng năm 2014, giá trị các khoản đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) và ngoài ngành nghề sản xuất kinh doanh chính theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt của các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn ước đạt 2.415 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với thực hiện năm 2013 (965 tỷ đồng).

Nợ công sát ngưỡng cho phép

10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2014 7

Theo chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020, tỷ lệ nợ công an toàn là 65% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhưng đến năm 2014 và năm 2015, tỷ lệ này ước tính lần lượt là 60,3% GDP và 64% GDP.

Đánh giá về cách thức sử dụng tiền Chính phủ đi vay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc sử dụng các khoản vốn vay ngắn hạn cho các đầu tư dài hạn phát sinh rủi ro, làm cho nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, tạo áp lực cho bố trí nguồn trả nợ.

Một số dự án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài không hiệu quả, không trả được nợ, làm phát sinh nghĩa vụ nợ dự phòng hoặc phải cơ cấu lại tài chính, chuyển sang cơ chế Nhà nước đầu tư vốn. Điều này làm tăng nghĩa vụ chi trả nợ trực tiếp của Chính phủ.

Động thái đáng chú ý trong việc quản lý nợ công năm qua là phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế hồi đầu tháng 11/2014 nhằm tái cơ cấu các khoản vay nước ngoài lãi suất cao. Lô trái phiếu có mức lãi suất cố định 4,8% một năm, thấp hơn mức dự kiến là 5,125%, cũng là mức lãi suất thấp nhất từ trước đến nay.

Tại hội nghị tổng kết năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của ngành tài chính ngày 24/12, người đứng đầu ngành tài chính cho biết Việt Nam có thể tiếp tục phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế, nhưng thời điểm phát hành vẫn chưa được công bố.

Chống tham nhũng không có vùng cấm

10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2014 8

Năm 2014 là năm ghi dấu về sự tăng cường công khai, giám sát tài sản cán bộ, công chức, đặc biệt là tài sản của cán bộ cấp cao, một khâu được xem là hiệu quả nhất trong phòng tham nhũng, nhưng nhiều năm qua thực thi còn rất yếu.  

Theo đó, lần đầu tiên vi phạm về nhà đất của một vị nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, từng đứng đầu một cơ quan quan trọng của Chính phủ, đã được làm rõ, đưa ra xử lý, công khai trên báo chí.

Ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Năm 2014 cũng là một năm xử nhiều “đại án”, nhiều cá nhân đã bị kết án trong các vụ án tham nhũng lớn đã phải nhận hình phạt thích đáng, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng như Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như và nhiều bị cáo khác...

Giá xăng dầu giảm mạnh

10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2014 9

Năm 2014, thị trường xăng dầu thế giới giảm mạnh và ở xu thế “tụt dốc không phanh” kể từ đầu tháng 7 đến nay. Mặc dù có độ trễ so với thị trường thế giới, giá xăng dầu trong nước cũng lùi bước đáng kể.  

Tính từ đầu năm, các mặt hàng xăng dầu đã có khoảng 20 đợt điều chỉnh giá. Riêng mặt hàng xăng đã có 17 đợt điều chỉnh giá. Từ đầu năm đến ngày 7/7, mặt hàng này có 5 đợt tăng giá liên tục. Sau đó, 12 đợt giảm liên tiếp với tổng mức giảm lên đến 7.760 đồng/lít.

Tương tự, mặt hàng dầu diesel có 23 đợt điều chỉnh giá. Đặc biệt, từ ngày 7/7 đến nay, có 14 đợt giảm giá liên tiếp với tổng mức giảm lên đến 5.830 đồng/lít.

Kết quả là, trong năm 2014, mặt hàng xăng đã chịu mức giảm lên đến 6.330 đồng/lít và tổng mức giảm giá dầu diesel là 5.970 đồng/lít.

Tuy nhiên, mức giảm này còn thấp hơn thị trường thế giới, trong khi giá cước vận chuyển, vận tải và các mặt hàng có quan hệ với xăng dầu cũng giảm chậm.

“Chào hàng” các dự án đường cao tốc

10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2014 10

2014 là một năm thành công của Bộ Giao thông Vận tải trong việc hút vốn đầu tư ngoài ngành.

Dự kiến, tổng số vốn giải ngân cả năm 2014 đạt tới 100.000 tỷ đồng. Trong khi nguồn vốn ngân sách hạn chế, vốn ODA dần cạn kiệt thì hướng đi xã hội hoá đầu tư đang được Bộ Giao thông Vận tải đặc biệt quan tâm, với chủ trương mang tính đột phá là “dùng hạ tầng đầu tư hạ tầng”.

Đó là bán các dự án đường cao tốc, sau đó, dùng tiền để tái đầu tư xây dựng các tuyến đường khác.

Ngoài tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dự định bán cho đối tác Ấn Độ thì 5 tuyến cao tốc khác đang “chào hàng” gồm Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Bến Lức - Long Thành, Tp.HCM - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi.