07:58 30/04/2023

Âm vang trống đồng Đông Sơn: Rạng danh thời đại Văn Lang

Chu Khôi

Những hình ảnh chạm khắc trên mặt trống đồng được đúc tạo từ cách đây trên dưới 2.500 năm, cho thấy người dân Văn Lang không chỉ đưa văn minh trồng lúa nước lên đỉnh cao, mà đã phát triển cực thịnh nhiều nghề tiểu thủ công nghiệp như: đúc đồng, chế tác đồ gỗ, làm mây tre đan, làm đồ gốm, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải…

Trống đồng Ngọc Lũ hiện trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Trống đồng Ngọc Lũ hiện trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Theo giới nghiên cứu sử học, quốc gia Văn Lang ra đời vào khoảng thế kỷ 6 trước Công nguyên, mở ra một thời đại dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Các sách sử xưa truyền lại (trong đó có Đại Việt sử ký toàn thư), phần ghi chép về thời kỳ hình thành nhà nước đầu tiên trên đất nước ta, viết rất sơ lược. Điều này do nguyên nhân trải qua nghìn năm Bắc thuộc, các sách sử đã bị giới cai trị phương Bắc tiêu hủy hết. Tuy vậy, sử sách cũng cho biết nước ta thuở đầu tiên có quốc hiệu Văn Lang, các triều đại đầu tiên gọi là kỷ Hùng Vương.

RỰC RỠ VĂN MINH TRỐNG ĐỒNG

Từ cách đây gần 1,5 thế kỷ, các nhà nghiên cứu người Pháp khi chứng kiến những chiếc trống đồng được phát hiện tại huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) đã phác thảo ra một nền văn minh rực rỡ ở Đông Dương cách ngày nay hơn 2 thiên niên kỷ, đặt tên là “Nền Văn hóa Đông Sơn”. Công cuộc truy tập và nghiên cứu trống đồng được triển khai bài bản bởi Viện Viễn Đông Bác Cổ, để rồi vào những năm đầu thế kỷ 20, nhà nghiên cứu người Áo F. Heger đã xuất bản tập sách “Những trống kim khí ở Đông Nam Á”.

Heger chia trống đồng thành bốn loại chính theo thứ tự từ cổ nhất đến gần đây nhất, gồm: Heger I, Heger II, Heger III và Heger IV. Trong đó, nhóm Heger I là những trống đồng có niên đại từ thế kỷ thứ VI trước Công nguyên đến thế kỷ I trước Công nguyên, cách ngày nay 2.500 năm đến 2.000 năm - thuộc loại cổ nhất, cơ bản nhất và từ loại này mà các loại khác ra đời.

 

"Thống kê đến thời điểm hiện nay, trên thế giới đã phát hiện được gần 250 trống đồng Heger I. Trong đó, có 137 chiếc ở Việt Nam, 73 ở Trung Quốc (đều tập trung ở khu vực phía Nam các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam - gần với Việt Nam), 8 chiếc ở Thái Lan, 9 ở Lào, 2 ở Campuchia, 4 ở Malaysia, 12 ở Indonesia, và 5 ở Myanmar".

Thạc sỹ Lê Thị Liên, Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Vào tham quan Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chúng ta được chiêm ngưỡng trống đồng Ngọc Lũ - chiếc trống đồng được đánh giá là đẹp nhất, hoa văn tinh xảo nhất trên thế giới và cũng là một trong những trống đồng có kích thước lớn nhất. Trống đồng này được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 1 theo Quyết định số 1426/TTg ngày 1/10/2012.

Thạc sỹ Lê Thị Liên, hướng dẫn viên của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết trong số 137 trống đồng Heger loại 1 được tìm thấy ở nước ta, thì có 5 trống được xếp vào Tiểu nhóm A1, tức là nhóm quý nhất (bao gồm: Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà,  Bản Thôm và Quảng Xương). Có 8 trống được xếp vào Tiểu nhóm A2 (gồm trống: Miếu Môn, Vũ Bị, Đồi Ro, Làng Vạc I, Làng Vạc II, Pha Long, Phú Xuyên và Quảng Trị).

Có 26 trống được xếp vào Tiểu nhóm B (bao gồm: Duy Tiên, Yên Tập, Ngọc Lũ II, Phú Duy, Núi Gôi, Việt Khê, Làng Vạc III, Làng Vạc IV, Định Công I, Định Công II, Định Công III, Cửu Cao, Mật Sơn, Thiết Cương, Phương Tú, Pắc Tà, Giải Tất, Bình Phủ, Hà Nội, Hoằng Vinh, Vĩnh Ninh, Đông Sơn I, Đông Sơn II, Đông Sơn III, Đông Sơn IV, Đào Thịnh, Phú Khánh), còn lại là các trống đồng được xếp vào các tiểu nhóm C và D.

