15:51 05/12/2024

5 câu hỏi lớn về tương lai công nghệ dưới thời Tổng thống Donald Trump

Bảo Ngọc

Nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới có thể sẽ mang đến loạt thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa Chính phủ và các công ty công nghệ theo nhiều cách…

Lần tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump có thể mang tới nhiều thay đổi lớn cho các nền tảng công nghệ.
Lần tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump có thể mang tới nhiều thay đổi lớn cho các nền tảng công nghệ.

Thực tế, Tổng thống đắc cử Donald Trump và nhiều đồng minh từng có mối quan hệ đối đầu với các gã khổng lồ công nghệ khi liên tục cáo buộc Big Tech có quá nhiều quyền lực và đôi khi sử dụng quyền lực gây ảnh hưởng tiêu cực, CNN Business đưa tin.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Donald Trump đã nhiều lần thảo luận về lệnh cấm TikTok và một vụ kiện có thể dẫn đến sự tan rã của Google cũng được đệ trình. Nhìn chung, vị Tổng thống đã thể hiện nỗ lực nhằm phá vỡ loạt biện pháp phòng vệ của các nền tảng công nghệ. 

Nhưng trong lần tái tranh cử, ông Trump dường như đã thay đổi 180 độ, điển hình như việc ám chỉ rằng không còn muốn cấm TikTok hoặc chia tách Google nữa. Hiện tại, Tổng thống Donald Trump cũng sở hữu nền tảng truyền thông xã hội riêng mang tên Truth Social, nền tảng này chắc chắn cũng phải tuân theo toàn bộ quy tắc từ chính quyền mới giống như các đối thủ. 

Trong lúc chờ đợi ngày nhậm chức chính thức, ông Trump đang đối diện với năm câu hỏi lớn nhất về tác động tiềm tàng đối với ngành công nghệ.

TIKTOK CÓ BỊ CẤM KHÔNG?

Ông Trump từng cố gắng cấm TikTok tại Hoa Kỳ thông qua sắc lệnh hành pháp do lo ngại về an ninh quốc gia, nhưng sau đó lại thay đổi ý định.

Vào tháng 6/2024, đại diện Đảng Cộng hoà chia sẻ trong video đăng trên chính nền tảng này rằng sẽ "không bao giờ cấm TikTok". Tất nhiên, không rõ liệu tân Tổng thống có thể thực hiện lời hứa hay không.

Ý tưởng xuất phát từ chính thời kỳ của Tổng thống Donald Trump, Quốc hội năm nay vừa thông qua đạo luật cấm TikTok tại Hoa Kỳ nếu nền tảng không tách khỏi công ty mẹ Trung Quốc ByteDance. TikTok đã đâm đơn kiện nhằm ngăn chặn luật này, vụ kiện vẫn đang chờ phán quyết từ Hội đồng Thẩm phán Liên bang. Nhưng nếu không có gì thay đổi, lệnh cấm sẽ có hiệu lực một ngày trước lễ nhậm chức chính thức, điều đó đồng nghĩa là Tổng thống đắc cử có thể sẽ không nắm quyền thay đổi hay điều chỉnh luật.

TikTok có thể bị cấm hoàn toàn tại Hoa Kỳ kể từ ngày 19/1 sắp tới. 
TikTok có thể bị cấm hoàn toàn tại Hoa Kỳ kể từ ngày 19/1 sắp tới. 

Thực tế, ông Trump có thể yêu cầu Quốc hội bãi bỏ luật, nhưng chuyên gia dự đoán nỗ lực nhiều khả năng sẽ thất bại. Tất nhiên, vẫn còn hai sự lựa chọn sau đó: tân Tổng thống có thể chỉ đạo tổng chưởng lý không thực thi luật hoặc tuyên bố rằng TikTok không cần tuân thủ luật nữa, theo Phó Giáo sư luật Alan Rozenshtein đến từ Đại học Minnesota.

Cách tiếp cận được đề xuất như ngầm báo hiệu cho hầu hết đối tác công nghệ của TikTok như Apple, những bên phải đối mặt với khoản tiền phạt theo luật nếu tiếp tục lưu trữ TikTok trên cửa hàng ứng dụng, rằng "hãy thoải mái tiếp tục kinh doanh TikTok", Phó Giáo sư Rozenshtein chia sẻ. "Nhưng điều này có thực sự mang lại cho các công ty sự tự tin không? Họ vẫn đang vi phạm luật. Và tính tình ông Trump thì rất thất thường".

CHÍNH SÁCH VỀ AI SẼ ĐƯỢC NỚI LỎNG?

Tổng thống Trump quay trở lại Nhà Trắng vào thời điểm nhiều thành phần kêu gọi ban hành quy định hạn chế hậu quả tồi tệ có thể xảy ra do AI.

Ông Trump thừa nhận trong cuộc phỏng vấn với Fox News rằng AI có "tiềm năng to lớn nhưng cũng mang tới khả năng hủy diệt ... chúng ta phải rất cẩn thận với trí tuệ nhân tạo". Tỷ phú Elon Musk, hiện đang là cố vấn cho chính quyền Tổng thống Trump, cũng từng kêu gọi tạm dừng phát triển công nghệ này trước khi thành lập công ty AI riêng.

Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử dường như đã sẵn sàng hủy bỏ bộ quy định ít ỏi hiện có dành cho nhóm công ty AI. Luận điểm tranh cử của Đảng Cộng hòa bao gồm lời hứa bãi bỏ lệnh hành pháp do Tổng thống Joe Biden ký, trong đó nêu rõ loạt hành động toàn diện nhằm quản lý một số rủi ro ​​AI, bao gồm phân biệt đối xử và đe dọa an ninh quốc gia.

TƯƠNG LAI ĐIỀU LUẬT 230 VÀ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ CỦA CÁC NỀN TẢNG MẠNG XÃ HỘI?

Thuộc Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông, nội dung của Điều 230 là: “No provider or user of an interactive computer service shall be treated as the publisher or speaker of any information provided by another information content provider” (tạm dịch: “Không một nhà cung cấp hoặc người dùng dịch vụ tương tác trên máy tính nào bị xem là nhà xuất bản hoặc nói về bất cứ thông tin được cung cấp bởi người đăng tải nội dung thông tin khác”).

Nói ngắn gọn, Điều 230 giúp các website không phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu người dùng trong nền tảng đăng tải nội dung phi pháp hoặc gây tranh cãi. Hoặc người dùng sẽ không thể kiện Facebook, Twitter hay Google nếu bị người khác bôi xấu trên nền tảng. Điều 230 được coi là "bùa hộ mệnh" của các nền tảng lớn như Facebook, Google và nhiều công ty Internet khác.

Người được Tổng thống Trump chọn làm nhà lãnh đạo Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC), ông Brendan Carr, gần đây đã cảnh báo Big Tech rằng chính quyền mới sẽ "thực hiện hành động toàn diện nhằm khôi phục" quyền Tu chính án thứ nhất của người dân Mỹ. Điều này có thể bao gồm việc cải cách hoặc diễn giải lại Điều luật 230.

Quyết định dường như gây cản trở nỗ lực của các công ty công nghệ nhằm giảm nội dung thù hận hoặc sai sự thật trên nền tảng.

Tuy nhiên, không rõ FCC có đủ thẩm quyền để thực hiện thay đổi hay không. Mặc dù Đảng Dân chủ cũng kêu gọi cải cách Điều luật 230, nhưng hướng đi và tầm nhìn hoàn toàn khác biệt: Đảng lo ngại điều luật sẽ giúp các công ty công nghệ thoát khỏi trách nhiệm vì không nỗ lực đủ trong khâu kiểm duyệt nội dung độc hại.

Cần lưu ý, bất kỳ thay đổi nào nhằm tăng trách nhiệm pháp lý của nền tảng mạng xã hội cũng có thể tác động trực tiếp đến Truth Social của ông Trump hay X của tỷ phú Elon Musk, điều này có thể khiến việc quyết định phương án xử lý trở nên phức tạp hơn.

QUYỀN LỰC CỦA NHỮNG GÃ KHỔNG LỒ CÔNG NGHỆ?

Dưới thời nhà lãnh đạo Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) Lina Khan, Chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện loạt hành động chống độc quyền chống lại các công ty công nghệ lớn. Trong khi Phó Tổng thống đắc cử JD Vance ca ngợi cách tiếp cận của bà Khan, thì vài ngày trước cuộc bầu cử, CEO Musk lại đăng tải lên X rằng nữ lãnh đạo này “sẽ sớm bị sa thải”.

Trước đó, Uỷ ban Thương mại Liên bang đã cố gắng ngăn chặn nhiều thương vụ sáp nhập như Microsoft và Activision Blizzard hay Kroger và Albertsons.

Giả sử, nếu một đại gia công nghệ nào đó muốn mua lại một công ty khởi nghiệp AI đang trên đà thành công, dưới thời Chính quyền Tổng thống Biden, FTC có thể ngăn chặn hành động này, thì khả năng điều đó xảy ra dưới thời ông Trump có thể sẽ thấp hơn.

Nhiều chuyên gia cũng đặt câu hỏi liệu Tổng thống Trump có khuyến khích Bộ Tư pháp từ bỏ cuộc chiến chia tách Google và Bộ Tư pháp sẽ xử lý các vụ kiện chống độc quyền đang diễn ra với những gã khổng lồ công nghệ như thế nào.

Google là một trong những gã khổng lồ công nghệ phải đối mặt với áp lực chống độc quyền dữ dội dưới thời Chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Google là một trong những gã khổng lồ công nghệ phải đối mặt với áp lực chống độc quyền dữ dội dưới thời Chính quyền Tổng thống Joe Biden.

​​LUẬT AN TOÀN DÀNH CHO TRẺ EM TRÊN KHÔNG GIAN TRỰC TUYẾN SẮP ĐƯỢC THÔNG QUA?

Nếu phải chọn ra một vấn đề về chính sách công nghệ mà cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa có thể đồng tình dưới thời Tổng thống Trump, thì đó chắc chắn là mối quan tâm về sự an toàn hoặc quyền riêng tư của trẻ em trên không gian trực tuyến.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marsha Blackburn và Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Richard Blumenthal đã thúc giục Quốc hội sớm thông qua Đạo luật An toàn Trực tuyến dành cho trẻ em sau khi Thượng viện thông qua vào mùa hè 2024. Mặc dù đây là lần hiếm hoi các nhà lập pháp thông qua luật an toàn trực tuyến cho thanh thiếu niên sau nhiều năm, dự luật vẫn phải đối mặt với một số ý kiến phản đối.

Tháng trước, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson thừa nhận mặc dù rất ủng hộ ý tưởng đằng sau dự luật, nhưng ông nhận định đa số chi tiết trong dự luật "rất có vấn đề".