12:08 04/02/2008

Ai lên phiên chợ Đồng Văn?

Nguyễn Chí Thành

Người dân tộc đi chợ như đi chơi, buôn bán không lấy làm trọng. Lưng gùi giỏ ngô, một tay "cắp nách" chú lợn mũm mĩm

Người dân tộc đi chợ như đi chơi, buôn bán không lấy làm trọng.
Người dân tộc đi chợ như đi chơi, buôn bán không lấy làm trọng.
Vào cữ này, ở dưới xuôi mới chỉ có gió đầu mùa, nắng vẫn căng mỏng như hong phơi tấm lụa mỡ gà. ở Hà Giang, trên "nóc nhà" tổ quốc đã lạnh rồi. Tưởng như trèo qua một ngọn núi thì cái lạnh lại tụt xuống mấy độ. Lạnh buốt thấu tới tận xương. Ních bao nhiêu áo mà người cứ rét run.

Sương mù trắng đục như sữa thấm vào núi đá, phả hơi lạnh tê buốt luồn qua người, ngấm vào da thịt. Lạnh từ trong ruột lạnh ra. Thế mà, bầy trẻ nép bên vách nhà đất trình tường, thập thò sau bờ rào đá chỉ độc tấm áo phong phanh. Mấy đứa tồng ngồng, chân trần trên đất bùn. Chúng vẫn nhoẻn miệng cười trước ống kính máy ảnh.

Thế mà, mấy cô gái Dao, Mông, Giáy, Lô Tô má cứ ửng đỏ, hừng hực như bên bếp lửa cháy rực. Đứng gần bên như cảm thấy hơi ấm nồng toả ra khắp phiên chợ vùng cao Đồng Văn...

Một tuần mong ngóng buổi chợ phiên

Hãy còn sớm! Sương chưa tan, chợ chưa họp. Một mình tôi đứng dưới con phố cổ ngay sát nách chợ. Ngót chục căn nhà hai tầng toàn bằng gỗ. Nhà nào nhà nấy tựa vai, ngả mái vào nhau. Thấp xùm xụp và ngả xiêu theo một chiều như chực đổ xuống. Màu phố đen tuyền như bồ hóng có lẽ đã ám khói cả trăm năm rồi như màu thời gian. Mái ngói âm dương mốc meo, tối sẫm màu của quá khứ, màu của quên lãng.

Bất giác tôi ngước lên những dãy núi trập trùng, sương mờ mịt che khuất đỉnh non. Sương ngập đầy, dâng lên đặc sánh như những dòng suối khói đang lặng lẽ đổ xuống. Chìm giữa dòng khói sóng ấy, nhìn kỹ mới thấy li ti những bóng người ẩn hiện. Trên những con đường mòn cheo leo vách đá, len lỏi bên sườn núi cũng là những chấm người bé xíu. Âm thầm, nhẫn nại như những con kiến tha mồi, người người đổ xuống chợ phiên Đồng Văn.

Xẩm tối qua, tôi bắt gặp lác đác từng đôi vợ chồng người Mông cắm cúi đi trên con đường "Hạnh phúc". Cả nhà dắt díu nhau đi chợ. Chồng đi trước, vợ bước sau, con lẽo đẽo bám theo. Con đường này được mở từ những năm 60 của thế kỷ trước, nối thị xã Hà Giang với cao nguyên Đồng Văn dài 154 km. Qua nửa thế kỷ tu sửa, nâng cấp, giờ phẳng phiu, mịn màng như xa lộ dưới đồng bằng. Bao nhiêu tiền của đổ vào con đường này? Bao mồ hôi và máu đã thấm trên từng khúc đường núi ngoằn nghèo, bám chênh vênh vách đá, cheo leo bên bờ vực hun hút rợn người.

Có lẽ vì bao đời sống vật vã trên đá, chết vùi trong đá nên đa phần người dân ở đây thấp bé. Họ sống trong những ngôi nhà tối như hũ nút, kín bưng như dưới mấy tầng đất sâu. Quanh năm không loe lói một tia sáng hay ánh mặt trời. Ngột ngạt, khó thở, vậy mà họ vẫn sống đời đời, kiếp kiếp. Vẫn háo hức, náo nức mong ngóng phiên chợ cuối tuần.