Riêng trống đồng Heger loại I tìm thấy tại huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa có 12 chiếc, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Đông Sơn và Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Nói rõ hơn về xuất xứ và nơi “cư trú” hiện tại của 5 trống đồng quý nhất - Tiểu nhóm A1, bà Liên cho hay: trống đồng Hoàng Hạ được dân công đào mương dẫn nước xóm Nội, thôn làng Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (Hà Nội ngày nay) tìm thấy ở độ sâu 1,6 mét trong lòng đất vào ngày 13/7/1937. Trống đồng Hoàng Hạ hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Trống đồng Sông Đà (còn có tên là trống Moulié) được quan Phó sứ tỉnh Hòa Bình (vào nửa cuối thế kỷ 19) là ngài Moulié đã lấy trống này từ người vợ góa của viên quan lang người Mường vùng sông Đà thuộc tỉnh Hòa Bình. Năm 1889, trống được mang trưng bày tại cuộc đấu xảo quốc tế ở Paris và sau đó không được trở về Việt Nam nữa. Hiện trống đồng Sông Đà trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Paris - Pháp.

TINH XẢO TRỐNG ĐỒNG NGỌC LŨ

Trống đồng bản Thỏm tìm thấy ở bản Thỏm, xã Thôn Mòn, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Hiện trống này đang đươc lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trống Quảng Xương (do viên thuế quan người Pháp tên là Pajot mua ở Quảng Xương, Thanh Hóa vào năm 1934) hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.

Trống đồng Ngọc Lũ được phát hiện vào khoảng những năm 1893-1894 ở làng Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam), khi người dân đắp đê tìm thấy dưới độ sâu 2 mét trên bãi cát bồi có một chiếc trống đồng. Người dân đem cúng vào đình làng Ngọc Lũ. Năm 1902, nhân cuộc đấu xảo ở Hà Nội, trống được đem ra trưng bày. Viện Viễn Đông Bác cổ đã xuất 550 đồng bạc Đông Dương mua lại và lưu trữ ở Hà Nội.

Với niên đại tạo tác cách ngày nay 2.500 năm, trống đồng Ngọc Lũ có hoa văn vô cùng tinh xảo, trở thành trống đồng đứng đầu trong những trống đồng Đông Sơn đẹp nhất hiện biết. Trống có patin màu xanh ngả xám, đường kính mặt 79,3cm, cao 63cm, nặng 86kg, thuộc loại kích thước lớn. Mặt trống đúc liền chờm ra khỏi tang. Tang trống nở phình, thân trống hình trụ đứng, chân trống hình nón cụt hơi choãi.

Bản vẽ hoa văn trên mặt trống đồng Ngọc Lũ
Bản vẽ hoa văn trên mặt trống đồng Ngọc Lũ

Trung tâm của mặt trống trang trí hình mặt trời 14 tia, giữa các tia trang trí hoa văn lông đuôi chim công. Trên mặt trống, bao quanh mặt trời là 16 vành hoa văn. Vành 1, 5, 11 và 16 là những hàng chấm nhỏ. Vành 2, 4, 7, 9, 13 và 14 là những vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến.

Vành 3 là những hàng chữ N gẫy khúc nối tiếp. Vành 12 và 16: là hoa văn răng cưa. Vành số 6 trang trí hình người nhảy múa, nhà cầu mái vòm, nhà sàn mái cong, người giã gạo, cảnh đánh trống đồng… đối xứng qua tâm.

Vành số 8 có 2 nhóm hươu, tổng cộng 20 con, mỗi nhóm 10 con, đực cái xen kẽ, xen kẽ giữa các nhóm là 14 con chim lạc, với hai nhóm 6 con và 8 con, hướng ngược chiều kim đồng hồ. Vành số 10 là 36 con chim, trong đó có 18 con bay và 18 con đậu, ngược chiều kim đồng hồ. Vành số 12, 15 là hoa văn răng cưa. Viền mặt trống không có hoa văn, có vết con kê hình vuông không đều nhau.

Tang trống chính là chiếc hộp cộng hưởng khuếch đại âm thanh. Tang trống có 10 vành hoa văn. Phần trên của tang trống có 6 vành hoa văn hình học. Vành 1 và 6: những đường chấm nhỏ thẳng hàng. Vành 2 và 5: văn răng cưa. Vành 3 và 4: hoa văn vòng tròn đồng tâm chấm giữa nối với nhau bằng những tiếp tuyến song song. Vành số 7 là hoa văn người hóa trang lông chim đua thuyền và chim cốc, có 6 hình thuyền đi từ trái sang phải, thuyền thứ 1 có 5 người, thuyền thứ 4 có 6 người, thuyền thứ 2, 3, 5, 6 có 7 người, các nhân vật như thuyền trưởng, thủy thủ, người cầm lái, người bắn tên, người giết tù binh...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17-2023 phát hành ngày 24-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Âm vang trống đồng Đông Sơn: Rạng danh thời đại Văn Lang - Ảnh 1