15:17 28/12/2016

9 tồn tại kinh tế - xã hội 2016 từ góc nhìn Thủ tướng

Bảo Quyên

Một điều khiến dư luận bức xúc trong năm qua chính là đã để xảy ra các sai phạm trong công tác cán bộ

Thủ tướng yêu cầu chấm dứt ngay việc chúc tết, phong bao phong bì dịp Tết.<br>
Thủ tướng yêu cầu chấm dứt ngay việc chúc tết, phong bao phong bì dịp Tết.<br>
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra 9 mặt tồn tại, hạn chế nổi bật trong năm 2016, xét ở góc độ quản lý điều hành nền kinh tế, tại phiên họp tổng kết 2016 của Chính phủ với các địa phương sáng 28/12.

Giá dầu, môi trường, thiên tai...

Trước hết, đó là ngành công nghiệp khai khoáng giảm mạnh. Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm, kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 36,7% do giá dầu thô giảm mạnh.

Tiếp đó là thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt nghiêm trọng.

Sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung liên quan tới Formosa cũng là một hạn chế.

Một tồn tại đáng chú ý khác là các dự án nghìn tỷ thua lỗ, mất vốn.

Tiếp đó là câu chuyện các ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn, rủi ro cao, trong đó có một số ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng.

Việc xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng, nhiều vụ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng cũng được Thủ tướng đưa vào danh sách.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, một điều khiến dư luận bức xúc trong năm qua chính là đã để xảy ra các sai phạm trong công tác cán bộ, điển hình như vụ Trịnh Xuân Thanh…

Tồn tại cuối cùng là xếp hạng quốc tế về năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo giảm, khi xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam giảm 4 bậc.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2016 cũng giảm 7 bậc, xếp hạng 59 trong tổng số 128 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á.

7 nhiệm vụ cấp bách

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu 7 nhiệm vụ cấp bách để cơ cấu lại nền kinh tế.

Trước hết là đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tham nhũng, lãng phí, nợ đọng xây dựng cơ bản để có thay đổi có tính bước ngoặt trong nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và quản lý nợ công theo hướng  đảm bảo an toàn, bền vững; thực hành triệt để tiết kiệm chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế, chỉ vay trong khả năng trả nợ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước.

Xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu của nền kinh tế một cách căn bản, triệt để; từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữ chéo; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại.

Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư Nhà nước một cách minh bạch, thực chất, thận trọng theo cơ chế thị trường; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ không thể phục hồi.

Đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại và giao quyền tự chủ đẩy đủ cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập.

Cùng với đó phải phát huy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ và phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng; tập trung tích tụ ruộng đất, cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, phù hợp với thực tế biến đổi khí hậu.