10:37 23/04/2009

70% lao động nước ngoài tại Việt Nam có giấy phép

Lý Hà

Tới đây, thủ tục cấp phép cho lao động nước ngoài sẽ bãi bỏ những gì rườm rà và thắt chặt những gì cần thiết.

Ông Nguyễn Thanh Hòa.
Ông Nguyễn Thanh Hòa.
Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có trên 50.000 lao động đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là người châu Á.

Trong số đó, lao động hợp pháp, được cấp phép chiếm khoảng 70%, còn lại 30% là lao động phổ thông đến Việt Nam làm việc theo visa du lịch.

Trao đổi với báo giới, ông Hòa cho rằng, lao động nước ngoài vào Việt Nam một mặt đáp ứng những vị trí  mà lao động trong nước chưa đáp ứng được. Mặt khác, việc các nhà thầu nước ngoài đem theo nhiều  lao động, chuyên gia sang Việt Nam để phục vụ mục đích phát triển của họ là điều được phép, đó là xu thế tất yếu. Tất nhiên, hội nhập thị trường lao động nhưng phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

Thưa ông, điều kiện nào để lao động nước ngoài được làm việc tại Việt Nam?

Theo Nghị định 34/2008 của Chính phủ, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện: đủ 18 tuổi trở lên; có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc; là nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao về dịch vụ, thiết bị nghiên cứu, kỹ thuật hay quản lý (bao gồm kỹ sư hoặc người có trình độ tương đương kỹ sư trở lên; nghệ nhân những ngành nghề truyền thống) và người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, kinh doanh và những công việc quản lý; không có tiền án về tội vi phạm an ninh quốc gia; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài; có giấy phép lao động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Việt Nam cấp.

Như vậy có thể thấy về nguyên tắc, người nước ngoài không có tay nghề  không được cấp phép vào Việt Nam làm việc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lao động nước ngoài phổ thông làm việc tại Việt Nam lại khá lớn, thưa ông?

Đúng là có tình trạng lượng lao động phổ thông nước ngoài làm việc không phép tại Việt Nam không phải ít. Như ở Quảng Ninh, Hải Phòng lúc cao điểm lên tới khoảng 2.000 lao động ở một công trường.

Tôi khẳng định lại một lần nữa, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ cấp phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi người đó có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, đó là những lao động có bằng cấp, có tay nghề. Còn hiện nay, tại một số công trình, dự án, lao động phổ thông nước ngoài làm việc theo visa du lịch ba tháng là một sự “lách luật” của các nhà thầu, chủ đầu tư. Việt Nam không cho phép tuyển lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.

Chúng ta chưa có chế tài xử phạt những doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài không đúng theo quy định pháp luật ?

Thông thường chỉ là xử phạt hành chính. Nếu không chấp hành hoặc tái phạm sẽ bị trục xuất. Song, thực tế, chưa có ai bị trục xuất cả. Mức phạt hiện nay cũng thấp nên chưa đủ sức răn đe. Bộ cũng đã làm việc với các nhà thầu, các địa phương để hướng dẫn các nhà thầu hoàn thành thủ tục giấy tờ cho lao động. Tuy nhiên, có thể nói, do nhiều nguyên nhân, hiện chúng ta vẫn chưa xử lý nghiêm vấn đề này.

Vậy sắp tới sẽ chấn chỉnh công tác quản lý như thế nào, thưa ông?

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Chúng tôi đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 34/2008  về quản lý lao động nước ngoài. Theo đó, sẽ đề nghị nâng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm. Ngoài ra, thủ tục cấp phép cho lao động nước ngoài cũng sẽ được rà soát lại theo hướng bãi bỏ những gì rườm rà và thắt chặt những gì cần thiết.

Chúng tôi cũng đề nghị tăng cường trách nhiệm của các nhà thầu, các chủ đầu tư trong việc quản lý lao động, thực hiện cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài (theo quy định, các nhà thầu phải lo giấy phép lao động cho lao động nước ngoài trước khi đưa lao động vào làm việc tại Việt Nam).

Các cơ quan liên quan cũng sẽ phải thắt chặt công tác quản lý lao động, xử lý nghiêm các sai phạm. Các địa phương nào chưa quản lý tốt lao động nước ngoài sẽ phải chấn chỉnh lại. Công an và chính quyền địa phương sẽ là lực lượng góp phần quyết định thành công trong vấn đề quản lý lao động nước ngoài.