15:53 29/04/2025

70% dự án IoT thất bại, không thể triển khai diện rộng: Thách thức của doanh nghiệp Việt

Bảo Bình

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp nên chọn một dự án IoT ưu tiên, đặt KPI cụ thể và đo lường tiến độ, trước khi mở rộng ra toàn bộ nhà xưởng...

Các dự án IoT giúp nhà máy tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh minh họa
Các dự án IoT giúp nhà máy tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh minh họa

Trong làn sóng chuyển đổi số, Internet of Things (IoT) đang trở thành “ngọn gió” thúc đẩy các nhà máy Việt Nam tiến tới mô hình sản xuất thông minh. Từ giám sát dây chuyền thời gian thực đến bảo trì dự đoán, IoT hứa hẹn nâng cao hiệu suất, cắt giảm chi phí và gia tăng năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, một thực tế đáng báo động là 70% dự án IoT trên toàn cầu thất bại hoặc chỉ dừng ở giai đoạn thử nghiệm.

Cụ thể, theo khảo sát của Cisco, Microsoft và IoT Analytics, tỷ lệ thành công các dự án IoT chỉ đạt 30%, trong khi đó có đến 70% dự án dừng ở giai đoạn PoC, hoặc thất bại khi triển khai diện rộng, 80% các dự án IoT lo ngại về bảo mật thông tin khi triển khai IoT.

THÁCH THỨC QUẢN LÝ: THIẾU ĐỊNH HƯỚNG VÀ CHI PHÍ CAO

Một dự án IoT không chỉ là việc lắp đặt cảm biến hay kết nối thiết bị, mà là hành trình thay đổi toàn diện cách vận hành nhà máy. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp “vấp ngã” ngay từ bước đầu tiên vì lý do thiếu mục tiêu rõ ràng. Theo ông Bùi Thái Luân đến từ ADLINK, trước hết doanh nghiệp phải trả lời được câu hỏi “IoT sẽ giải quyết vấn đề gì?” Nếu không, dự án dễ rơi vào vòng xoáy lãng phí mà không mang lại giá trị.

Chi phí đầu tư cũng là rào cản lớn. Một hệ thống IoT đầy đủ, từ phần cứng, phần mềm đến hạ tầng mạng, có thể tiêu tốn hàng tỷ đồng. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, câu hỏi “Liệu ngân sách hiện tại có đủ? Thời gian thu hồi vốn là bao lâu?” thường khiến họ chùn bước. Theo ông Luân, nhiều doanh nghiệp không tính toán kỹ lưỡng, dẫn đến việc đầu tư dàn trải mà không đạt hiệu quả mong muốn.

Ngoài ra, sự thiếu phối hợp giữa các phòng ban cũng là “kẻ thù” của IoT. Một dự án IoT thành công đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa bộ phận vận hành (OT), công nghệ thông tin (IT) và nghiệp vụ sản xuất. Tuy nhiên, tại nhiều nhà máy Việt Nam, ranh giới giữa các phòng ban còn cứng nhắc, dẫn đến mâu thuẫn trong triển khai và vận hành hệ thống. 

Sau khi triển khai, doanh nghiệp cần đội ngũ chuyên môn để vận hành, bảo trì và nâng cấp hệ thống. Thiếu nhân sự hoặc chiến lược dài hạn là nguyên nhân khiến nhiều dự án IoT dần “chết mòn” sau giai đoạn đầu.

THÁCH THỨC KỸ THUẬT: TÍCH HỢP THIẾT BỊ ĐA DẠNG VÀ CHẤT LƯỢNG DỮ LIỆU

Về mặt kỹ thuật, việc tích hợp các thiết bị đa dạng trong nhà máy là “cơn đau đầu” lớn nhất. Ông Dương Lâm Phương, CEO Siginx, cho biết mỗi nhà máy là một hệ sinh thái riêng, với hàng loạt thiết bị từ cũ đến mới, sử dụng chuẩn giao tiếp khác nhau. Việc đồng bộ dữ liệu từ các nguồn này đòi hỏi hạ tầng mạnh mẽ và giải pháp linh hoạt, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đầu tư.

Trên thực tế, quá trình thu thập dữ liệu không hề đơn giản. Vấn đề đầu tiên là sự đa dạng về nguồn dữ liệu. Mỗi cảm biến có thể đo một thông số khác nhau, theo những đơn vị và định dạng khác nhau. Có cảm biến trả về dữ liệu có cấu trúc rõ ràng, nhưng cũng có loại chỉ trả về tín hiệu thô. Điều này đòi hỏi hệ thống phải có khả năng chuyển đổi, chuẩn hóa và gán ngữ nghĩa cho dữ liệu, để sau này phân tích dễ dàng hơn.

Một nhà máy hoạt động 24/7 có thể tạo ra hàng triệu bản ghi mỗi ngày. Ảnh minh họa
Một nhà máy hoạt động 24/7 có thể tạo ra hàng triệu bản ghi mỗi ngày. Ảnh minh họa

Vấn đề thứ hai là tốc độ và khối lượng dữ liệu. Một nhà máy hoạt động 24/7 có thể tạo ra hàng triệu bản ghi mỗi ngày. Không chỉ cần lưu trữ, hệ thống còn phải xử lý và phản hồi trong thời gian thực, chẳng hạn như cảnh báo sớm khi có dấu hiệu bất thường.

