09:28 05/06/2015

3 năm, 71 người được xác định bị oan

Nguyễn Lê

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bức cung, nhục hình chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan, sai

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, việc xử lý đối với cán bộ vi phạm pháp luật có biểu hiện nương nhẹ, kể cả một số trường hợp xử lý hình sự thì kết quả xét xử cũng thiếu nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra.<br>
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, việc xử lý đối với cán bộ vi phạm pháp luật có biểu hiện nương nhẹ, kể cả một số trường hợp xử lý hình sự thì kết quả xét xử cũng thiếu nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra.<br>
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo kết quả giám sát về “tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.

Trình bày báo cáo này tại phiên họp sáng 5/6, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận định, từ 2011 - 2014 còn để xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét giải quyết, đã cho thấy tình hình làm oan người vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng.

“Nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng”

Theo đoàn giám sát, các trường hợp làm oan đều là nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan.

Có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân đối với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật.

Điển hình được nhắc tới tại báo cáo là vụ 7 thanh niên bị bắt giam oan trong vụ giết người, cướp tài sản xảy ra năm 2013 tại tỉnh Sóc Trăng.

Kết quả giám sát cũng phân loại, số người bị oan trong 71 trường hợp nói trên chủ yếu thuộc loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó là loại án về kinh tế do chủ quan của người tiến hành tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Có một số trường hợp làm oan khác là do người tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật đơn thuần, chỉ chú ý đến hậu quả xảy ra, không xem xét lỗi và điều kiện khách quan dẫn đến hành vi vi phạm trong các trường hợp như gây thương tích nhẹ, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ…, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện phân tích.

Cho biết phần lớn các các địa phương báo cáo trong nhiều năm chưa phát hiện thấy trường hợp nào làm oan người vô tội, song đoàn giám sát cũng điểm danh một số địa phương để xảy ra nhiều trường hợp làm oan, như các tỉnh Sóc Trăng (7 người), Khánh Hòa (6 người), Thanh Hóa (5 người), Vĩnh Phúc, Đắc Lắc, Cần Thơ (đều 4 người).

Còn xử nhẹ cán bộ làm sai

Theo nhận định của cơ quan giám sát, hầu hết các trường hợp bị oan trong những năm gần đây đều được các cơ quan có thẩm quyền tố tụng qua kiểm tra, phát hiện và cơ bản được khắc phục, xử lý ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố.

Nhưng cũng có trường hợp bị oan chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người bị oan.

Xem xét nguyên nhân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong một số trường hợp bức cung, nhục hình xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân của người bị tình nghi thực hiện tội phạm chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan, sai.

Có nơi điều tra viên còn mớm cung khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, báo cáo nêu tiếp thông tin.

Và ví dụ cụ thể được nêu là điều tra viên đã mớm cung bị can Nguyễn Toàn Thắng (Bình Phước) bị khởi tố về tội hiếp dâm trẻ em, “nếu nhận tội thì sẽ cho về thi tốt nghiệp phổ thông và đại học” trong khi kết luận giám định và các tài liệu khác không đủ căn cứ buộc tội.

Việc giải quyết các đơn tố cáo về bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra theo đoàn giám sát là còn chậm, ảnh hưởng quyền con người, quyền công dân.

Trong khi đó, việc xử lý đối với cán bộ vi phạm pháp luật có biểu hiện nương nhẹ, kể cả một số trường hợp xử lý hình sự thì kết quả xét xử cũng thiếu nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra.

Trong buổi sáng và phần lớn thời gian buổi chiều 5/6, Quốc hội sẽ thảo luận về báo cáo giám sát nói trên. Ủy ban cũng kiến nghị Quốc hội xem xét ra nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.