Người ta xuống chợ để gặp nhau, để hít thở không khí, hưởng chút nắng ấm và ánh sáng. Một tuần, chợ chỉ họp một lần vào chủ nhật. Ngôi chợ quây quần và lọt thỏm giữa thung lũng khum khum như lòng bàn tay. Năm dãy chợ chụm đầu vào nhau, tựa lưng vào vách núi sừng sững dựng thành. Kề bên là dãy phố cổ tối sẫm khác hẳn màu rực rỡ, sặc sỡ có phần lèo loẹt, diêm dúa áo váy con gái vùng miền núi chon von này.

Mái chợ lợp ngói âm dương, thấp đến mức suýt chạm đầu. Đã thoáng thấy những chiếc xe máy Tầu, Nhật, Nga chở lợn sau xe, vắt ngang lưng xe. Lợn Mường, lợn Mông được chở từ mãi trên núi cao, từ những bản làng sâu hút mấy chục cây số xuống đây.

Nhiều lần lên miền núi nên tôi có thể phân biệt đàn bà, phụ nữ, con gái người dân tộc qua trang phục. Đâu là người Dao, Mông, Tày, Lô Lô. Nhưng đàn ông, con trai thì chịu. Ai cũng như ai, y như mặc "đồng phục". Độc một màu áo chàm, áo đen. Chiếc mũ nồi lúc nào cũng xùm sụp trên đầu bất kể ngồi trên xe, bên chảo thắng cố bốc khói hay chỗ bán gia súc.

Rì rầm, râm ran tiếng chợ vùng cao

Đến chợ sớm nhất có lẽ là hai cha con ông già người Mông. Họ đang lúi húi nhóm bếp, bắc chảo nấu thắng cố. Bắt chuyện mãi mà cũng chỉ nghe lõm bõm dăm ba tiếng Kinh. Thật kỳ công như người Kinh bắc bếp luộc bánh chưng Tết. Đào đất, cơi rãnh, xây bếp như xây lò. Củi gộc chất đầy miệng lò, lửa nhóm lên. Chờ cho củi cháy rực mới đặt cái chảo to vật vã như cái nong lên bếp. Anh con trai bảo cái chảo gang này phải cõng trên lưng như địu con từ tít trên núi kia xuống.

Lửa bén rồi, bây giờ mới lần lượt đổ phủ lục ngũ tạng lợn vào chảo. Lòng chảo đầy phè, nước sôi sùng sục. Mùi thắng cố bốc lên ngào ngạt, toả ra khắp chợ. Thứ mùi vị không thể trộn lẫn với bất cứ món ăn nào.

Đầu chợ là nơi bán trâu, bò, chó, lợn, dê. Đứng trên đầu dốc nhìn xuống, trước mặt ngỡ như một thung lũng đầy hoa sặc sỡ đến ngỡ ngàng. Chói ngắt nhất là những tấm khăn đội đầu. Rặt những gam màu chói mắt: hồng tươi, xanh ngắt, đỏ thắm, tím thẫm, vàng chóe. Những sắc màu nguyên thuỷ này đã biến mất từ lâu rồi, ở đây lại càng rực rỡ chói gắt. Khác hẳn với sắc màu nền nã, nhã nhặn trên những chiếc váy hoa, váy xoè thổ cẩm đong đưa theo bước chân các cô gái. Tiếng nói cười ríu ran. Những đôi mắt thơ ngây, hoang dã thẹn thùng, bẽn lẽn.

Tôi như ngập giữa một cánh đồng hoa đang độ mãn khai, tươi tắn giữa nắng sớm hoe vàng vắt ngang sườn núi, buông thỏng trên mái chợ. Khắp chợ râm ran tiếng người mà không huyên náo như "chợ vỡ" ở dưới xuôi. Đàn ông, con trai khề khà bát rượu ngô bên chảo thắng cố nghi ngút khói che mờ một góc chợ. Đàn bà con gái xúm quanh thúng xôi nóng hôi hổi hoặc chen chúc bên thùng kem mút giữa gió đông lộng thốc.

Người dân tộc đi chợ như đi chơi, buôn bán không lấy làm trọng. Lưng gùi giỏ ngô, măng tươi, mộc nhĩ, nấm hương, thảo quả, quế chi. Một tay "cắp nách" chú lợn mũm mĩm; tay dắt theo chó, dê, bò, ngựa... chỉ là cái cớ để xuống chợ, để được nhìn thấy mặt nhau. Thung lũng lòng chảo như chỗ nước dồn tụ về. Nơi quần tụ người, quy tụ sản vật và quây quần niềm vui.

Hai bên đường vào chợ, treo đầy quần áo, ô dù, giầy dép. Nhiều nhất là giầy bộ đội, ủng cao su. Nông cụ thì không thiếu thứ gì: dao đi rừng, dao phát nương, kéo, lưỡi đục, lưỡi cầy. Con dao Mèo sắc như nước. Nòng súng kíp ngời ánh thép. Tiếng lục lạc lủng lẳng cổ ngựa, bò, dê. Hoa cả mắt là những dãy bán quần áo con gái, trẻ con. Tíu tít mua sắm, ướm chọn, cười nói rúc rích. Chen chúc vòng trong hàng ngoài là cửa hàng mậu dịch. Dầu, muối, diêm, mỡ, cái kim, sợi chỉ... cái gì cũng có.

Lang thang khắp chợ, tôi dừng lại lâu nhất là nơi bán ngô. Ngô vàng rực, đỏ au cả một góc chợ. ấy là màu no đủ, là sự sống của cao nguyên đá. Một cao nguyên rộng vài nghìn cây số vuông mà chỉ có vỏn vẹn 15 nghìn ha đất trồng trọt.

Diện tích ấy được ghép lại từ hàng vạn mảnh đất rộng bằng manh chiếu, cho tới những hốc đất, hõm đất chỉ tra được vài hạt ngô. Vào mùa tra hạt, vợ chồng con cái gùi đất trên lưng, nắm hạt giống rắt vào cạp váy, gói gém mèn mén dắt nhau lên nương. Hai bàn chân trần đạp lên đá sắc tai mèo, bấm ngón chân vào đá mà leo lên. Chân cứng, đá mềm...

Vật vã cây ngô trên cao nguyên đá

Khe đá, hốc đá, hõm đá, bất kể chỗ nào có thể bỏ nắm đất vào. Rồi cắm cây đầu gỗ nhọn, tra dăm ba hạt ngô. Thả vào đấy những "hạt" hy vọng mong manh trên đá, gieo mầm xanh trên đá. Cây ngô còi cọc mọc trên đá, đội đá, xuyên qua đá mà lớn lên. Hết ba tháng đông giá, qua cữ rét Nàng Bân, mưa lất phất rắc trên cao nguyên không đủ ướt đá nhưng không thể chờ mưa trút nước thừa mứa như dưới xuôi.

Ngô sống nhằn nhọc trên đá, trời cho mưa gió thuận hoà cũng chỉ cao ngang vai đứa trẻ. Bắp ngô chỉ nhỉnh hơn quả trứng gà. Năm nào trở trời, mưa gió, sương muối rắc xuống sớm, đúng vào đận ngô trổ cờ là cả cao nguyên đá bơ phờ lo cái đói ập tới.

Với người Mông, tài sản quý giá nhất không gì đánh đổi được là con bò. Nuôi bò trên "lưng người" là bởi đá nhiều hơn đất, đến ngọn cỏ còn hiếm nói gì thức ăn cho bò. Bò không thể thả rông như dưới xuôi, nếu không cẩn thận nó có thể lộn cổ xuống vực sâu chỉ vì cố với một ngọn cỏ lơ thơ trên sườn núi. Nếu không phải đi cầy, bò sướng hơn người, chỉ nằm trong chuồng. Thức ăn đã có người mang đến tận mồm. Nghe nói Đồng Văn cố gắng đến năm 2010 sẽ có 64% số hộ gia đình nuôi từ 1-2 con bò.

Cái nghèo ẩn dấu trong từng ngôi nhà lợp mái xi măng; lẩn khuất sau những bờ rào đá, tường đá. Nó vây bọc thân phận con người đời này sang đời khác. Cái nghèo ở Đồng Văn tưởng đã được đẩy lùi cùng với cây thuốc phiện. Hoa ngô trổ cờ phất phơ, lay động thay chỗ những bông hoa anh túc đẹp ma mị, sớm nở tối tàn như bao kiếp người. Lưa thưa những vạt ngô trên núi đá, cao lút đầu người những nương ngô ven đường; ngô đỏ au, vàng rực cả phiên chợ vùng cao, nhưng cái nghèo thì vẫn đeo bám không chịu buông tha con người.

Hiện tỷ lệ hộ nghèo của Đồng Văn chiếm gần 62%, cao nhất Hà Giang, cao như độ cao hơn mực nước biển trên 1.300 m. Qua bao năm thành lập mà huyện Đồng Văn vẫn chưa đặt chân lên nổi cấp thị trấn, trụ sở huyện vẫn "ăn gửi nằm nhờ " ở xã Đồng Văn. "Tiền vào nhà khó...". Tiền trên cao nguyên đá này lọt thỏm như cõng hạt muối vượt hàng trăm cây số đèo cao, suối sâu lên vùng cao. Thu nhập bình quân đầu người nghe nói chưa nổi 200 nghìn đồng/tháng, không bằng tiền ăn sáng của người Hà Nội.

Đi khắp phiên chợ Đồng Văn, cái màu ám ảnh nhất, khó quên nhất là màu ngô đỏ au, vàng rực. Ngô đựng trong gùi, chất đầy thúng, chật căng bao tải, ngồn ngộn chất đống bên những chiếc máy xay ngô. Ngô nấu thành rượu; ngô nghiền, xay, giã thành mèn mén; ngô vàng da, vàng mắt trẻ thơ. Ngô ở Đồng Văn là gạo ở dưới xuôi. Tôi không nhớ đã đi quanh chợ mấy lượt mà không thấy mỏi chân, mỏi mắt.

Trời đã ngả về chiều, chợ vãn người. Tôi chỉ mua được một cái thìa gỗ dùng ăn thắng cố và chiếc khăn thổ cẩm. Thôi thế cũng đủ một lần đi chợ Đồng Văn. Không biết đến bao giờ hay là không bao giờ còn có một dịp đuợc một lần đặt chân lên đây? Lại được một mình tha thẩn, lạc lõng giữa những người bà con, đồng bào dân tộc miền núi. Sớm mai tôi lại về dưới xuôi; về với ồn ào, bụi bặm, với ùn tắc, bon chen, ngột ngạt.

Chiều nay, những đôi vợ chồng, những chàng trai, cô gái người Mông, Dao, Giáy... lại lẽo đẽo lê bước trên đường núi hun hút. Họ lại trở về với ngôi nhà tường trình, với những chiếc cối xay ngô mòn vẹt. Mỗi người một cuộc sống, một mái nhà, một mái chợ của riêng mình. Cao nguyên đá về đêm càng thêm lạnh, lạnh tê tái. Tôi áp mảnh vải thổ cẩm lên mặt. Một chút hơi ấm như bàn tay ai chạm vào.

Chẳng lẽ đây là tấm thổ cẩm mà tôi đã thấy cô gái Mông ở bản Then miệt mài, gò lưng, thắt bụng dệt bằng hai bàn tay khô ráp, sần sùi? Ở trên này, con trai, con gái tỏ tình, phải lòng nhau thường tặng nhau khăn thổ cẩm. Chiếc khăn gửi bao nhớ thương, tình cảm. Chiếc khăn thổ cẩm của tôi có gói ghém tất cả màu sắc, hương vị của phiên chợ trên cao nguyên đá xa vời vợi này?