Xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ khó khăn hơn, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào thị trường ngách
Đối mặt với nhiều thách thức từ chính sách thuế quan và rào cản thương mại của Hoa Kỳ, đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới sản phẩm, tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh…
Phát biểu tại hội thảo "Xúc tiến thương mại sang thị trường Hoa Kỳ”, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho rằng quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong những năm gần đây không ngừng phát triển.
Số liệu mới nhất Bộ Thương mại Hoa Kỳ, cho thấy tính đến hết tháng 5/2025, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 80 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu đạt 70,5 tỷ USD (tăng 39,9%), nhập khẩu khoảng 5,7 tỷ USD và thâm hụt thương mại ở mức 64,8 tỷ USD, đứng thứ 5 sau Trung Quốc, Thuỵ Sỹ, Mexico và Ireland.
THÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG MỸ SẼ NGÀY CÀNG KHÓ KHĂN
Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, các mặt hàng chủ lực xuất khẩu như dệt may, điện tử, nông sản, thủy sản và đồ gỗ của Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế nhờ chất lượng cải thiện, giá cả cạnh tranh và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Hoa Kỳ.
Ngược lại, Việt Nam cũng là điểm đến quan trọng cho các sản phẩm công nghệ, nông sản và nguyên liệu đầu vào từ Hoa Kỳ, góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Marc Mealy, Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), cho rằng Hoa Kỳ được xem là một quốc gia nhập khẩu hàng hóa sản xuất từ nước ngoài lớn nhất hiện nay. Với tổng giá trị hàng hóa toàn cầu xuất khẩu sang Hoa Kỳ mỗi năm khoảng 4.000 tỷ USD. Bao gồm: máy móc, thiết bị, thực phẩm, dược phẩm, quần áo, các thiết bị giáo dục và ô tô…
Nguyên nhân khiến Hoa Kỳ là quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới là do tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ chiếm từ 60 đến 70% GDP của Hoa Kỳ. “Như vậy, có thể thấy Hoa Kỳ vẫn là một thị trường có giá trị lớn đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu toàn cầu trong năm nay cũng như những năm tới”, ông Marc Mealy nhận định.
Tuy nhiên, đại diện USABC thừa nhận việc thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ sẽ trở nên ngày càng khó khăn hơn và phức tạp hơn, bởi hiện tại chính phủ Hoa Kỳ đang có những chính sách áp dụng mức thuế nhập khẩu cao hơn đối với các sản phẩm hàng hóa được sản xuất bên ngoài nước này. Do đó, chi phí mua hàng sản xuất từ Việt Nam cũng sẽ cao hơn đối với các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng của Hoa Kỳ.
Hơn nữa, theo các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng mức thuế cao có thể ảnh hưởng đáng kể đến các nhà xuất khẩu do tăng chi phí sản xuất và làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ.
Song có tín hiệu đáng mừng, theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, hiện nay đoàn đàm phán hai bên đã cơ bản thống nhất tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ về khuôn khổ hiệp định thương mại đối ứng công bằng và cân bằng. Điều này tạo cơ sở, góp phần thúc đẩy kinh tế thương mại song phương phát triển bền vững, ổn định, đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.
Hơn nữa, qua trao đổi với cơ quan chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp của Hoa Kỳ, phía bạn thể hiện sự quan tâm, coi Việt Nam là đối tác quan trọng, nghiêm túc, có thiện chí cũng như ghi nhận thực chất quan hệ của Hoa Kỳ.
Theo đó, hàng loạt các tập đoàn lớn như là Walmart, Amazon, Apple… đều coi Việt Nam là môi trường đầu tư ổn định. Kể cả việc có chênh lệch thuế quan không đáng kể giữa các nước thì Việt Nam vẫn là ưu tiên thu hút đầu tư từ nước ngoài.
ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU QUA B2B VÀ B2C
Trước những thách thức về thuế quan, để xuất khẩu bền vững vào thị trường Hoa Kỳ, ông Marc Mealy khuyến nghị việc đầu tiên và vô cùng quan trọng với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam là cần đẩy mạnh hơn nữa việc tiếp thị các sản phẩm thiết yếu, hàng tiêu dùng. Đây là những mặt hàng mà người tiêu dùng Hoa Kỳ vẫn sẽ phải mua, dù giá thuế nhập khẩu ngày càng tăng lên.
Đồng thời tập trung sản xuất các mặt hàng giúp mở rộng được quy mô xuất khẩu, nhắm tới các thị trường ngách, thị trường chuyên biệt, ví dụ những thực phẩm được chứng nhận hữu cơ… Nhờ đó, chúng ta có thể bán được với giá cao hơn nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi trả.
Riêng với lĩnh vực thuỷ hải sản, ông Marc Mealy khuyến nghị các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh tham gia các hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại về thủy sản. Đây là cơ hội để gặp gỡ các đối tác liên quan tới lĩnh vực xuất nhập khẩu về thủy sản, qua đó sẽ tìm được các đối tác tiềm năng cho xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Một trong những phương thức để đẩy mạnh quá trình xuất khẩu này, ông Marc Mealy khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam đi theo hai mô hình là B2B (hình thức giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) và B2C (Doanh nghiệp bán hàng, cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng – khách hàng). “Đây chính là hai phương thức phổ biến nhất để có thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ hiện nay”, ông Marc Mealy nhấn mạnh.
Với mô hình B2B, đại diện USABC cho rằng có 3 yếu tố quan trọng, then chốt đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng, đó là: chất lượng sản phẩm, số lượng và giá cả.
Doanh nghiệp Việt Nam cần đặt ra bài toán: So với các sản phẩm cùng chất lượng thì hàng Việt Nam mức giá như vậy đã đáp ứng được hay chưa. Về số lượng, các doanh nghiệp có thể cung cấp được bao nhiêu trong một khoảng thời gian nhất định? Đây cũng là một trong những thách thức, yêu cầu mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt nếu muốn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Còn muốn xuất khẩu trực tiếp đến người tiêu dùng tại Hoa Kỳ theo mô hình B2C, theo ông Marc Mealy, cần có một số những chiến lược và các yếu tố khác biệt để giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công trên thị trường tiêu dùng Hoa Kỳ.
Ngoài vấn đề về chất lượng, giá thành, một trong những yếu tố rất quan trọng chính là phát triển được thương hiệu, danh tiếng của công ty mình. Sản phẩm mới lạ, độc đáo thu hút người tiêu dùng Hoa Kỳ.
“Trong bối cảnh công nghệ ngày nay, việc chúng ta áp dụng thêm những công nghệ mới để làm cho sản phẩm ngày càng trở nên đẹp mắt hơn cũng là một trong những yếu tố để giúp doanh nghiệp thành công hơn”, ông Marc Mealy gợi ý.
Doanh nghiệp Việt Nam có thể bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng Hoa Kỳ thông qua các nền tảng thương mại trực tuyến. Để thành công trên nền tảng số, doanh nghiệp cần mô tả các sản phẩm bằng hình ảnh sinh động, ngôn ngữ tiếng Anh; vận chuyển sản phẩm cần được đảm bảo an toàn, hàng đến tận tay khách hàng Hoa Kỳ nguyên đai nguyên kiện; tạo ra được các cơ chế thanh toán trực tiếp từ khách hàng.
“Nhìn về tương lai, một trong những lợi thế cạnh tranh rất tuyệt vời mà các doanh nghiệp Việt Nam có được so với các đối thủ khác trên thị trường Hoa Kỳ, chính là khả năng xây dựng được các mối quan hệ kinh doanh thông qua cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại các bang khác nhau”, đại diện USABC tin tưởng.