Chất lượng dữ liệu cũng là vấn đề nan giải. Cảm biến lỗi, nhiễu tín hiệu hoặc sai lệch trong đo lường có thể dẫn đến dữ liệu không chính xác, làm giảm giá trị của hệ thống IoT. “Dữ liệu là ‘nhiên liệu’ của IoT. Nếu dữ liệu không sạch, mọi phân tích đều vô nghĩa”, ông Phương nhấn mạnh. Ngoài ra, khối lượng dữ liệu khổng lồ và yêu cầu xử lý thời gian thực đặt áp lực lớn lên hạ tầng mạng, đặc biệt ở những nhà máy có kết cấu bằng thép, nơi tín hiệu dễ bị nhiễu.

Một thách thức nữa là yếu tố con người. Việc cấu hình hệ thống thu thập không thể giao hoàn toàn cho kỹ sư IT, mà cần có sự hiểu biết sâu về quy trình sản xuất. Ví dụ, kỹ sư phải biết khi nào là lúc nên ghi nhận trạng thái máy, khi nào cần lấy mẫu dữ liệu, hay dữ liệu nào phản ánh đúng nhất tình trạng chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, người phân tích dữ liệu cũng cần kỹ năng đọc biểu đồ, hiểu vận hành thực tế để đưa ra kết luận có giá trị.

HÃY CHỌN MỘT DỰ ÁN ƯU TIÊN, ĐẶT KPI CỤ THỂ VÀ ĐO LƯỜNG TIẾN ĐỘ, ĐỪNG LÀM TẤT CẢ CÙNG LÚC

Từ những rào cản trên, ông Bùi Thái Luân cho rằng doanh nghiệp cần xác định rõ bài toán IoT sẽ giải quyết, chẳng hạn như giám sát hiệu suất dây chuyền, tiết kiệm năng lượng hay bảo trì dự đoán. “Hãy chọn một dự án ưu tiên, đặt KPI cụ thể và đo lường tiến độ. Đừng cố làm tất cả cùng lúc”, ông Luân khuyên. Ví dụ, một nhà máy có thể bắt đầu bằng việc thu thập dữ liệu từ một dây chuyền sản xuất, trước khi mở rộng ra toàn bộ nhà xưởng.

Ông Phạm Thanh Hà, CEO VTI Solutions, cũng đồng tình với cách tiếp cận này. Kinh nghiệm tại một số dự án ở các nhà máy đã cho thấy bằng cách tập trung vào một số KPI chính như giám sát hiệu suất dây chuyền, dự án đã giảm downtime - khoảng thời gian hệ thống không hoạt động bình thường, ngừng hoạt động - đáng kể và tối ưu hóa lịch trình bảo trì. Ngoài ra, bảo mật là yếu tố không thể xem nhẹ trong việc triển khai hệ thống IoT. 

Một dự án IoT chỉ thành công khi có sự hỗ trợ từ con người. Các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp đầu tư đào tạo nhân sự, từ kỹ sư vận hành đến công nhân sản xuất. “Giao diện IoT cần đơn giản, dễ dùng để công nhân có thể thao tác mà không cần các kỹ năng IT cao”, ông Phạm Thanh Hà nói. Lãnh đạo cần xây dựng văn hóa cởi mở, khuyến khích sự phối hợp giữa các phòng ban để dự án IoT đạt hiệu quả tối đa.

Dù đối mặt với nhiều thách thức, IoT vẫn là “chìa khóa vàng” để các nhà máy Việt Nam tiến vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Với chiến lược đúng đắn, doanh nghiệp sẽ có thể vượt qua rào cản và khai thác tối đa tiềm năng của IoT. Từ việc tự động hóa kiểm soát nguyên vật liệu đến giám sát trạng thái máy CNC, các dự án IoT đang giúp nhà máy tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo thống kê đến năm 2024, trên toàn cầu có khoảng 15 tỷ thiết bị IoT được kết nối. So sánh với dân số thế giới hiện tại là hơn 8 tỷ người, trung bình mỗi người sở hữu khoảng hai thiết bị IoT.

Trong số 15 tỷ thiết bị này, IIoT – các thiết bị IoT ứng dụng trong sản xuất – chiếm khoảng 30-35%. Cụ thể, khoảng 30% thiết bị IIoT được sử dụng trong sản xuất, bao gồm cảm biến nhà máy, robot, gateway chuyển đổi dữ liệu từ OT (Operational Technology) sang IT (Information Technology), bộ điều khiển, và máy tính biên. Ngoài ra, IoT trong năng lượng chiếm khoảng 20%, giao thông và logistics chiếm 15%, còn nông nghiệp thông minh chiếm khoảng 10%. Những con số này cho thấy tiềm năng khổng lồ của IoT trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất.